Chính sách

Hiệu quả tích cực sau 20 năm thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Nông

Mẫn Doanh 18/03/2024 15:10

Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS.

Triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc

Đắk Nông có 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh. Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc có tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển chung của tỉnh Đắk Nông.

Thực hiện Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), từ năm 2004 - 2020, Đắk Nông đầu tư hơn 485 tỷ đồng xây dựng 150 công trình đường giao thông, 84 công trình trường học, 5 chợ lồng, 29 đập thuỷ lợi, 25 công trình kênh mương, 20 nhà văn hóa cộng đồng, 13 công trình nước sinh hoạt tập trung,… Chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, phân bón vật tư nông nghiệp, máy nông cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp và tập huấn hỗ trợ khuyến nông với kinh phí trên 37 tỷ đồng.

img_6197.jpg
Đồng bào DTTS xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được hỗ trợ cây giống, phát triển sản xuất

Từ năm 2006 - 2010, Chương trình xây dựng Trung tâm cụm xã đầu tư xây dựng cơ sở hạng tầng tại các trung tâm cụm xã với 13 công trình. Theo đó, san ủi mặt bằng xây dựng UBND xã, xây dựng trường học, chợ, công trình nước sinh hoạt, đường giao thông, trạm y tế xã. Việc thực hiện xây dựng các công trình thuộc Dự án xây dựng Trung tâm cụm xã (Trung tâm cụm xã Đạo Nghĩa - huyện Đắk R’lấp; Trung tâm cụm xã Thuận Hà - huyện Đắk Song; Trung tâm cụm xã Quảng Tân - huyện Tuy Đức và Trung tâm cụm xã Quảng Sơn - huyện Đắk Glong) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhân dân ở xã trung tâm và xã liền kề có điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông buôn bán hàng hoá, làm động lực cho các cụm xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định 134, Quyết định 1592, Quyết định 755...) đã hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 1.220 hộ, diện tích hơn 518 ha. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện chính sách trên góp phần giải quyết cơ bản những bức xúc của đồng bào DTTS về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; xoá nhà tạm, nhà tranh tre dột nát; góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh.

img_2823.jpg
Đồng bào M'nông xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) được hỗ trợ máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất

Theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển được hơn 600.000 cây điều ghép; 871 tấn ngô lai; 352 tấn lúa lai; gần 10 tấn bông vải; 98.000 cây mít cao sản; 28.000 cây tre lấy măng; 1.424 tấn muối i ốt. Đồng thời, cấp không thu tiền cho hộ đồng bào nghèo 19.000 ngàn cây điều ghép, hơn 33 tấn ngô lai, gần 8 tấn lúa lai, hơn 90.300 cây mít cao sản, hơn 61.600 cây tre lấy măng và hỗ trợ xây dựng 11 trạm phát thanh truyền thanh cho các xã.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo (Quyết định 102/2009/QĐ-TTg) tại 62 xã, thị trấn với số tiền hơn 66 tỷ đồng. Các hộ nghèo vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, giống vật nuôi, cây trồng.

Các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2007 – 2010, thực hiện Quyết định 32/2007/QĐ-TTg, toàn tỉnh tiến hành cho 1.409 hộ dân vay 9,68 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Giai đoạn 2012-2015, thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, UBND các huyện đã phê duyệt danh sách và thực hiện cho vay được 160 hộ với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS đến nay đã cho vay với tổng dự nợ trên 340 tỷ đồng với số khách hàng dự nợ là 98.750 khách hàng. Các đối tượng cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, thương nhân ở vùng khó khăn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất vùng khó khăn, nước sinh vệ sinh môi trường…

Các chính sách trên tác động tích cực đến hộ nghèo làm nông nghiệp. Đồng bào DTTS được sử dụng các loại giống cây trồng mới năng suất cao với giá ưu đãi. Việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, góp phần xoá đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Đắk Nông cũng triển khai thực hiện Chương trình bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, định canh định cư vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 193, 1776, 33 và 1342 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xoá đói giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; ổn định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Từ năm 2006 – 2010, tỉnh cấp hơn 2 triệu tờ của 23 báo và tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh cấp 19 báo và tạp chí với gần 600.000 ấn phẩm cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định…

Song song với các chương trình, chính sách của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách đặc thù. Theo đó, năm 2004, thực hiện chính sách đầu tư phát triển bền vững bon, buôn đồng bào DTTS, 650 hộ đồng bào được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với hơn 3,2 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các công trình đường giao thông, lớp học cấp tiểu học, nhà mẫu giáo, nâng cấp đập thuỷ lợi, khai hoang, kiên cố hoá kênh mương. Dự án phát triển bền vững 12 bon, buôn đặc biệt khó khăn đã góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường một cách bền vững. Hạn chế tình trạng du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy của đồng bào DTTS tại chỗ vùng dự án. Từ năm 2010 - 2012, tỉnh quy hoạch và phê duyệt 39 dự án bon, buôn, thôn bản theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 với tổng nguồn vốn hơn 591 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho học sinh, sinh viên DTTS, tỉnh Đắk Nông ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí học tập giai đoạn 2004 - 2009, giai đoạn 2010 - 2016 và giai đoạn 2016 - 2021. Đến nay, đã cấp hỗ trợ cho gần 58.000 lượt học sinh, sinh viên DTTS với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Số lượng cũng như chất lượng học sinh người DTTS ngày càng được nâng lên. Số lượng học sinh các cấp, học sinh học nghề, sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng.

Thực hiện Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh hỗ trợ 5.853 lượt hộ với kinh phí 28,7 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, hỗ trợ 1.706 lượt hộ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

img_2818.jpg
Đồng bào Mông xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) định canh định cư, ổn định cuộc sống

Phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc Mông cũng được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chương trình, dự án ưu tiên đầu tư như 81 km đường giao thông, 3 công trình thủy lợi, 9 công trình nước sinh hoạt… Từ các chương trình hỗ trợ xây dựng 454 căn nhà; hoàn thành gần 29 km đường điện trung và hạ áp và 5 trạm hạ thế. Các dự án ổn định dân di cư tự do đối với dân tộc Mông đã bố trí cho 885 hộ tại huyện Tuy Đức. Lập và phê duyệt các dự án quy hoạch bố trí cho 1.068 hộ tại huyện Cư Jút và Đắk Glong. Hiện có hơn 6.370 học sinh dân tộc Mông học từ tiểu học đến phổ thông trung học, tăng trên 3.000 học sinh so với năm học 2011 – 2012. Hệ thống chính trị cơ sở tại các thôn, bản dân tộc Mông từng bước được củng cố và kiện toàn, an ninh nông thông vùng dân tộc Mông tiếp tục được giữ vững…

Giúp đồng bào vươn lên

Chị H’Trang, dân tộc M’nông ở bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) không khỏi vui mừng khi gia đình đã có được một mái nhà kiên cố. Chị và các con không còn những lần hứng mưa giọt vào nhà hay nơm nớp lo sợ ngôi nhà bị thổi bay vào mùa mưa bão sắp tới. “Gia đình tôi đất ít, tiền vốn không có nhiều, nuôi mấy đứa con nên không có đủ tiền xây nhà. May mà được Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ 40 triệu đồng và bên các cấp hội đứng ra bảo đảm cho tôi vay thêm 40 triệu, cùng với số tiền tích góp của vợ chồng tôi thêm 20 triệu, chúng tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố!”, chị H’Trang vui mừng nói.

img_6641.jpg
Chị H’Trang, dân tộc M’nông ở bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) bên căn nhà kiên cố vừa được xây dựng

Có được ngôi nhà kiên cố, vợ chồng chị H’Trang có thêm niềm vui, lấy đó làm động lực, tích cực đầu tư lao động sản xuất. Số tiền thu hoạch mùa vụ và làm thuê có được, ngoài trang trải cuộc sống, chị H’Trang chú trọng đầu tư hơn vào sản xuất, chăm sóc cây trồng vật nuôi.

Trưởng bon N’Jang Bơ, chị H’Hiệp cho biết: “Khi địa phương triển khai các chương trình, dự án xuống, Ban tự quản bon phối hợp các cấp hội tích cực rà soát, ưu tiên chọn ra những hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo đủ điều kiện, chuyên tâm làm ăn, lao động sản xuất nhưng còn thiếu may mắn. Từ đó, triển khai thực hiện có trọng điểm, giúp các hộ này phát triển sinh kế, nhà ở… để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đơn cử như gia đình chị H’Trang được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, gia đình chị ấy đã là hộ thoát nghèo”.

pn-h-hiep-1-.png
ĐH: HM

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, cuối tháng 11/2023, Trung tâm Khuyến nông - Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đã thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà lông màu tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Dự án được triển khai tại 7 bon thuộc xã Quảng Trực với 40 hộ tham gia, chủ yếu là các hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo.

Theo đó, mỗi hộ được cấp 100 con gà giống, 100% vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học. Nhờ tuân thủ đúng quy trình nuôi sinh học nên đàn gà khỏe mạnh. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ gà sống đạt 97%, trọng lượng đạt trung bình 2kg/con. Mô hình đã mang lại hiệu quả, mở thêm hướng đi, cơ hội phát triển kinh tế cho bà con đồng bào vùng biên. Dự án giúp đồng bào biết cách tiếp cận khoa học kỹ thuật để nuôi gà lai an toàn sinh học và môi trường; tận dụng được nhân công nhàn rỗi tăng thêm thu nhập…

t4.1.jpg
Các mô hình sinh kế trợ lực cho đồng bào vươn lên trong sản xuất

Cũng đầu năm 2024, từ nguồn vốn thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, 100 máy phát cỏ đã được Trung tâm Khuyến nông - Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông trao đến cho người dân xã Đắk Som và Đắk R’măng, huyện Đắk Glong. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng, có diện tích cà phê từ 0,5 ha trở lên.

Thông qua lồng ghép nguồn vốn và triển khai thực hiện hiệu quả các tiểu dự án của 3 chương trình, đồng bào DTTS được dạy nghề, hỗ trợ các mô hình sản xuất, phát triển sinh kế, vật tư nông nghiệp, nông cụ sản xuất... “Chiếc cần câu” được trao giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS có thêm động lực phát triển, nỗ lực xây dựng các mô hình kinh tế nhằm thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, nhiều mô hình phát huy được hiệu quả cao như chăn nuôi bò, dê, gà; trồng dâu nuôi tằm…

img_3115.jpg
Đồng bào DTTS xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong được hỗ trợ bò giống và phát triển chuỗi giá trị, nhóm đồng sở thích từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Nông được Trung ương ưu tiên nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), bao gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Một trong các mục tiêu quan trọng của 3 chương trình là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS…

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Thông qua việc triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các Chính sách dân tộc của Trung ương và chính sách dân tộc đặc thù của tỉnh Đắk Nông, diện mạo vùng đồng bào DTTS có sự thay đổi tích cực về mọi mặt. 100% thôn, bon, buôn có từ 1 - 2 km đường cứng hóa; điện lưới quốc gia; nhà văn hóa cộng đồng; cơ sở vật chất trường lớp bảo đảm cho con em đồng bào DTTS được đến trường.

ntm3.jpg
Giáo dục vùng đồng bào DTTS có bước chuyển mình đáng kể

Tỷ lệ người dân vùng đồng bào DTTS tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng cao. Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Tỷ lệ học sinh DTTS nhập học đúng độ tuổi tiểu học đạt 95%. Người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 96%. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Công tác khám, chữa bệnh quan tâm đầu tư. 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số. 71/71 xã, phường, thị trấn có Trạm y tế…

Thực hiện các Chương trình, chính sách vào vùng đồng bào DTTS đã thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, buôn bon đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm giảm từ 4 - 5%.

ht.jpg
Đồng bào DTTS huyện Đắk Glong được hỗ trợ nông cụ sản xuất từ nguồn vốn chương trình MTQG

Giai đoạn 2021 - 2025, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hơn 2.300 tỷ đồng. Năm 2023, Đắk Nông phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình MTQG. Thông qua nguồn lực này, các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai nhiều nội dung, dự án. Dự kiến nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 là hơn 420 tỷ đồng.

Cụ thể như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

ntm1.jpg
Hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, ngày càng khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh

Qua đó tạo động lực cho các lĩnh vực phát triển như kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa... Đến nay, bộ mặt vùng nông thôn, khu vực đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc với 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Thành phố Gia Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

pn-pct-.png
ĐH: HM

Huyện Cư Jút và Đắk R’lấp có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại 2 huyện 30a là Đắk Glong và Tuy Đức, thu nhập bình quân đầu người đều tăng đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo đều có xu hướng giảm theo hằng năm. Đối với 12 xã đặc biệt khó khăn thuộc 2 huyện trên đều đạt trên 10 tiêu chí; trong đó, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS được quan tâm đầu tư, nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 80% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Các địa phương chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng được các mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả theo chuỗi sản phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Kết quả giảm nghèo chung của tỉnh năm 2023 đạt 2,79 % và giảm nghèo DTTS tại chỗ là 8,1%. Toàn tỉnh giảm còn hơn 5,1% hộ nghèo chung; hộ nghèo DTTS là 13,21%; DTTS tại chỗ là trên 16%. Năm 2024, Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 2% trở lên và hộ nghèo DTTS tại chỗ từ 4% trở lên.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiệu quả tích cực sau 20 năm thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO