Hoàn thiện khung pháp lý quản lý phương tiện cơ giới đưa vào Việt Nam du lịch

25/08/2023 10:22

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Hoàn thiện khung pháp lý quản lý phương tiện cơ giới đưa vào Việt Nam du lịch - Ảnh 1.

Hoàn thiện khung pháp lý quản lý phương tiện cơ giới đưa vào Việt Nam du lịch - Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 80/2009/NĐ-CP quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông ở Việt Nam, Nghị định số 152/2013/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch và Nghị định số 57/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2013/NĐ-CP thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh đó cũng đã bảo đảm được yêu cầu về trật tự, an toàn giao thông đối với việc tham gia giao thông của khách nước ngoài theo hình thức này.

Cho đến nay, các Nghị định số: 80/2009/NĐ-CP, 152/2013/NĐ-CP và số 57/2015/NĐ-CP đã được Bộ Giao thông vận tải và các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Tài chính phối hợp cùng các địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam mở rộng lĩnh vực kinh doanh, thu hút khách du lịch đến Việt Nam, hội nhập với xu hướng du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế đã tổ chức nhiều đoàn caravan xe mô tô, xe ô tô của khách nước ngoài tự lái vào Việt Nam du lịch, đáp ứng yêu cầu góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với du khách của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nội dung quy định tại các Nghị định nêu trên đã được hướng dẫn cách đây gần 10 năm, so với sự phát triển công nghệ, công tác cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh, quản lý trật tự xã hội, sự phát triển với mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... thì cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội (cải cách thủ tục hành chính, giảm thành phần hồ sơ, ứng dụng công nghệ quản lý người và phương tiện, tăng cường an ninh, an toàn du lịch).

Quản lý thống nhất phương tiện mang theo của người nước ngoài vào Việt Nam du lịch

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp đồng bộ với các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho đơn vị du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế, cơ quan quản lý thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động du lịch của khách nước ngoài mang phương tiện vào Việt Nam với mục đích du lịch.

Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn, tăng cường cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. 

Việc xây dựng Nghị định này cũng nhằm triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; cắt giảm thủ tục hành chính và hủy bỏ các chế độ báo cáo không cần thiết.

Bảo đảm sự quản lý thống nhất giữa người và phương tiện mang theo của người nước ngoài vào Việt Nam du lịch; đồng thời phù hợp với việc liên thông trong lĩnh vực quản lý khi cấp biển số tạm của phương tiện đang được Bộ Công an phân cấp tổ chức thực hiện. 

Qua đó tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế khi tổ chức thực hiện các đoàn caravan của người nước ngoài mang phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam.

Bố cục dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 17 Điều. Cụ thể như sau:

- Chương I. Quy định chung: từ Điều 1 đến Điều 3.

- Chương II. Quy định việc phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam: từ Điều 4 đến Điều 7.

- Chương III. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan và doanh nghiệp lu lịch lữ hành quốc tế: từ Điều 8 đến Điều 15.

- Chương IV. Điều khoản thi hành: từ Điều 16 đến Điều 17.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.


Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-quan-ly-phuong-tien-co-gioi-dua-vao-viet-nam-du-lich-119230825090233808.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-quan-ly-phuong-tien-co-gioi-dua-vao-viet-nam-du-lich-119230825090233808.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện khung pháp lý quản lý phương tiện cơ giới đưa vào Việt Nam du lịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO