Văn hóa

Hòa quyện xây dựng đời sống văn hóa với nông thôn mới

Hoàng Dương 02/01/2025 6:12

Tỉnh Đắk Nông chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Qua đó, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xây dựng buôn, xã văn hóa

Nằm bên dòng sông Sêrêpốk, hơn 4.900 đồng bào người Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút đang định cư, quần tụ, sống chan hòa, đùm bọc nhau ở 4 buôn gồm: Nui, Buôr, Trum và Ea Pô.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con người Ê đê đã cùng nhau vượt khó vươn lên, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần.

dscf9183(1).jpg
Nhà văn hóa cộng đồng của bà con người Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được xây dựng kiên cố, khang trang

Đưa chúng tôi vào thăm buôn Nui, ông Trần Mạnh Trường, công chức văn hóa - xã hội xã Tâm Thắng cho biết, ngay khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, các buôn đã thành lập ban vận động gồm già làng, người có uy tín, đại diện tổ chức đoàn thể, chính trị... để tuyên truyền, vận động con cháu trong làng, trong dòng họ thực hiện.

dscf9213(1).jpg
Với sự quan tâm của Nhà nước, bà con người Ê đê ở buôn Nui được hỗ trợ xây dựng không gian và các thiết bị luyện tập thể dục thể thao, cũng như là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng

Cùng với xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới (NTM), các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đồng bào Ê đê ở Tâm Thắng vẫn được giữ gìn, không ngừng khôi phục. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với huyện, ngành Văn hóa tỉnh tích cực phục dựng một số lễ hội truyền thống như lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng bến nước... Đặc biệt, ở các buôn cũng đã thành lập đội múa truyền thống của người Ê đê, thu hút đông đảo người dân tham gia.

dscf3719(1).jpg
Năm 2023, Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông phối hợp với huyện Cư Jút tổ chức phục dựng Lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê đê tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Buôr, xã Tâm Thắng

Chị H Ngọc Êban, buôn Nui, xã Tâm Thắng cho hay, được sự quan tâm, vận động của cấp ủy, chính quyền và nghệ nhân trong buôn, năm 2015, buôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian với hơn 30 thành viên. Từ đó đến nay, mỗi khi địa phương diễn ra các sự kiện quan trọng thì các thành viên trong đội lại tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để cùng nhau luyện tập, biểu diễn và thi tài.

dscf4228(1).jpg
Đội văn nghệ buôn Buôr thể hiện tiết mục "Buôn Dur Kmăn" trong Lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê đê năm 2023

Cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bà con người Ê đê ở các buôn gìn giữ, đề cao các giá trị đạo đức, quy ước cộng đồng của dân tộc mình. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình với buôn làng, giữa anh em trong họ, ngoài họ khi mỗi gia đình có công to, việc lớn. Năm 2024, 837/873 hộ được công nhận gia đình văn hóa trong các buôn người Ê đê, đạt gần 96%.

Xác định tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cấp ủy, chính quyền cùng Nhân dân xã Tâm Thắng từng bước hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa NTM nâng cao. Trong đó, xã chú trọng nâng cao hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, tạo điều kiện cho Nhân dân được hưởng thụ văn hóa cao nhất.

dscf9143(1).jpg
Hiện nay, xã Tâm Thắng đã xây dựng, hoàn thiện 1 nhà văn hóa xã, 4 nhà văn hóa cộng đồng; 15 hội trường thôn

Hiện nay, xã đã xây dựng, hoàn thiện 1 nhà văn hóa xã, 4 nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn người đồng bào DTTS tại chỗ, 15 hội trường thôn. Tại tất cả các không gian sinh hoạt cộng đồng đó, đều được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, bàn ghế, tủ sách pháp luật... bảo đảm phục vụ sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của Nhân dân. Tất cả 19/19 thôn, buôn trong xã đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thực hiện nghiêm quy ước cộng đồng dân cư. Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân nghiêm túc thực hiện.

dscf9248(1).jpg
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con thôn 9, xã Tâm Thắng cùng đóng góp lắp thêm tivi để phục vụ cho các buổi sinh hoạt, hội họp của thôn

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 37 công trình thể thao phục vụ người dân tập luyện thể dục thể thao. Nhờ được hỗ trợ về cơ sở vật chất, không gian tập luyện nên số người dân trong xã tập thể dục thể thao thường xuyên đạt hơn 50%; 1.539/3.185 gia đình thể thao, chiếm 48,32%.

Năm 2024, toàn xã có 3.125/3.185 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 98,12%; 19/19 thôn, buôn được công nhận danh hiệu thôn, buôn văn hóa; xã giữ vững xã văn hóa NTM theo bộ tiêu chí nâng cao. Tháng 6/2024, xã Tâm Thắng đạt chuẩn NTM nâng cao.

Vượt kế hoạch xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH - TT & DL tỉnh Đắk Nông cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đối với nội dung "xã đạt chuẩn văn hóa NTM; phường, thị trấn văn minh đô thị" đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiêu chí văn hóa “Phấn đấu 60% xã đạt chuẩn văn hóa NTM; phường, thị trấn văn minh đô thị” đến nay đã đạt 63,38%, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 135.771/152.086 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 89,27%; có 670/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 93,96%; có 45 /71 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt 63,38%; 829/863 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 96,06%.

Nguồn: Sở VH - TT & DL tỉnh Đắk Nông

dscf9238(1).jpg
Gia đình ông Trần Xuân Uyn, thôn 10, xã Tâm Thắng nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa

Để đạt được những kết quả như trên, trong thời gian qua, Sở VH - TT & DL đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao công tác quản lý và hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...

PNAT TKTS (30)

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa vào tháng 11/2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”. Vì vậy, xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

“Để tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", ngành Văn hóa tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, gắn kết, lồng ghép với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở,...”, Phó Giám đốc Sở VH - TT & DL tỉnh Đắk Nông Lê Thị Trúc Linh thông tin.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hòa quyện xây dựng đời sống văn hóa với nông thôn mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO