Kinh tế

Hỗ trợ nông dân trị bệnh lem lép trên đồng lúa Buôn Choáh

Thanh Nga 05/09/2023 05:00

Huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tìm ra nguyên nhân một số diện tích lúa ở xã Buôn Choáh bị bệnh hại. Theo đó, lúa bị nhiễm bệnh lem lép hạt do nấm, vi khuẩn gây ra.

ADQuảng cáo
img_0054(1).jpg
Bà Lê Thị Ân, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) là người đầu tiên phát hiện cây lúa bị bệnh lạ tấn công

Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô tiến hành kiểm tra 6 ha lúa của gia đình bà Lê Thị Ân, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh và ghi nhận một số diện tích nhiễm bệnh lem lép hạt.

Bà Ân sử dụng giống lúa ST25 từ vụ đông xuân vừa qua để trồng trong vụ hè thu này. Cơ quan chuyên môn kết luận, việc sử dụng giống lúa từ mùa trước gieo trồng mùa này sẽ có tỉ lệ lúa nhiễm bệnh từ 20 - 30%. Đối với diện tích lúa của bà Ân, tỉ lệ nhiễm bệnh từ 3 - 5%.

2(1).jpg
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô kiểm tra tình hình bệnh hại trên cây lúa ở Buôn Choáh

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, các đơn vị chuyên môn đã kiểm tra lúa trên các cánh đồng khác và ghi nhận có xuất hiện bệnh lem lép hạt.

Tỉ lệ lúa mắc bệnh đang ở mức thấp, từ 3 - 5%. Trong đó, giống lúa ST25 từ vụ đông xuân 2022-2023 gieo trồng ở vụ hè thu có tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn, từ 15 - 25% hạt.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân 2022-2023, giai đoạn lúa trổ bông thời tiết nắng nóng bất thường, dẫn đến năng suất, chất lượng hạt lúa giảm.

Thời tiết bất lợi, nhưng người dân lại sử dụng giống lúa cũ của vụ trước gieo sạ trong vụ hè thu 2023, nên chất lượng hạt giống không đạt. Lúa chống chịu với điều kiện bất lợi kém, dễ nhiễm sâu bệnh hại, khả năng thụ phấn cũng giảm.

ADQuảng cáo
img_0090(1).jpg
Sử dụng giống lúa không đạt chuẩn là nguyên nhân chính làm phát sinh bệnh hại

Bên cạnh đó, tại thời điểm lúa trổ bông (từ ngày 1-15/8/2023), thời tiết thay đổi thất thường đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, dễ dẫn đến nhiễm bệnh.

Sau khi tìm ra nguyên nhân, chính quyền cùng nông dân đang tích cực trị bệnh cho cây lúa. Huyện Krông Nô đã khẩn trương thông báo, hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, tăng cường chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

img_0068(1).jpg
Người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) nỗ lực cứu diện tích lúa bị bệnh

Nông dân cần bón phân đầy đủ và cân đối để giúp cây lúa khỏe, không đổ ngã và tăng khả năng chống chịu đối với sự tấn công của nấm bệnh.

Đối với những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh lem lép hạt, bà con phun hai lần thuốc vào thời kỳ lúa bắt đầu trổ và trổ đều để hạn chế các loại nấm phát triển trên vỏ hạt lúa.

Nông dân sử dụng các loại thuốc trị nấm, kết hợp với thuốc trừ vi khuẩn có chứa các hoạt chất như Azoxystrobin + Difenoconazole, Difenoconazole + Tricyclazole, Propiconazole… (tên thương mại: Anvil 5SC; Tilt Super 300EC; Paramax 400SC, Amistar top 325SC…).

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Krông Nô cho biết, đơn vị khuyến cáo trong các vụ sản xuất tiếp theo, nông dân cần sử dụng hạt giống lúa khỏe, có xác nhận, sạch bệnh, không lẫn tạp chất để gieo sạ.

Nông dân tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt, giống đã sử dụng qua nhiều mùa vụ. Nông dân chăm sóc, bón phân đầy đủ và cân đối để giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân trị bệnh lem lép trên đồng lúa Buôn Choáh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO