Hoàn cảnh éo le - Mẹ đơn thân nuôi 2 con thơ
Trong căn nhà chắp, vá của mẹ con chị Thị Pưn, bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) chỉ có chiếc bàn học cũ và chiếc bàn thờ đơn sơ với di ảnh người chồng - trụ cột của gia đình, giờ đã yên nghỉ sau căn bệnh ung thư quái ác.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Chị Thị Pưn (SN 1995), dân tộc M’nông. Cuộc sống của chị từng rất hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương vợ, con - anh Điểu Chương (SN 1993).
Năm 2014, chị Thị Pưn, anh Điểu Chương kết hôn và lần lượt chào đón 2 đứa con gái: Thị Hạnh (SN 2015) và Thị Ngân (SN 2018). Dù thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn đong đầy tiếng cười. Không có tài sản lớn, nhà cao cửa rộng nhưng họ có niềm tin, hi vọng vào những ngày tháng chăm chỉ lao động sẽ đơm hoa.
Vợ chồng chị Thị Pưn sống hòa thuận, chăm chỉ lao động, ai thuê gì làm nấy. Nhờ đó, vợ chồng chị Thị Pưn gom góp mua được 4 sào đất để trồng cà phê.

Chị Thị Pưn nhớ lại: “Ngày ấy tuy nghèo nhưng lòng lại thấy đủ đầy”, nấc khẽ một tiếng, chị đưa tay lau nước mắt rồi kể tiếp. “Chồng tôi hiền lắm, chịu thương chịu khó. Hai vợ chồng chẳng ước gì cao sang, chỉ mong có chút tiền cho con ăn học nên người, vậy là mãn nguyện rồi".
Cuối năm 2023, anh Điểu Chương bắt đầu kêu đau bụng. Ban đầu chỉ âm ỉ, rồi quặn thắt nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng. “Anh bảo đau bao tử thôi, không chịu đi khám vì sợ tốn tiền. Nhà còn nghèo mà, mỗi đồng đều phải tính toán”, chị Pưn kể.
Đến đầu năm 2024, cơn đau trở nặng khiến anh không thể đứng dậy nổi. Sau khi đưa con đến trường, chị Thị Pưn vội vàng chở chồng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Các bác sĩ lập tức chuyển viện vì nghi ngờ có khối u.
Lên đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, chị Thị Pưn chết lặng khi nghe bác sĩ khám, kết luận anh Điểu Chương bị ung thư giai đoạn cuối, không thể phẫu thuật, chỉ còn thời gian rất ngắn.
Vay mượn hơn 50 triệu đồng để chạy chữa cho chồng trong 2 tháng nhưng vô vọng, chị Thị Pưn không thể giữ anh Điểu Chương ở lại với vợ, với con. Anh Điểu Chương trút hơi thở cuối cùng vào một sáng đầu tháng 2/2024, để lại người vợ trẻ với 2 đứa con còn thơ dại. Ngày anh Điểu Chương mất, 2 đứa con gái thơ dại cứ ngồi khóc gọi tên bố. Tiếng khóc non nớt trong căn nhà nhỏ khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa.
Thắp nén nhang lên bàn thờ của chồng, chị Thị Pưn rấm rức: “Đến giờ tôi vẫn không tin nổi… Mới hôm nào anh còn chở con đi học, cười nói rôm rả trên đường. Vậy mà giờ chỉ còn lại tấm di ảnh lặng lẽ trên bàn thờ. Nhìn vào đó, tim tôi như bị ai bóp nghẹn, đau đến không thở nổi…”.

Sau khi chồng mất, chị Thị Pưn trở thành trụ cột duy nhất trong nhà. Tang lễ xong xuôi, số nợ chồng chất vẫn treo lơ lửng. Không người hỗ trợ, chị buộc phải gồng gánh tất cả.
Hàng ngày, chị Thị Pưn đi làm rẫy, làm cỏ thuê, ai thuê gì làm nấy. Chỉ cần có việc, chị đều nhận, bất kể vất vả, nặng nhọc. Buổi sáng, chị dậy từ mờ sương, gửi con rồi lên rẫy. Buổi chiều, lại tranh thủ nhận thêm việc như: phát cỏ, bón phân thuê để kiếm thêm tiền mua gạo.
Mỗi lần trái gió trở trời, đôi tay chai sần của chị lại đau nhức nhưng chị không dám nghỉ. “Tôi không được phép mệt, không được gục ngã. 2 đứa nhỏ chỉ còn mình tôi”, chị Thị Pưn nói.
Bé Thị Hạnh rất hiểu chuyện và thương mẹ
Dù thiếu vắng tình cha nhưng cả em Thị Hạnh và em Thị Ngân đều ngoan ngoãn, cố gắng học tập. Bé Thị Hạnh nay đã học lớp 4 tại Trường tiểu học Ama Trang Lơng thường chủ động đỡ đần mẹ từ những việc nhỏ như nấu cơm, giặt đồ, dạy em học bài.
Em Thị Hạnh chia sẻ: “Con nói mẹ năm nay cho con dùng lại cặp cũ, quần áo cũ thôi, còn dùng được, khỏi mua. Con đi học về là con dọn dẹp nhà, nấu cơm phụ mẹ. Con sẽ cố gắng học giỏi để sau này lo cho mẹ”.

Cô giáo Thị Ra Chel, chủ nhiệm lớp em Thị Hạnh cho hay: “Thị Hạnh là một học trò ngoan, học lực khá, lại rất lễ phép. Từ ngày bố mất, em ngày càng trưởng thành hơn, biết phụ mẹ làm việc nhà, chăm em nhưng chưa bao giờ than vãn hay lơ là việc học".
Những tấm giấy khen cuối năm là niềm an ủi lớn nhất với chị Pưn, là động lực để người mẹ trẻ tiếp tục bước đi về phía trước.
Dù cuộc sống chưa hề dễ dàng nhưng người phụ nữ dân tộc M’nông ấy vẫn không buông xuôi. Điều chị Thị Pưn mong mỏi nhất lúc này là có thể trả hết số nợ đang gánh và lo cho 2 con được ăn học đến nơi đến chốn. Hơn cả, chị Thị Pưn ước có được chút tiền để sửa lại căn nhà chắp vá. "Mỗi khi mưa xuống, mái nhà dột tứ phía, ba mẹ con phải vội vàng đặt xô, chậu khắp sàn nhà để hứng nước, có đêm không ngủ được vì mưa rơi lộp bộp ngay bên giường nằm", chị Thị Pưn cho hay.
Mong sự hỗ trợ từ cộng đồng
Thương hoàn cảnh mẹ góa, con côi, hàng xóm trong bon Bu Gia tìm cách giúp đỡ. Người góp lon gạo, người giúp bó rau. Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực đã kêu gọi ủng hộ được gần 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình lo tang lễ và cây giống mắc ca để chị Thị Pưn trồng xen canh vào cà phê, cải thiện thu nhập.
Ông Hoàng Văn Du, Bí thư Chi bộ bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Từ ngày chồng mất, chị Thị Pưn trở thành trụ cột duy nhất trong nhà, vừa là cha, vừa là mẹ. Ngoài làm rẫy, chị còn phải đi làm thuê quanh vùng để nuôi con ăn học. Chính quyền địa phương đã có hỗ trợ bước đầu nhưng hoàn cảnh của gia đình vẫn vô cùng éo le.”
Gia đình chị Thị Pưn thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở địa phương. Mẹ chị đã cao tuổi, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động, cha đã mất từ lâu. Ba chị em gái của chị ai cũng có gia đình riêng, cuộc sống chật vật, bấp bênh nên không thể giúp đỡ được bao nhiêu.

“Nhà chị Thị Pưn xuống cấp nghiêm trọng, mái dột, không có nguồn thu ổn định. Cuộc sống quá đỗi chật vật. Thay mặt địa phương, tôi mong muốn thông qua Báo Đắk Nông, các nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ gia đình chị vơi bớt phần nào gánh nặng và có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống”, ông Hoàng Văn Du mong muốn.
Mọi sự giúp đỡ, đóng góp cho gia đình chị Thị Pưn, (SN 1995), dân tộc M’nông, bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức xin gửi tới Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, số tài khoản: 6350006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Đắk Nông hoặc 5300201005953, Chi nhánh Agribank Đắk Nông. SĐT: 0796.678.678