Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Chỉ tính riêng 10 năm qua, nhiều chính sách liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp được tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành công khai, minh bạch các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng, đầu tư, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng theo định hướng, quy hoạch chung của tỉnh.
Hàng năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, 20% thời gian giải quyết các TTHC của 550 TTHC trên các lĩnh vực được cắt giảm.
Doanh nhân, doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quáng bá sản phẩm hàng hoá |
Sự ra đời của Trung tâm Hành chính công đã đảm nhiệm tốt vai trò làm đầu mối tiếp nhận, trả kết quả TTHC, giúp doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Tỉnh đã thành lập Tổ Dịch vụ công, là nơi tư vấn miễn phí các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tới Đắk Nông.
Tỉnh cũng đã rà soát tất cả các quy hoạch để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và Luật Quy hoạch. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện bãi bỏ 32 quy hoạch ngành, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và 1 phần các nội dung liên quan quy định số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; tiếp tục thực hiện các nội dung về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ, giải pháp đối với 16 quy hoạch ngành, lĩnh vực khác…
Giai đoạn 2011-2021, doanh nghiệp thành lập của tỉnh tăng bình quân 7,11%. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải chiếm khoảng 66,76%; công nghiệp, xây dựng, chế biến, chế tạo và khai khoáng: 27,17%; nông nghiệp: 6,07%. |
Tiếp sức, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Đắk Nông đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là các doanh nghiệp tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2011 đến nay, Đắk Nông đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mở rộng quy mô hoạt động và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến.
Thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2025”, tỉnh đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp, với kinh phí 879 triệu đồng.
Doanh nghiệp, doanh nhân thuộc khu vực nông thôn đã được địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh đã thực hiện 89 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện hơn 39,5 tỷ đồng. Thông qua các đề án đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định được hướng đầu tư đúng đắn, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất các sản phẩm từ hạt sachi tại Công ty cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) |
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về tình hình thị trường. Qua đó, các doanh nghiệp được tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, gặp gỡ trao đổi thông tin với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoạt động kết nối cung, cầu hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Cụ thể như, thông qua các hoạt động hỗ trợ đã giúp Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) ký kết thỏa thuận với đối tác nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa. Hiện tại, đơn vị đang sản xuất 5 loại sản phẩm khác nhau từ hạt sachi.
Trong đó, các sản phẩm tham gia xuất khẩu chủ yếu là sachi nhân trắng, dầu, sachi rang giòn và trà. Thị trường xuất khẩu là các nước như: Malaysia, Đài Loan, Campuchia và Hàn Quốc.
Theo bà Bùi Thị Kiều Xuân, Giám đốc Công ty, mỗi tháng, doanh nghiệp đang xuất đi các nước từ 80 - 100 tấn hàng nhân trắng; dầu từ 2.000 - 5.000 lít và trà khoảng tầm 500 kg (đóng theo hộp nhỏ).
Trong số đó, sản phẩm dầu sachi đang được thị trường đánh giá rất cao về chất lượng, nhất là ở Malaysia và Đài Loan. Bởi nguyên liệu được doanh nghiệp dùng để ép dầu là 100% hạt sachi…
Chương trình khuyến công đã tiếp sức cho doanh nghiệp khu vực nông thôn đầu tư, cải tiến công nghệ trong sản xuất, chế biến cà phê |
Thời gian tới, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Đắk Nông kiến nghị các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan.
Trong đó, tỉnh đề xuất ưu tiên cho doanh nghiệp, doanh nhân ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng vùng, miền; đồng thời, điều chỉnh tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng phù hợp.
Các quy định để cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp tiếp tục sớm được hoàn thiện. Các chính sách tín dụng, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp cần tiếp tục được đẩy mạnh, để tạo nền tảng vững chắc cho doanh nhân, doanh nghiệp thuận lợi trong phát triển sản xuất, kinh doanh.