Kỷ nguyên vươn mình

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình

Nhóm PV 06/01/2025 14:57

Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại.

Cán bộ VNPT giới thiệu các dịch vụ và nền tảng chuyển đổi số.
Cán bộ VNPT giới thiệu các dịch vụ và nền tảng chuyển đổi số.

Bài 1: Dồn sức để tăng tốc

Chuyển đổi số giờ đây đã là cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân ta. Khi chuyển đổi số trở thành công việc hằng ngày của toàn Đảng, toàn dân thì giá trị do chuyển đổi số mang lại cho đất nước mới thật sự to lớn, xứng đáng với vai trò động lực chính cho phát triển.

Nguồn tài nguyên vô tận

Việc làm chủ hoàn toàn công nghệ chiếu sáng Led đã giúp Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông duy trì đà tăng trưởng 8-10% trong suốt giai đoạn 2014-2019. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã bước vào cuộc chiến khốc liệt với hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực, chưa kể sự nhập cuộc của hàng loạt tập đoàn, công ty ngoài ngành, cạnh tranh quyết liệt. Tháng 8/2019, Rạng Đông lại không may gặp sự cố lớn khi kho thành phẩm bị cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần của công ty.

“Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, lãnh đạo công ty xác định chỉ có chuyển đổi số mới giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, tiếp tục tồn tại và phát triển nhanh, bền vững”, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết nhớ lại bước ngoặt lịch sử, giúp công ty vực dậy mạnh mẽ, đạt được thành công như ngày hôm nay. Xác định rõ chiến lược, công ty nhanh chóng ứng dụng công nghệ số xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0; trong đó, tập trung phát triển sản xuất thông minh, sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối công nghiệp (IoT) và triển khai sản xuất hàng loạt theo nhu cầu cá thể hóa.

Nhờ vậy, Rạng Đông dần giảm được chi phí sản xuất, tăng 30% năng suất lao động (từ 5,5 triệu sản phẩm Led lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng); đồng thời, cho ra đời nhiều “đặc sản” là những sản phẩm kết hợp AI với IoT, hình thành các hệ thống thông minh, ứng dụng trong Smart Home, Smart City hay Smart Farm,… Các mặt hàng này được thị trường đón nhận, nhanh chóng hiện diện trong hàng triệu gia đình Việt khắp đất nước, trong hệ thống chiếu sáng đường tuần tra biên giới, áp dụng trong các nhà kính, nhà lưới của nhiều trang trại nông nghiệp công nghệ cao,…

Sau một năm chuyển đổi số, doanh thu sản phẩm công nghệ cao của Rạng Đông đã tăng 144% so với năm trước; tăng trưởng bứt phá vượt trội, đạt bình quân 15-20% từ năm 2019 đến nay. Năm 2024, Rạng Đông dự kiến đạt doanh thu 11 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với trước khi chuyển đổi số. Tham vọng hơn, công ty đặt mục tiêu thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 20-25%/năm cho giai đoạn 2025-2030; phấn đấu năm 2030 doanh thu đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2024.

Câu chuyện của Rạng Đông đã chứng minh rõ nét chuyển đổi số là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Ở tầm vĩ mô, chuyển đổi số ngày càng khẳng định vai trò động lực quan trọng cho phát triển nền kinh tế. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam hiện đạt khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%; năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Google cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam hiện đứng ở tốp đầu Đông Nam Á. Riêng thương mại điện tử luôn duy trì tốc độ tăng ấn tượng 25%/năm suốt từ năm 2019 đến nay. Sáu tháng đầu năm 2024, tổng doanh số toàn sàn bán lẻ trực tuyến tăng tới 80% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 129 nghìn tỷ đồng. “Lịch sử nhân loại từ trước đến nay, khi phát triển kinh tế sẽ thâm dụng và làm cạn kiệt tài nguyên. Riêng kinh tế số lại dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu. Dữ liệu do con người tạo ra và ngày càng phong phú. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thay vì làm cạn kiệt, con người lại tạo ra tài nguyên để phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải về tiềm năng chuyển đổi số.

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình ảnh 1
Chế tạo thiết bị tự động hóa công nghiệp tại Công ty cổ phần công nghệ Năng Lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Tuệ Nghi)

Trách nhiệm của toàn dân

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Nhìn lại quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam, đã có giai đoạn chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, yếu tố tổng cầu giờ sẽ không còn là động lực tăng trưởng bởi cùng đà phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, không còn thiếu thốn; sức cầu của nền kinh tế sẽ không bùng nổ, gia tăng tự nhiên như giai đoạn trước”.

Phát triển kinh tế Việt Nam trước đây vẫn dựa nhiều vào thâm dụng lao động và tài nguyên. Trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố này cũng không tạo được động lực cho tăng trưởng bền vững. Việc đưa ra mô hình tăng trưởng dựa vào chiều sâu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ,... Chuyển đổi số chính là cơ hội mới để nâng cao năng suất lao động, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Mặc dù được coi là lĩnh vực ưu tiên, nhưng nguồn lực dành cho chuyển đổi số vẫn rất hạn chế khi chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách, thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới. Chúng ta đã bước sang năm thứ 5 triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và đã thực hiện được một số việc quan trọng, khởi động ban đầu tốt, nhưng xu hướng dường như đang chững lại. Khi chuyển đổi số đã trở thành sự nghiệp cách mạng, cần dành nguồn lực cho chuyển đổi số tương xứng hơn. “Nếu Chính phủ tăng chi cho chuyển đổi số lên 2-3% ngân sách, sẽ là cú huých lớn cho chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế số để vừa theo kịp, vừa kiến tạo phát triển cho chuyển đổi số. Bởi khi có thể chế số thì chuyển đổi số mới toàn diện, nếu không chỉ mang tính thí điểm. Thí điểm thành công mà thiếu phổ cập, chuyển đổi số cũng không mang lại nhiều giá trị. Đây là lý do chính để các học giả nhận định, cách mạng chuyển đổi số chủ yếu là cách mạng về thể chế.

Theo Phó Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Đức Thắng, chuyển đổi số là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam và cả trên thế giới. Một công nghệ mới muốn đưa vào luật hóa cần tìm hiểu, đánh giá kỹ hiệu quả cũng như thời gian tồn tại, tránh trường hợp luật vừa ra đời thì công nghệ đó đã lạc hậu. Đơn cử, trong các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có AI gần đây mới được một số quốc gia luật hóa vì họ “đặt cược” công nghệ này sẽ còn tồn tại thời gian dài. Việc hoàn thiện thể chế số bởi vậy sẽ là quá trình lâu dài, liên tục và khó hoàn thiện ngay trước mắt.

Để không bỏ lỡ cơ hội từ chuyển đổi số, các chuyên gia kiến nghị mở rộng “cơ chế thí điểm”. Khái niệm “sand-box” tuy đã được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, nhưng thực tế triển khai còn hạn chế. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, muốn phát triển công nghệ mà chờ thể chế dẫn dắt là rất khó. Khi đó, vai trò các Nghị quyết của Bộ Chính trị hết sức quan trọng, đưa ra thông điệp dẫn dắt cả hệ thống, cho phép sẵn sàng thử nghiệm những cái mới, tạo động lực cho phát triển công nghệ. Ở cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước, chỉ cần một thông điệp, một bài viết đã có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị.

Bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số. Trong đó, hệ thống lý luận dành cho chuyển đổi số cũng dần được hoàn thiện dưới góc độ quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, là tiền đề cho việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ ngày càng cao của lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số. Thông điệp này chính là “kim chỉ nam”, là định hướng cho chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-vuon-minh-post851067.html
Copy Link
https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-vuon-minh-post851067.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hiện thực hóa khát vọng vươn mình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO