Hiệu quả từ trồng tre lấy măng ở Quảng Sơn
Gia đình Kiều Quang Ngọc, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) trồng tre tứ quý được 2 năm và hiệu quả vượt ngoài mong đợi.
Ông Kiều Quang Ngọc, thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong trồng 2ha tre tứ quý. Trong đó, có 5 sào đã cho thu hoạch, mỗi ngày mang về hơn 1 triệu đồng từ bán măng.
Trước đây, trên diện tích đất canh tác này, gia đình ông Ngọc đã trồng cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do đất có độ dốc lớn, bạc màu, lại nằm chính hướng gió nên cây trồng sinh trưởng, phát triển kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2022, trong một lần đọc báo, ông biết mô hình trồng tre lấy măng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ông đã lặn lội đến tận nhà vườn trồng tre để học hỏi kinh nghiệm, mua hơn 200 bầu giống về trồng.
Theo ông Ngọc, cây tre tứ quý trồng khoảng 18 tháng là cho thu hoạch. Giống tre này có nguồn gốc từ Đài Loan. Đây là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất. Nó có thể trồng trên các loại đất bạc màu, đất dốc không canh tác được các cây trồng khác.
Ông Ngọc cho biết: “Cây tre cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất cao, chất lượng măng thơm ngon. Măng tươi trái vụ hiện nhu cầu thị trường rất cao. Còn sản phẩm qua sơ chế bằng phương pháp sấy khô có giá khoảng 200.000 đồng/kg và được người tiêu dùng rất chuộng”.
Trong những tháng mùa khô vừa qua, cứ sau 2 ngày, gia đình ông Ngọc thu hoạch một lần, với hơn 1 tạ măng tươi. Do măng trái vụ nên giá bán lên đến từ 24.000 – 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình thu về hơn 30 triệu đồng/tháng từ bán măng.
“Tôi hết sức bất ngờ vì cây tre mang lại cho gia đình nguồn thu như hiện nay. Đây mới chỉ có 5 sào cho thu hoạch, khoảng 3 tháng nữa tất cả 2ha tre cho thu hoạch thì nguồn thu của gia đình sẽ tăng lên rất nhiều”.
Theo ông Ngọc, ngoài lấy măng thì từ thân, cành lá, chồi non của cây tre tứ quý cũng mang lại thu nhập khá cao. Đối với thân tre già, hiện có nhiều người đặt cọc mua về để làm trụ, làm cây chống cho chanh dây, sầu riêng.
Cây tre có giá 40.000 đồng/cây có chiều dài 1,6m. Còn cành nhỏ được nhiều người mua về làm thức ăn cho con dúi. Sau mỗi đợt tỉa cành, cắt những thân tre già, ông có thể kiếm thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng từ vườn tre trong tương lai gần.
Hiện nay, vườn tre đã đủ độ tuổi, ông Ngọc bắt đầu xây dựng vườn ươm tre giống. Trên thị trường hiện nay, các bầu giống tre loại 1 có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/bầu. Cây giống ươm bình thường khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/bầu.
Năm 2024, ông Ngọc dự kiến ươm trên 20.000 cây giống tre để cung cấp cho người dân trong vùng, trong đó có hơn một nửa đã có người đặt hàng.
Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, trồng tre lấy măng hiện nay mang lại mức thu nhập khá cao so với một số cây trồng khác tại địa phương, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ngoài ra, mô hình trồng tre tứ quý lấy măng đã giúp đa dạng hóa cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân tại địa phương.
Từ hiệu quả bước đầu, Hội Nông dân xã Quảng Sơn sẽ hướng dẫn, khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sơ chế để giúp măng tre trở thành sản phẩm tiêu biểu của xã.