Hoàn cảnh éo le trong căn nhà mục nát ở biên giới Đắk Nông
Gia đình anh Hoàng Văn Hân và chị Thị Nghinh, bon Bu Lum, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và liên tục phải gánh chịu những tai ương, khiến cuộc sống vốn nghèo khó lại càng thêm khó khăn hơn.
Đã nghèo còn gặp eo
Quê gốc ở Bắc Kạn, gia đình anh Hoàng Văn Hân, dân tộc Tày (SN 1988) mang trong mình khiếm khuyết bẩm sinh khiến lời nói không tròn tiếng, sức khỏe yếu, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, canh tác không đủ ăn. Năm 2013, cả nhà anh Hân quyết định rời quê hương, theo người quen vào Đắk Nông lập nghiệp.

Lúc đó, gia đình anh Hân mua 4 sào đất nợ với giá 95 triệu đồng ở bon Bu Lum, xã Quảng Trực để trồng cà phê. Qua nhiều năm chắt chiu, đến năm 2020, gia đình anh trả hết nợ và mở rộng diện tích canh tác lên được 1ha.
1ha đất cà phê mà gia đình anh Hân đang canh tác nằm trên đỉnh đồi trọc, đường lên dốc, đất khô cằn, lại không có nguồn nước tưới. Dù vậy, đó là tài sản lớn nhất, là hi vọng duy nhất mà cả nhà đang bám víu.
Dù mang trong mình sức khỏe yếu ớt, anh Hoàng Văn Hân vẫn không ngừng nỗ lực mỗi ngày. Anh trèo đồi, bón phân, làm cỏ trên mảnh rẫy cà phê khô cằn, đồng thời tranh thủ đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền trang trải từng bữa ăn cho gia đình.

Vợ anh, chị Thị Nghinh, dân tộc M’nông không có công việc ổn định. Vợ chồng anh Hân phải tự lực cánh sinh, sống nhờ vào tiền công làm thuê hoặc nhặt ve chai. Mỗi khi không ai thuê, chị Thị Nghinh lại bế con trai nhỏ Hoàng Minh Tài mới chỉ 2 tuổi đi nhặt ve chai, gom từng lon nhôm, mẩu nhựa để bán lấy tiền mua gạo.
Niềm vui tưởng chừng vừa kịp chạm đến thì sóng gió lại tiếp tục ập đến khi người bố, ông Hoàng Văn So bị tai biến phải nhập viện. Từ đó, Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức trở thành nơi ông So lui tới thường xuyên như cơm bữa.

Để chữa bệnh cho bố, anh Hân gom góp, vay mượn của bà con làng xóm. May mắn căn bệnh thuyên giảm, ông được về nhà, hẹn tái khám hàng tháng.
Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì ông So tiếp tục mắc chứng tụt canxi, thường xuyên đau nhức cơ, tay chân run rẩy, không đủ sức để tự mưu sinh. Bệnh lại thêm bệnh, giờ ông So thều thào được vài câu rồi lại thở dốc.
“Bây giờ các y, bác sĩ xem tôi như người nhà, thấy mặt tôi là ai cũng biết. Họ bảo cứ để bác ấy nhập viện trước, làm thủ tục sau cũng được,” ông So chia sẻ.
Gần như thời gian của ông So đều ở trong Trung tâm Y tế huyện, còn thời gian về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông So mắc nhiều bệnh, mỗi lần trở bệnh là lại nhập viện dài ngày. Gánh nặng chăm sóc, lo toan gia đình càng đè nặng lên vai người vợ, bà Hoàng Thị Đẹp và vợ chồng anh Hân.
Bà Đẹp nay đã già yếu, sức khỏe không còn như trước nhưng vẫn cố gắng đi làm thuê khắp nơi để kiếm từng đồng thêm thắt vào cùng con nuôi chồng. Có những ngày mệt mỏi quá, bà phải nghỉ, nhưng nghỉ một hôm thì gia đình lại thêm bữa đói.
Ước mơ học hành của con và ngôi nhà kiên cố
Căn nhà nhỏ mà cả gia đình anh Hân sinh sống từ lâu đã mục nát, xiêu vẹo. Những tấm ván gỗ cũ kỹ không còn đủ sức che nắng che mưa. Anh Hân phải ốp thêm những tấm tôn gỉ sét vào vách, mùa mưa thì lấy cây chống đỡ xung quanh để không bị sập, còn mùa gió thì lấy vải bạt và bao bì che những lỗ thủng để đêm về, các con có thể yên giấc ngủ.

Giữa những bộn bề khó khăn, em Hoàng Thị Ngọc Ánh con gái lớn của anh chị, sinh năm 2015 vẫn kiên trì đến trường. Em Hoàng Thị Ngọc Ánh đang là học sinh lớp 4 tại Trường tiểu học Ama Trang Lơng.
“Cháu thương ông, bà và bố mẹ lắm. Bố bệnh hoài, ông thì ở bệnh viện suốt, mẹ phải lao động vất vả, đi làm, nhặt ve chai, có hôm mưa về đến nhà ướt hết. Cháu chỉ muốn học giỏi để sau này làm cô giáo, có tiền xây lại nhà cho bố mẹ”, em Hoàng Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Cô giáo chủ nhiệm Thị Ra Chel chia sẻ: “Hoàn cảnh của học sinh Ánh rất khó khăn nhưng em luôn chăm chỉ, tự giác học tập, không nghỉ buổi học nào. Em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi, vở sạch chữ đẹp”.
Ngọc Ánh chính là tia sáng của gia đình, là niềm tự hào nhỏ nhoi giữa cuộc sống đầy khổ cực. Dù thiếu thốn sách vở, quần áo, em vẫn luôn nỗ lực học tập không để bố mẹ buồn lòng.

Anh Hoàng Văn Hân luôn ước có được ít kinh phí để sửa lại ngôi nhà đã mục nát để bố, mẹ già và các con có một mái ấm an toàn, vững chãi giữa vùng đồi gió núi. Anh Hân cũng mong có đủ tiền lo cho con cái tiếp tục đến trường, theo đuổi con chữ. Bởi theo anh Hân, học hành là con đường duy nhất giúp các con thoát khỏi cảnh nghèo khó mà gia đình anh đang gánh chịu từng ngày.
Mong sự hỗ trợ từ cộng đồng
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho nhà anh Hân một con bò cái. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, bò mẹ đã sinh ra thêm một bê con góp phần tăng thêm nguồn sinh kế cho gia đình anh.

Trong đó, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, với tấm lòng nhân ái, nhiều năm liên tiếp hỗ trợ gia đình anh Hân. Chị Dung đã hỗ trợ 100 cây mắc ca cùng 1 tấn phân bón để gia đình anh Hân trồng xen canh trên diện tích đất cà phê, với mong muốn giúp gia đình anh cải thiện thu nhập trong tương lai. Không những vậy, hàng năm chị Dung còn gửi tặng quà tết và dụng cụ học tập cho bé Ngọc Ánh, mang đến niềm vui và sự động viên thiết thực cho gia đình.
Ông Điểu Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết: “Gia đình anh Hoàng Văn Hân là hộ nghèo đặc biệt khó khăn của bon. Nhà cửa mục nát, sức khỏe yếu, không có nguồn thu ổn định, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thay mặt địa phương, tôi mong muốn thông qua Báo Đắk Nông, các nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ gia đình anh Hân vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống".
Mọi sự giúp đỡ, đóng góp cho gia đình anh Hoàng Văn Hân, dân tộc Tày, bon Bu Lum, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) xin gửi tới Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, số tài khoản: 6350006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Đắk Nông hoặc 5300201005953, Chi nhánh Agribank Đắk Nông. SĐT: 0796.678.678