Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông ở Đắk Nông
Thời gian qua, ngành Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Các mô hình này đã góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Các mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo sinh kế cho nhiều người dân.
Năm 2022, gia đình ông Hoàng Văn Lùng, ở thôn 7, xã Đắk D’rông (Cư Jút) và 40 hộ dân trong xã rất phấn khởi khi tham gia mô hình trồng thâm canh lúa thuần Nàng Hoa 9 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai.
Theo ông Lùng, lúa Nàng Hoa 9 cho năng suất khá, giá bán cao, trong khi chi phí đầu tư thấp, nên lợi nhuận khá hơn giống lúa thường.
Ông Lùng cho hay: “Năng suất lúa Nàng Hoa 9 bình quân ước đạt hơn 7 tấn/ha/vụ, giá bán hiện 6,5 triệu đồng/tấn, bà con thu về hơn 16 triệu đồng/ha/vụ”.
Gia đình ông Lê Trọng Vui, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), tham gia mô hình nuôi cá từ năm 2011. Những năm trước đó, do chưa nắm vững kỹ thuật, nên cá phát triển kém, chết nhiều.
Tuy nhiên, từ khi được Trung tâm Khuyến nông cấp giống và chuyển giao kỹ thuật, ông đã nuôi thuần thục nhiều loại cá như: rô phi, trắm, chép và cá lăng đuôi đỏ. Nhiều năm nay, gia đình ông có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Vui cho biết: “Để nuôi cá trong ao hồ thành công cần rất nhiều yếu tố. Do đó, khi chúng tôi được Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, đàn cá trong ao sinh trưởng, phát triển tốt hơn”.
Sau nhiều năm nuôi cá thành công, năm 2021, gia đình ông Vui tiếp tục được lựa chọn tham gia mô hình nuôi lươn không bùn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tham gia mô hình, ông được cấp 1.300 con lươn giống, 1.200 kg thức ăn chăn nuôi. Sau 3 năm triển khai mô hình, ông Vui không chỉ có thu nhập từ bán lươn thương phẩm, mà còn biết kỹ thuật phối giống để lươn sinh sản nhân đàn.
Ông Vui cho biết thêm, việc đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn vừa không chiếm nhiều diện tích, vừa tận dụng được lợi thế sẵn có tại địa phương như nguồn nước, nguồn thức ăn cho đàn lươn.
Theo ông Vui, nuôi lươn không bùn là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện nông hộ vùng cao, nhất là những hộ có không gian nuôi nhỏ hẹp.
Nuôi lươn theo cách truyền thống, từ khi thả con giống đến khi thu hoạch mất 12 tháng. Còn nuôi lươn không bùn chỉ mất 6 – 8 tháng là xuất bán.
Thời gian nuôi ngắn giúp tiết kiệm được tiền chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp Đắk Nông, trong giai đoạn 2004-2022, đơn vị đã triển khai được hơn 50 mô hình trình diễn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, với trên 6.000 hộ tham gia.
Nổi bật như mô hình nuôi gà thả vườn J-Dabaco; cải tạo đàn bò giống; sản xuất cà phê bền vững; nuôi cá; nuôi lươn không bùn an toàn thực phẩm...
Từ những mô hình khuyến nông đã góp phần giúp nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế.
Việc lan tỏa những mô hình khuyến nông chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững.