Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế

Minh Ngân| 26/07/2024 17:41

Với mục tiêu hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, bảo đảm phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Việt Nam; độc lập với lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an dự thảo Hồ sơ Luật Dẫn độ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến (yêu cầu dẫn độ đến); đã lập và chuyển 95 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (yêu cầu dẫn độ đi)
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 41 YCDĐ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 95 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Tại dự thảo Tờ trình xây dựng dự án Luật Dẫn độ cho biết, Luật Tương trợ tư pháp được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 gồm 7 Chương 72 Điều quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự, TTTP về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong TTTP. Trong đó, hoạt động dẫn độ được quy định tại Chương IV (từ Điều 32 đến Điều 48) và một số quy định tại Chương I, Chương VI. Luật TTTP đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp.

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 95 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Báo cáo số 248/BC-BTP ngày 8/8/2023 rà soát Luật TTTP và nghiên cứu khả năng tách Luật TTTP. Trên cơ sở Báo cáo này, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6409/VPCP-PL ngày 19/8/2023 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, theo đó nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc tách Luật TTTP thành 04 luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực khác nhau (Luật TTTP về dân sự, Luật TTTP về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù) và yêu cầu sớm trình Chính phủ cùng một thời điểm (trước ngày 31/12/2023), xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.

Ngày 08/6/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, theo đó giao Bộ Công an xây dựng Dự án Luật Dẫn độ, trình Chính phủ trong tháng 01/2025.

Theo đó, dự thảo Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ đối với các yêu cầu dẫn độ gửi đi và các yêu cầu dẫn độ nhận được; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động dẫn độ; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động dẫn độ. Áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dẫn độ với Việt Nam.

Trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Bộ Công an cũng đưa ra mục tiêu, nội dung của chính sách, các giải pháp thực hiện các chính sách, gồm:

- Chính sách 1: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế.

- Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ.

- Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.

Toàn văn dự thảo Hồ sơ Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Theo bocongan.gov.vn
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/hoan-thien-phap-luat-nham-thuc-day-hop-tac-quoc-te-ve-dan-do-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-cua-viet-nam-va-quoc-te-d1-t1464.html
Copy Link
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/hoan-thien-phap-luat-nham-thuc-day-hop-tac-quoc-te-ve-dan-do-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-cua-viet-nam-va-quoc-te-d1-t1464.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO