Đời sống

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quảng Trực

Thanh Hằng - Quang Vũ 11/12/2023 05:45

Tham gia học nghề, nhiều lao động xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã có thêm cơ hội việc làm, thậm chí đi xuất khẩu lao động.

ADQuảng cáo

3 tháng trước, Hội Nông dân xã Quảng Trực thông báo mở lớp sơ cấp công nghệ hàn, anh Bùi Chí Công ở bon Bu Dăr cùng hơn 30 nông dân xã Quảng Trực đã đăng ký theo học. Từ một người không có kiến thức về kỹ thuật hàn, đến nay, anh Công đã tự chế tạo, lắp ráp nhiều đồ gia dụng, có giá trị thương mại.

Anh Công cho biết, sau khi hoàn thành lớp sơ cấp công nghệ hàn, anh có thêm một nghề mới là hàn xì bên cạnh nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Khối lượng công việc tăng thêm, công sức bỏ ra nhiều hơn nhưng bù lại, thu nhập của gia đình anh Công cũng được cải thiện rất nhiều. Chia sẻ về chuyện học nghề, anh Công cho biết: “Biết xã mở lớp đào tạo nghề miễn phí, tôi đăng ký ngay. Quá trình học, tôi được làm quen với công nghệ hàn, được thực hành trực tiếp, sau khi tốt nghiệp tôi đã thành thạo với nghề”.

Anh Đinh Văn Thái ở bon Bu Dăr cũng là một tấm gương theo đuổi học nghề để có cơ hội "đổi đời". Trước đây, anh Thái đã mở một xưởng hàn để gia công, sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả không cao, thậm chí nhiều lần phải sửa lại, vừa mất thời gian, vừa tốn kém tiền bạc.

hinh-day-nghe-quang-truc(1).jpg
Sau khi hoàn thành lớp sơ cấp Công nghệ hàn, anh Công có thêm một nghề mới là hàn xì.
ADQuảng cáo

Anh Thái chia sẻ, thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào xưởng sửa chữa, gia công máy nông nghiệp nên nghề hàn xì cũng là nghề chính của anh. Tham gia lớp học nghề, với sự hướng dẫn của giáo viên, anh Thái đã áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Anh cũng hy vọng gia đình sẽ có cơ hội để thoát nghèo, vươn lên bằng chính nghề nghiệp anh đang làm.

“Tôi thuộc diện hộ nghèo của xã nên đi học không mất học phí. Nhận thấy nhu cầu sử dụng, sửa chữa xe công nông của người dân địa phương rất cao nên tôi đã đăng ký tham gia lớp học nghề. Việc học nghề trước hết là giúp ích cho công việc hiện tại, sau đó là hỗ trợ người dân địa phương mỗi khi họ có nhu cầu”, anh Thái nói thêm.

Cũng theo chia sẻ của anh Thái, không chỉ anh mà các học viên khác tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề để có thêm cơ hội việc làm. Ngoài sửa chữa, lắp ráp xe công nông, nhiều học viên đã mạnh dạn nhận lắp ráp công trình nhà cửa của người dân địa phương…

Theo Hội Nông dân xã Quảng Trực, năm 2023 địa phương này đã triển khai được 2 lớp học nghề với hơn 60 lao động nông thôn tham dự. Những học viên theo học lớp sơ cấp là người có nhu cầu học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp.

Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đều có kỹ năng, tay nghề và việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, 4 trường hợp sau khi học xong lớp sơ cấp nghề hàn xì đã làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Trong số này có 1 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Định hướng về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực thông tin thêm: “Qua rà soát, lao động địa phương có nhu cầu học một số nghề liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi mong trong thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của người dân, qua đó thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội xã an toàn khu Quảng Trực”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quảng Trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO