Xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiềm chế, đã xuất hiện điều kiện mới cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với những phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, chạy chức, chạy án; làm và sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, làm giả giấy tờ để vay tiền các công ty tài chính, tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt tài sản... thì các phương thức, thủ đoạn mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp hơn qua không gian mạng, gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý.
Cụ thể, các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (chủ yếu là bị hại nữ) qua mạng xã hội Facebook, Zalo...) nhắn tin tâm sự, vờ yêu đương, sau đó thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại, rồi cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt) vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Những chiêu thức dẫn dụ người đầu tư trên mạng xã hội |
Các đối tượng giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện thông báo chủ thuê bao nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn, có biên bản xử phạt vi phạm giao thông; hoặc giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương...thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, đe dọa, nhằm khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.
Các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) hoặc chiếm quyền quản trị (hack tài khoản của bị hại) rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng sau đó chiếm đoạt; hoặc gửi tin nhắn báo tin trúng thưởng lớn cho bị hại rồi đề nghị nộp tiền lệ phí nhận thưởng sau đó chiếm đoạt; hoặc lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng.
Theo thống kê, từ ngày 25/5/2021 đến ngày 24/5/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện xảy ra 23 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 13 vụ so với cùng kỳ (23/36 vụ).
Các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, được các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao, người dân đồng tình ủng hộ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Điển hình như vụ Nguyễn Thị Kiều (SN 1997, trú tại thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) có hành vi thông qua mạng xã hội facebook đăng hình ảnh bán trái cây, các mặt hàng nông sản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 138 người bị hại với tổng số tiền 560,8 triệu đồng.
Cùng vào cuộc
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 21/CT-TTg, chỉ đạo của UBND tỉnh, các quy định của pháp luật; những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan báo, đài địa phương có nhiều tin, bài tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố giác tội phạm, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu, nêu cao cảnh giác, chấp hành nghiêm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật về lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Công an tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, nắm tình hình các trang web, trang mạng xã hội, ứng dụng điện tử... có mục đích thương mại, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, thu hút đầu tư, kinh doanh đa cấp...; các trang fanpage, tài khoản mạng xã hội đăng tải bài viết, quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo để kịp thời xác minh, thu thập tài liệu, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Những chiêu thức dẫn dụ người đầu tư, rồi chiếm đoạt tài sản hiện xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội |
Trong thời gian từ ngày 25/5/2021 đến 24/5/2022, công an toàn tỉnh đã tiếp nhận 52 nguồn tin tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 28,17 tỷ đồng. Trong đó, 28 nguồn tin liên quan đến không gian mạng, với trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 14,1 tỷ đồng; 24 nguồn tin liên quan đến các thủ đoạn truyền thống, với trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 14 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng khởi tố 23 vụ 29 bị can. Trong đó, 13 vụ 13 bị can liên quan đến không gian mạng, trị giá tài sản bị chiếm đoạt 8,37 tỷ đồng; 10 vụ 16 bị can liên quan đến các thủ đoạn truyền thống, trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 10,1 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố đã truy tố 31 vụ án, 61 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh thụ lý 44 vụ án, 103 bị cáo liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã giải quyết 39 vụ án, 98 bị cáo.
Tăng cường phòng ngừa, xử lý
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, một số ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, nhất là tại cơ sở có nơi, có lúc việc tuyên truyền, phổ biến về phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, chưa tới được đối tượng có nguy cơ cao. Người dân chưa tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh... nên dễ bị tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
Công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Công tác phối hợp, trao đổi, tích lũy thông tin, tài liệu giữa các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, chưa thường xuyên liên tục.
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản mặc dù đã được tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả còn hạn chế.
Bên cạnh đó, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ảnh hưởng đến nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, trong khi một bộ phận người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, lơ là để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đa số các đối tượng tội phạm đều có sự hiểu biết, có trình độ về công nghệ thông tin và chuẩn bị kế hoạch từ trước để thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm có độ ẩn rất cao, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Tội phạm sử dụng mạng internet, mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thường triệt để lợi dụng chủ quan, mất cảnh giác, hám lợi của bị hại, nhận được tin nhắn của người không quen biết nhưng vẫn gửi tiền vào các tài khoản để đối tượng chiếm đoạt. Khi xác định chắc chắn bị lừa mới trình báo với cơ quan công an nên đối tượng có thời gian rút, chuyển tiền, xóa dấu vết, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo nhận định, trong thời gian tới, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất, nên toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg để nhanh chóng, kịp thời đấu tranh, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, phòng, chống các loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an tỉnh chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, băng nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.