TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Sau 8 năm đàm phán, đi đến ký kết, kể từ ngày 01/01/2022, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định có 15 nước tham gia gồm: 10 nước ASEAN và Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đây là 1 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đàm phán, ký kết và phê chuẩn. Hiệp định tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với thị trường tiêu thụ có quy mô 2,2 tỷ người (chiếm 30% dân số thế giới).
Hiệp định RCEP có hiệu lực đã tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá mới. Ngoài các điều khoản cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định RCEP còn có các cam kết “phi truyền thống” về sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Trong vòng 20 năm tới, Hiệp định RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia. Hiệp định sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Hiệp định RCEP sẽ mang lại những lợi thế về cắt giảm chi phí và thời gian khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào, mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng nước.
Về phía tỉnh Đắk Nông, ngày 21/3/2022 đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP trên phạm vi địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biển thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp…
Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức một lớp tập huấn kiến thức về hội nhập Hiệp định RCEP dành cho cán bộ, công chức quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung về tận dụng cơ hội từ Hiệp định; phương hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang các nước trong khu vực Hiệp định RCEP; thủ tục quản lý xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới…