Kinh tế

Hiệu quả mô hình cây ăn trái VietGAP tại Đắk Nông

Văn Tâm 09/12/2024 06:10

Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đắk Nông xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái VietGAP đạt hiệu quả cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hải ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) có gần 2ha sầu riêng. Đầu năm 2024, gia đình bà Hải được Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông hỗ trợ chăm sóc 5 sào sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.

cay-an-trai-kh7(1).jpg
Cán bộ khuyến nông tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tham quan mô hình sầu riêng tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông)

Bà Hải cho biết: “Khi tham gia mô hình tôi tiếp thu được nhiều kiến thức về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như: Quản lý cỏ dại để giữ độ ẩm, điều tiết nhiệt độ, độ ẩm trong giai đoạn sầu riêng ra hoa; biện pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách cũng như kỹ thuật làm bông, tỉa trái...”.

Nhờ đó, vụ sầu riêng vừa qua, vườn sầu riêng của bà Hải cho năng suất trên 15 tấn quả, tăng từ 1,5 -2 tấn so với những năm trước; tỷ lệ sầu riêng đạt loại 1 cũng cao hơn.

Sầu riêng
Vụ sầu riêng vừa qua, vườn sầu riêng của bà Nguyễn Thị Thanh Hải ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cho năng suất trên 15 tấn quả, tăng từ 1,5 -2 tấn so với những năm trước

Còn gia đình ông Đặng Quang Minh ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có hơn 2ha đất sản xuất. Gia đình ông được chọn để sản xuất 1 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Minh, sau khi canh tác đúng quy trình hướng dẫn, vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 500 – 600 gram/quả, năng suất trung bình đạt 11,5 tấn/ha.

z5747798055728_b97e403c5f971f691e70a1c30786f85a(1).jpg
Người dân bón vôi để khử trùng và phòng trừ nấm bệnh cho vườn sầu riêng

Tại thời điểm thu hoạch, giá bơ trung bình 12.500 đồng/kg, ông Minh có lợi nhuận sau khi trừ chi phí hơn 68 triệu/ha. So với sản xuất đại trà ngoài mô hình hiệu quả kinh tế cao hơn 15,5%.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk triển khai mô hình “Sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên”.

Tại Đắk Nông, mô hình triển khai trên 25ha sầu riêng, bơ với 25 hộ tham gia. Trong đó, mô hình thâm canh bơ theo VietGAP tại các xã Quảng Tâm, Đắk Búk So, huyện Tuy Đức là 10ha, với 10 hộ tham gia; mô hình sầu riêng tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song là 15ha, với 15 hộ tham gia.

Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, chương trình còn hỗ trợ cho bà con các loại phân bón phù hợp cho cây trồng, vùng sản xuất như: phân hữu cơ vi sinh HP5, nhãn hiệu ECOPARK; chất hữu cơ 25%; vi sinh vật cố định nito 1x106CFU/g; vi sinh vật phân giải phốt pho khó tan 1x106CFU/g…

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, các hộ tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.

So với sản xuất thông thường, năng suất cây trồng tại các mô hình cao hơn 10%. Cụ thể, năng suất sầu riêng đạt 15 tấn/ha, năng suất bơ đạt 11,55 tấn/ha.

Với giá bán sầu riêng tại thời điểm 65.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí hơn 644 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường hơn 31%. Còn mô hình bơ đạt lợi nhuận trên 68 triệu đồng/ha.

Các mô hình được cấp tem truy xuất nguồn gốc, liên kết ký hợp đồng với đơn vị thu mua trái cây. Từ đó, tạo niềm tin trong liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp.

Người dân nhận phân bón từ dự án
Người dân tham gia mô hình nhận phân bón từ dự án

Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực về mặt môi trường và xã hội. Người sản xuất có trách nhiệm với chính mình, môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bà con không còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học mà tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân bón hóa học một cách cân đối, hợp lý.

“Thông qua mô hình các hộ đã tiếp cận và thực hiện chăm sóc mô hình đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường. Mô hình đã nhân rộng 4ha sầu riêng và 4ha bơ trong và ngoài vùng dự án”, bà Thảo cho biết thêm.

Đắk Nông có hơn 10.300ha sầu riêng, 3.300ha bơ. Trong đó, diện tích sầu riêng trồng thuần chiếm khoảng 40%, khoảng 4.124ha, trồng xen 6.185ha, chiếm 60% diện tích.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hiệu quả mô hình cây ăn trái VietGAP tại Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO