Nông nghiệp - Nông thôn

Hồ tiêu Đắk Nông trên đà hồi sinh

Hồng Thoan 16/11/2023 09:53

Cây hồ tiêu hồi sinh tại những vùng được ví là vùng "đất chết" trước đây. Người trồng hồ tiêu Đắk Nông giờ đây đã có tâm thế mới nhờ sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

avatapng.png
tit-ky-22.png

Cây hồ tiêu hồi sinh tại những vùng được ví là vùng "đất chết" trước đây. Người trồng hồ tiêu Đắk Nông giờ đây đã có tâm thế mới nhờ sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

ky-2.1(4).png

Trở lại với câu chuyện của ông Nguyễn Văn Minh, thôn 1, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông. Đi giữa những hàng hồ tiêu xanh tốt, dây tiêu phủ kín trụ, đan thành một lớp dày, ông Minh nhắc đi nhắc lại với chúng tôi về những nỗ lực để cứu vườn tiêu.

dsc_0305-1-.jpg
Không dùng hóa chất diệt cỏ, mỗi năm, vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Minh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông được xạc cỏ 5-6 lần

Theo ông, để cứu được vườn tiêu như hôm nay, ông đã làm một cuộc “cách mạng cho đất”. Đó là ông đã loại bỏ hẳn việc canh tác lạm dụng hóa chất, phân bón hóa học. Thay vào đó là sự lên ngôi của phương thức canh tác thuận tự nhiên, hữu cơ để bồi bổ, trả lại dinh dưỡng cho đất. Đến nay, ông đã bỏ hoàn toàn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Minh không còn dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ cắt cỏ cho vườn cây khoảng 5-6 lần mỗi năm. Cỏ sau khi cắt được ông để nguyên trên vườn, lâu ngày sẽ tự phân hủy, trở thành lớp mùn.

dsc_0330-1-.jpg
Ông Nguyễn Văn Minh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông ủ đạm cá để bón cho hồ tiêu

Đối với phân bón, ông chủ yếu ngâm, ủ các loại phân vi sinh từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ cà phê, phân bò, đạm cá, xác thực vật tận dụng trong vườn. Bón các loại phân hữu cơ, chỉ sau một năm, tức là năm 2019, vườn tiêu hồi phục. Đất bớt phần chai cứng, dần trở nên mềm, xốp hơn. Định kỳ mỗi năm, gia đình ông đều gửi mẫu đất đi xét nghiệm.

Kết quả, độ PH trong đất luôn ổn định, hóa chất đã không còn. Sinh thái vườn ổn định cho hồ tiêu phát triển xanh tốt. Trung bình mỗi năm vườn tiêu đem về cho gia đình 5-7 tấn/1,5 ha.

Từ "cuộc cách mạng cho đất" mà cây hồ tiêu đã vượt qua cơn bạo bệnh, gia đình ông vượt qua thời kỳ nguy nan. Hiện nay, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng từ 1,5 ha hồ tiêu. Vợ chồng ông có điều kiện để lo cho con cái học tập đến nơi, đến chốn.

ky-2.2(1).png

Một ngày giữa tháng 10/2023, tại hội trường UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông, nông dân, giám đốc một số hợp tác xã, doanh nghiệp Đắk Nông cùng trao đổi về hồ tiêu hữu cơ.

Trong đó, ông Hà Công Xã, thành viên HTX Bechamp, bày một số nguyên liệu chính để ủ phân bón hữu cơ như chuối, đu đủ, bí đỏ, sữa chua, men vi sinh...

ha-cong-xa(2).png
Nguyên liệu cơ bản ủ phân bón hữu cơ được ông Hà Công Xã ở huyện Đắk Song, Đắk Nông thường xuyên sử dụng

Đây là những nguyên liệu cơ bản để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng. “Tôi đang muốn truyền một nguồn năng lượng tích cực mới cho cộng đồng làm nông nghiệp. Đó là nông sản sạch, hữu cơ, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng. Thông điệp này mang ý nghĩa nhân văn với con người và môi trường tự nhiên”, ông Xã chia sẻ.

Ông Xã nhấn mạnh, nhà nông phải tạo cho được hệ sinh thái vườn một cách tự nhiên nhất. Điển hình như việc để cỏ phát triển nhằm tạo độ tơi xốp, tiêu úng cho vườn hồ tiêu. Bà con cần nhân nuôi các vi sinh vật có lợi bằng các nguyên liệu tự nhiên để phun, xịt cho cây.

img_8141-1-.jpg
Nông dân Đắk Song, Đắk Nông học tập nhau kỹ thuật tạo sinh thái vườn hồ tiêu ổn định

Nhà nông không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ, phân người. Bà con cũng không dùng hoóc môn tăng trưởng, kháng sinh tổng hợp, biến đổi gen, không dùng các biện pháp hủy hoại môi trường hay mất cân bằng sinh thái.

Ông Xã nhấn mạnh: "Bà con ta hay gọi cỏ dại, nhưng theo tôi đó là cỏ khôn. Bởi nhờ cỏ mà đất đai tơi xốp, giun đất phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho rễ hồ tiêu hút được các dinh dưỡng từ đất".

Ngồi chăm chú nghe, chị Trần Thị Hà, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho biết, chị có 2 ha hồ tiêu xen cà phê. Chị đang mong muốn áp dụng quy trình hữu cơ lên vườn cây. Thực tế, chị đã dần vận hành vườn theo hướng hữu cơ từ 2 năm nay. Nhưng qua tham gia buổi trao đổi, hướng dẫn, chị cho rằng, vườn của mình vẫn chưa thể gọi là canh tác hữu cơ.
Kiểu sản xuất như của chị Hà có rất nhiều ở Đắk Nông. Việc từ bỏ lối canh tác lạm dụng hóa chất là không dễ. Tuy nhiên, nhiều người trồng hồ tiêu đã làm và họ đã lan tỏa được những tác dụng tích cực đến những người xung quanh.

dsc_0296-1-.jpg
Gia đình anh Nguyễn Văn Minh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông đạt ổn định năng suất khoảng 5-7 tấn/1,5 ha.

Ở Đắk Nông, phong trào trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học, đạt các chứng nhận về sản xuất nông nghiệp tốt ngày thêm mạnh mẽ.

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, Đắk Nông là một trong những người gắn bó lâu năm với nông dân địa phương. Ông đã cùng bà con đi qua nhiều cung bậc cảm xúc về sự phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn. Cây trồng chủ lực của tỉnh, của huyện đã được hồi sinh.

“Bây giờ đi đến đâu ở Đắk Song, câu chuyện bà con nói nhiều nhất là làm hồ tiêu hữu cơ, hồ tiêu đạt các chứng nhận để phục vụ xuất khẩu. Tôi tự hào lắm”, ông Vinh không giấu được nụ cười trên môi.

lam-lai.png

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây diện tích hồ tiêu Đắk Nông phát triển ổn định ở mức 34.000 ha. Diện tích này phù hợp với định hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Hiện nay, năng suất hồ tiêu bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hồ tiêu hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Đặc biệt, Đắk Nông đã phát triển được 547 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ; khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP.

dji_0223-1-.jpg
Màu xanh đã trở lại với vùng trồng hồ tiêu chủ lực huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh Đinh Thanh Hải

(Kỳ 3: Định vị thương hiệu hồ tiêu Đắk Nông)

Nội dung, ảnh: Hồng Thoan

Trình bày: TD - NH

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hồ tiêu Đắk Nông trên đà hồi sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO