Càng gần những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí lao động tại khu vườn hoa đào ở thôn 1, xã Đăk Mar càng trở nên nhộn nhịp. Trung bình mỗi ngày, có gần 20 lao động địa phương chia thành nhiều nhóm để cắt tỉa, bứng các gốc đào thế vào chậu, sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân.
Theo Hòa thượng Thích Quang Hạnh, Trụ trì chùa Tháp Kỳ Quang, huyện Đăk Hà, xuất phát từ thú chơi hoa đào ngày Tết của nhiều người dân huyện Đăk Hà, ông mạnh dạn đưa cây đào Nhật Tân về Đăk Hà trồng thử nghiệm từ năm 2022 trên diện tích 4,5ha.
Với bàn tay cần cù chăm sóc của người lao động, năm nay, vườn cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 gốc đào với đa dạng chủng loại như: đào bích, đào phai, đào cánh kép, đào thế, đào huyền…
Hòa thượng Thích Quang Hạnh cho biết: Theo quan niệm văn hóa của người Việt Nam, cứ mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về, mọi người có thói quen sắm các loài hoa về chưng để ngày xuân có không khí tươi tắn. Ở miền bắc thì chuộng hoa đào, miền nam có hoa mai, còn riêng Đăk Hà thì có sự giao thoa văn hóa của rất nhiều vùng miền khác nhau. Sau khi tìm hiểu, khí hậu Đăk Hà khá phù hợp với hoa đào, được sự giúp đỡ của một số anh em có chuyên môn, qua hơn 2 năm trồng thử nghiệm, người dân nơi đây đã thuần được cây hoa đào trên đất Tây Nguyên. Hy vọng thành công này sẽ giúp nhiều người dân dễ dàng sở hữu được những bông hoa đẹp với giá thành phải chăng, theo đúng nguyện vọng của bà con trong ngày Tết.
Gần 3 năm gắn bó với vườn đào, anh Đỗ Văn Pha, thôn 1, xã Đăk Mar, rất phấn khởi vì thành quả lao động của mình và những lao động tại địa phương là những cây đào đẹp, nhiều chủng loại sẵn sàng mang đến với người yêu hoa.
Anh Pha chia sẻ, khi mới đưa cây hoa đào từ phía bắc vào đất Đăk Hà trồng, bản thân anh gặp phải không ít khó khăn vì khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt hơn so với ngoài bắc, nên công việc chăm sóc đòi hỏi kỹ thuật cao và kỹ lưỡng.
Để đáp ứng yêu cầu của người chơi hoa, người chăm sóc phải vừa làm, vừa không ngừng học hỏi từ những người có kinh nghiệm, cũng như định hình được thói quen, gu thẩm mỹ của người chơi. Với anh, đây là công việc tuy bận rộn, nhưng mang lại rất nhiều niềm vui.
“Chăm sóc hoa cũng là một niềm vui bởi không đòi hỏi nhiều về sức khỏe, chỉ cần có tư duy nhiệt tình và học kỹ thuật nhiều thì sẽ đáp ứng được công việc mình làm và đảm nhiệm”, anh Pha chia sẻ.
Cũng chính vì đặc thù công việc không cần nhiều sức lao động, việc hình thành vườn hoa đào Tết tại huyện Đăk Hà cũng tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương với mức thu nhập ổn định, bảo đảm về sức khỏe.
Chị Y Tạo, dân tộc Xê Đăng, tại thôn 1, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, là 1 trong số 20 lao động thường xuyên tại vườn hoa đào. Chị Tạo cho biết, trước đây, kinh tế của gia đình chị chỉ phụ thuộc vào số ít cây cà-phê tại rẫy. Hết việc thời vụ, chị phải đi làm thuê theo ngày cho nhiều hộ dân ở xa, thu nhập rất bấp bênh.
Từ khi được nhận vào làm việc chăm sóc hoa đào với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng, gia đình chị có thêm điều kiện trang trải cuộc sống và chăm lo cho các con ăn học.
Ngoài ra, vì công việc không cần nhiều sức lao động, môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn nên sức khỏe của người lao động luôn được bảo đảm.
“Trước đây mình chưa biết làm, học theo mấy người có kỹ thuật chỉ dẫn thì dần dần mình quen với việc rồi, giờ việc gì cũng làm được. Cái hay là làm ở đây, chị em luôn tìm được niềm vui. Giờ ngắm hoa nở thế này, mình cũng cảm thấy rất hạnh phúc”, chị Y Tạo phấn khởi cho biết.
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, vườn hoa đào phát triển ổn định, cây có nhiều mắt hoa và được canh nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Được biết, bên cạnh cung ứng gần 4.000 gốc đào ra thị trường, nhà vườn cũng giữ lại nhiều cây đào thế nở hoa đúng dịp Tết để tạo cảnh quan, phục vụ miễn phí du khách có nhu cầu đến du Xuân, tham quan, trải nghiệm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Qua đó, lan tỏa được hình ảnh đẹp về cây hoa đào trên đất Tây Nguyên, tạo điểm nhấn cho du lịch của địa phương.
“Tuy rằng chưa đến Tết, nhưng mấy ngày nay thấy bà con phật tử, rồi nhiều người khách đến tham quan vườn rất là nhộn nhịp. Gần Tết, hàng trăm cây hoa cùng nở sẽ mang lại cảnh quan rực rỡ, tươi mới, mang lại niềm vui cho mọi người, cho vùng đất Đăk Hà. Mong rằng sau này, tại huyện Đăk Hà, cây đào sẽ đến với từng nhà, để người người, nhà nhà đều có được niềm vui trọn vẹn trong những ngày đầu Xuân”, Hòa thượng Thích Quang Hạnh chia sẻ.
Chơi hoa đào, một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ. Người Việt Nam quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng cho một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới. Còn với người trồng hoa, niềm vui chính là việc lan tỏa sắc xuân đến từng con phố, từng gia đình, góp phần lưu giữ một nét đẹp truyền thống đầy ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền.