Hiểu rõ người tiêu dùng để khai thác thị trường nông thôn
Người tiêu dùng nông thôn với mức thu nhập ngày càng tăng và khuynh hướng nâng cao chất lượng sống thực sự là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp. Mặc dù rất tiềm năng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận và khai thác thành công thị trường rộng lớn này. Điều quan trọng trước tiên là phải hiểu người tiêu dùng nông thôn.
Những con số “biết nói”
Theo báo cáo của Facebook và GroupM Việt Nam, có tới 91% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 46% người tiêu dùng nông thôn đã mua hàng online cho thấy, người tiêu dùng ở nông thôn rất thành thạo sử dụng điện thoại di động thông minh và dịch vụ kỹ thuật số. Như vậy, xu hướng ngày càng gia tăng người tiêu dùng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn và đây là khu vực tiềm năng cả về số lượng và sức mua, là dư địa để thúc đẩy thương mại điện tử và mở rộng phát triển kinh tế số.
Nhiều chuyên gia dự báo, sự bùng nổ của mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp người tiêu dùng ở nông thôn dần tiếp cận thông tin và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn và thị trường này còn rất rộng lớn để khai thác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng online sẽ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn, chủ động hơn trong việc được lựa chọn quyền mua, quyền được phục vụ… so với các giao dịch mua bán truyền thống. Do vậy, những nhà bán hàng online cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm thay vì kiểu "ăn xổi ở thì" phục vụ lợi ích trước mắt.
Đánh giá về thị trường này, nhiều chuyên gia cho rằng, sức mua từ thị trường nông thôn rất lớn. Người tiêu dùng nông thôn đang hướng đến các địa điểm mua sắm hiện đại và tiện nghi hơn với các sản phẩm như máy giặt, máy nước nóng, tivi, máy điều hòa nhiệt độ… không thua kém các gia đình ở thành thị.
Tiềm năng là vậy, song không ít doanh nghiệp vẫn chưa xóa bỏ được những rào cản từ những điều truyền miệng chưa được kiểm chứng về vùng nông thôn. Nhiều ý kiến vẫn lo ngại người tiêu dùng nông thôn ít “kết nối” hơn so với thành thị nên việc tiếp cận họ sẽ không phải là điều dễ dàng; người dân ở nông thôn có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm giá rẻ và việc phân phối sản phẩm đến những vùng xa xôi sẽ gây nhiều tốn kém cho các doanh nghiệp...
Cơ hội để phát triển thị trường
Có thể thấy, thói quen, hành vi người tiêu dùng online ở nông thôn đã có những thay đổi mạnh mẽ. Hiện nay, người dân nông thôn đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng Internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí. Theo đó, các nhà tiếp thị có thể đưa thông điệp của mình gắn liền với các lĩnh vực này, tận dụng các nguyện vọng của những người dùng này bằng nội dung hữu ích và phù hợp để tạo ra một mạch kết nối cảm xúc.
Với những thay đổi này, các chuyên gia thị trường cho rằng, các nhà tiếp thị có thể đưa thông điệp của mình gắn liền với các lĩnh vực, tận dụng các nguyện vọng của những người dùng bằng nội dung hữu ích và phù hợp với xu hướng, hành vi, sở thích để khai thác tiềm năng. Việc đi đến được điều này, am hiểu về hành vi tiêu dùng trong từng ngành hàng ở khu vực này là điều cần thiết.
Trước xu hướng thay đổi này, các nhà quảng cáo nên kết hợp các kênh truyền thông trực tuyến bên cạnh kênh truyền thông truyền thống để đảm bảo việc tiếp cận được tối đa người tiêu dùng tiềm năng, và đạt được hiệu quả chi phí. Để kết nối với người tiêu dùng sâu sắc hơn, các nhãn hàng có thể sử dụng đa dạng các hoạt động hoạt náo trên kênh truyền thông trực tuyến từ mạng xã hội, video trực tuyến, đến nội dung quảng cáo từ người nổi tiếng, gaming...
Các chuyên gia khẳng định, kênh bán hàng trực tuyến sẽ là cơ hội để tăng sự hiện diện sản phẩm đối với nhiều khu vực nông thôn, đặc biệt khi kênh phân phối truyền thông chưa vươn tới được, hoặc đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng bận rộn ngày nay.
Việc hút thêm nhiều người tiêu dùng mới luôn là bài toán rất nhiều nhà quản lý đang cần tìm lời giải đáp. Khi lượng người dùng mới tại các thành phố lớn đang cạn, sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng đang trở nên bão hoà, thì việc thu hút người dùng ở khu vực thành phố vệ tinh loại 2, 3, khu vực nông thôn trở nên ngày càng tiềm năng, quan trọng.
Hiện nay, lượng người tiêu dùng tại các khu vực này hiện chiếm tới 63% dân số và hơn 60% GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy lượng người tiêu dùng tiềm năng tại đây không chỉ nhiều về số lượng mà cả về chất lượng với sức mua đã tăng lên rất nhiều so với trước.
Đánh giá về những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chưa đánh giá đúng về người tiêu dùng nông thôn. Hiện nay, người tiêu dùng nông thôn đang hướng đến sự thịnh vượng và chăm lo cho tương lai của thế hệ con cháu. Những gì đang chuyển động ở khu vực thành thị cũng diễn ra tương tự ở khu vực nông thôn. Người tiêu dùng ở đây không chỉ mong đợi các sản phẩm có chất lượng cao, mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu chúng. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc đẩy các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn là bỏ lỡ cơ hội sinh lợi mà khu vực này đem lại.
Từ thành công của không ít doanh nghiệp xác định nông thôn chính là “mảnh đất sống” cho thấy, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh bằng cách xây dựng hệ thống phân phối, hệ thống bán hàng mới song song với các kênh quảng bá thương hiệu. Để khai thác tốt thị trường nông thôn, các doanh nghiệp khác ngành nghề nên liên kết để xây dựng hệ thống bán hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hiểu được nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nông thôn để làm ra đúng sản phẩm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ với giá hợp lý.