Nông nghiệp - Nông thôn

Hồ tiêu Đắk Nông trên đà hồi sinh

Hồng Thoan 15/11/2023 08:41

Cây hồ tiêu từng được người dân Đắk Nông gọi là “vàng đen” vì đã đem lại cuộc sống sung túc cho rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, do canh tác thiếu khoa học, nên loại cây trồng này một thời cũng mang đến khủng hoảng kinh tế đối với người dân.

tieu-cuoi.png
thoan-cuoi.png

Cây hồ tiêu từng được người dân Đắk Nông gọi là “vàng đen” vì đã đem lại cuộc sống sung túc cho rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, do canh tác thiếu khoa học, nên loại cây trồng này một thời cũng mang đến khủng hoảng kinh tế đối với người dân.

1(5).png

Các xã Trường Xuân, Nâm N’Jang, Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song) hay Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Đắk Wer (Đắk R’lấp) từng được gọi là những "mỏ vàng đen" của tỉnh Đắk Nông. Bởi đây đều từng là những vùng sản xuất hồ tiêu rất lớn.

Nhờ hồ tiêu, nhiều nông dân ở đây giàu lên nhanh chóng. Họ xây nhà như biệt thự ở làng quê, mua sắm phương tiện, vật dụng đắt tiền. Chuyện nông dân trồng tiêu có vài chiếc ô tô tiền tỷ để đi đây, đi đó không hiếm.

Thế nhưng, thời kỳ vàng son của hồ tiêu ở Đắk Nông kéo dài không được bao lâu. Thậm chí, đối với nhiều người, hồ tiêu giờ đây chỉ là câu chuyện buồn để kể lại, với chất chứa trong đó là những nuối tiếc, xót xa.

dsc_0269.jpg
Ông Nguyễn Văn Minh (bên phải), thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song) từng trải qua thời kỳ thăng trầm với cây hồ tiêu

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song) đến Tây Nguyên lập nghiệp từ thuở đôi mươi. Nay ông đã xấp xỉ 50 tuổi. Ông đã có gần 30 năm gắn bó với cây hồ tiêu.

Một buổi sáng mùa thu nắng nhẹ, sương giăng mờ dọc các dãy núi ở xã Trường Xuân, chúng tôi theo chân ông đi thăm vườn hồ tiêu gần 1,5 ha. Vườn có những khu vực xanh tốt, nhưng một số khu vực rải rác cây chết.

Vừa thăm vườn, ông vừa kể về những chuyện buồn của hồ tiêu ở Đắk Song. Đó là giai đoạn những năm 2017-2019, khi hồ tiêu trên địa bàn huyện chết hàng loạt. Quanh nhà ông, nhiều hộ khóc đứng khóc ngồi vì hồ tiêu. Ông cũng thế, nhiều ngày mất ăn, mất ngủ vì cây "vàng đen". Bởi toàn bộ tài sản, vốn liếng làm ăn của cả vợ chồng, con cái đều trông chờ vào hồ tiêu.

minh-1.png

Ông Minh nhớ lại: "Đỉnh điểm nhất là vào cuối mùa mưa năm 2018, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt, chỉ vài cây chết. Qua đến mùa nắng là chết hàng loạt. Vườn tiêu gần 1,5 ha của tôi, thời điểm đó được coi là đẹp nhất vùng cũng chết".

Theo ông Minh, lúc đầu chỉ vài ba cây nơi góc đường gần ngõ chết, rồi chục cây, rồi cả đám chết mà ông không đếm xuể. Bằng kinh nghiệm của mình, ông mua thuốc về bón gốc, xịt lên lá, nhưng số lượng cây mắc bệnh càng nhiều. Ông tìm đến các nhân viên kỹ thuật của nhiều cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để nhờ hỗ trợ. Nhưng họ cũng ậm ờ, không chắc chắn cứu chữa được vườn tiêu.

dsc_0306-1-.jpg
Phủ vôi bột đã giúp ông Nguyễn Văn Minh, thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song) cứu được hồ tiêu khỏi đợt dịch lớn năm 2018

Nhiều ngày, ông đánh xe máy đến các xã khác trong huyện như Nâm N’Jang, Thuận Hạnh, Thuận Hà... để mong học hỏi ít kinh nghiệm, nhưng không thành. Bởi vườn hồ tiêu của bạn bè, bà con các xã đó cũng chết nhiều. “Nhiều đêm tôi thức trắng. Có đêm ngủ vật vờ, trằn trọc, vắt tay lên trán. Có lúc tôi thức dậy ra vườn vào khoảng 3 giờ sáng, với hy vọng tìm được manh mối nào đó để cứu vườn cây”, ông Minh nhớ lại.

Sau khoảng một tuần như thế, ông đã quyết định thử sức cấp cứu vườn tiêu bằng cách riêng của mình. Những cây chưa chết, ông mua vôi về bón gốc; hòa vôi vào bình và thuê lao động xịt lên cây, lá. Trong vòng 2 ngày, toàn bộ vườn tiêu của ông đã được phủ bằng một màu trắng của vôi bột.

Rồi chừng nửa tháng sau, ông lại mua vôi bột về pha loãng với nước sạch và xịt lên cây. Ông Minh nhớ lại, khoảng 4-5 lần gì đó, thì vườn tiêu đã cắt được đà lây lan của bệnh. Vườn hồ tiêu đã sống đến bây giờ. Hàng năm, đều mang lại cho chủ nhân khoảng 5-7 tấn.

dsc_0052-1-.jpg
Tâm lý thúc cây để đạt sản lượng cao sẽ khiến hồ tiêu dễ nhiễm bệnh

Sau khi cứu được vườn tiêu khỏi cơn bạo bệnh, ông Minh chợt nhận ra nhiều vấn đề khiếm khuyết trong quá trình sản xuất. Trước hết là do bón phân hóa học, xịt thuốc phòng trừ bệnh quá nhiều.

"Cây sống nhờ đất mà đất đai thì chai cứng, tiêu lúc nào cũng bị vắt kiệt sức để lấy sản lượng. Cây tiêu cũng như con người mình thôi, đề kháng yếu, sức khỏe kém mà bắt làm việc nhiều thì đổ bệnh mà chết", ông Minh phân tích.

Ông Minh khẳng định, sự thiếu hiểu biết của người sản xuất chính là nguyên nhân sâu xa đẩy cây hồ tiêu vào cảnh chết hàng loạt. Bởi lúc đó, hồ tiêu đang rất được giá, nên ai cũng muốn thúc cây cho tốt, cho nhiều sản lượng.

img_6125-1-.jpg
Ông Lê Đình Tỉnh, Nâm N'Jang (Đắk Song) từng bị chết khoảng 1 ha hồ tiêu trồng xen

Còn ông Lê Đình Tỉnh, thôn 4, xã Nâm N’Jang, có gần 30 năm trồng hồ tiêu. Ông cũng trải qua thời kỳ khủng hoảng của “vàng đen” và chịu rất nhiều tổn thất về kinh tế.

Ông kể lại, cách đây khoảng 5 năm, nhiều gia đình trong xã phải rao bán nhà, bán xe vì hồ tiêu chết hàng loạt. Hiện nay cũng còn một số gia đình chưa cắt đứt được ảnh hưởng từ giấc mơ làm giàu với hồ tiêu. “Tôi nhớ có lúc tôi đi từ đầu đến cuối xã đều thấy tiêu chết hàng loạt. Nhiều ngôi nhà to lớn, kiên cố nhưng cửa đóng im ỉm. Nhiều hộ treo biển bán nhà. Tôi thấy buồn vô kể. Bởi từ nhà mình đến nhà bà con, đi đâu cũng thấy tiêu chết”.

tinh-lai.png

Ông Tỉnh kể tiếp, năm 2010, ông trồng 2 ha hồ tiêu. Đến năm 2018 thì cây bắt đầu chết, tính ra hồ tiêu gia đình ông bị chết rải rác khắp vườn, tổng cộng trên 600 trụ. Tiêu chết, nợ ngân hàng không thể trả, không phải bán nhà, nhưng ông Tỉnh cũng điêu đứng. Mọi chi tiêu trong gia đình ông đều cắt giảm đến tối đa. Hai vợ chồng ông phải mượn tiền người thân, bạn bè từ Bắc chí Nam để trả nợ.

tieu.png
2(4).png

Chúng tôi đem câu chuyện hồ tiêu chết trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Ngô Xuân Đông. Ông Đông thông tin: Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, chết nhiều nhất vào giai đoạn mùa khô cuối năm 2018, đầu 2019.

dsc_0750-1-.jpg
Cuối năm 2018, đầu 2019, diện tích hồ tiêu mắc bệnh ở tỉnh Đắk Nông lên tới hơn 6.600 ha

Phát triển nóng, nên người dân sử dụng giống, trụ tiêu không bảo đảm. Nhiều người dân tự nhân giống từ các vườn tiêu nhiễm bệnh, tái sử dụng trụ tiêu từ một số vườn đã nhiễm bệnh trước đó. Đây là những điều kiện để nguồn bệnh lây lan trên hồ tiêu.

Người dân không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác của Bộ NN-PTNT ban hành; lạm dụng phân bón hóa học, phân bón để kích thích sinh trưởng. Điều này đã làm cho hồ tiêu giảm khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi bên ngoài, dễ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, cây hồ tiêu còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi mùa mưa đến sớm, kéo dài, tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng, nấm bệnh phát sinh.

z4773640170867_75380d44fd5ba35f277e901bdf7a0f8e-1-1-.jpg
Diện tích hồ tiêu phát triển nóng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát

(Kỳ 2: Làm lại trên những vùng "đất chết")

Nội dung, ảnh: Hồng Thoan

Trình bày: N.H - T.D

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hồ tiêu Đắk Nông trên đà hồi sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO