Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chụp ảnh chung với Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 23/9, Hoàng Thái tử Nhật Bản Fumihito Akishino, Công nương Kiko đã kết thúc các hoạt động tại Hà Nội và tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Trong thời gian ở Hà Nội, bên cạnh các hoạt động chính thức, Hoàng Thái tử Akishino, Công nương Kiko đã tiếp xúc các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản; tham quan, tìm hiểu một số cơ sở di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.
Một trong những hoạt động đầu tiên khi đến Hà Nội là Hoàng Thái tử, Công nương gặp gia đình của các cựu binh Nhật Bản từng ở lại Việt Nam sau khi Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc và tham gia Việt Minh chiến đấu chống thực dân Pháp.
Buổi gặp gỡ diễn ra chiều 21/9 trong bầu không khí thân mật, xúc động. Trong khán phòng nhỏ, Hoàng Thái tử, Công nương Nhật Bản đã tới trò chuyện với từng gia đình; nắm chặt tay thân nhân các cựu binh và ân cần hỏi thăm cuộc sống của họ.
Trong Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, chia sẻ về cảm xúc khi được gặp gỡ thân nhân các cựu binh Nhật, Hoàng Thái tử Akishino cho biết: "Sau khi Việt Nam giành độc lập, những gia đình này đã trải qua rất nhiều khó khăn vì các cựu binh được khuyến cáo phải trở về Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi vô cùng xúc động khi biết rằng sự giao lưu kết nối vẫn được duy trì giữa gia đình các cựu binh Nhật Bản ở Việt Nam với gia đình của họ sau khi trở về Nhật Bản."
Cũng trong chiều 21/9, Hoàng Thái tử Nhật Bản Fumihito Akishino và Công nương tới thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Chậm rãi men theo con đường rợp bóng cây xanh, Hoàng Thái tử và Công nương chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ, dừng chân tại Khuê Văn Các, Vườn Bia Tiến sỹ, Điện Đại Thành… nghe giới thiệu về lịch sử của Khu Di tích.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hiện nay, khu di tích này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Bên cạnh đó, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, thể hiện tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước…
Chuyến thăm giúp Hoàng Thái tử và Công nương hiểu thêm về nền giáo dục khoa cử Nho học xưa của Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Trong ngày thứ ba ở thăm Việt Nam, Hoàng Thái tử Nhật Bản Fumihito Akishino và Công nương đã thăm trường Nhật Bản Hà Nội (Mỹ Đình, Từ Liêm); Đại học Việt Nhật (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) và gặp các cựu lưu học sinh, cựu tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Thăm trường Nhật Bản Hà Nội, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương thể hiện sự ấn tượng trước sự phát triển của nhà trường.
Được thành lập vào 1996, Trường Nhật Bản Hà Nội là trường quốc tế vốn 100% nước ngoài, đào đạo từ tiểu học đến trung học.
Trường chủ yếu tuyển sinh học sinh có cha hoặc mẹ là người Nhật Bản hoặc những em có gia đình muốn con học theo mô hình giáo dục của Nhật.
Cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy, giáo viên của trường đều theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Trong chuyến thăm, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương đã gặp gỡ vào giao lưu với học sinh đang theo học tại đây và vào thăm một số lớp học.
Tới thăm Đại học Việt Nhật (VJU), Hoàng Thái tử Akishino và Công nương đã giao lưu với giảng viên, học viên và sinh viên (Chương trình đào tạo Cử nhân và Thạc sỹ) của VJU.
Theo dõi những chia sẻ của sinh viên và ấn tượng với nỗ lực của các sinh viên trong việc đưa ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, Hoàng Thái tử và Công nương tin tưởng VJU sẽ tiếp tục phấn đấu để phát triển hơn nữa, trở thành một trường đại học có thể đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Gặp gỡ, trò chuyện với cựu du học sinh Việt Nam, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản ân cần hỏi thăm, đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của việc học tiếng Nhật hiện nay cũng như việc học ngôn ngữ, kiến thức tại Nhật Bản đã đóng góp gì cho công việc của mỗi người, sự phát triển của đất nước Việt Nam và quan hệ song phương Việt-Nhật.
Hoàng Thái tử bày tỏ mong muốn các cựu du học sinh, thực tập sinh Việt Nam học tại Nhật Bản khi quay trở lại Việt Nam tiếp tục là cầu nối góp phần thúc đẩy việc giao lưu hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.
Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến dự buổi Công chiếu vở Opera Công nữ Anio. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Ngày thứ tư ở thăm Việt Nam và cũng là ngày cuối cùng có các hoạt động tại Hà Nội, Hoàng Thái tử Fumihito Akishino và Công nương tới tham quan Bảo tàng Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), Kymviet (Cơ sở sản xuất đồ thủ công của người khuyết tật).
Thăm Bảo tàng Sinh học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi lưu giữ mẫu đồng chuẩn của cá bống cát trắng do Thượng hoàng Akihito tặng năm 1976, Hoàng Thái tử Akishino cảm ơn Đại học Quốc gia Hà Nội đã gìn giữ rất tốt mẫu vật.
Thượng hoàng Akihito, khi đó còn là Hoàng Thái tử Nhật Bản, đã phát hiện một loài cá bống trắng mới ở sông Cần Thơ của Việt Nam trong quá trình làm luận văn vào thập niên 1970.
Hoàng Thái tử Akishino là người thích nghiên cứu về động vật học, đặc biệt là các loại gà. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012, Hoàng Thái tử Akishino cũng tặng cho Bảo tàng Sinh học hiện vật gà đuôi dài Onagadori, giống gà quý của Nhật Bản.
Đến thăm Kym Việt, công ty của người khuyết tật được thành lập từ năm 2013, chuyên về sản xuất đồ thủ công làm từ vải, Công nương Kiko đã có một cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các lao động là người khuyết tật về nguyên liệu, cách làm ra sản phẩm.
Các hoạt động của Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản tại Hà Nội đã góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, giao lưu nhân dân giữa hai nước, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế./.