Pháp luật

Hiểm họa từ chế tạo pháo nổ

Hoàng Thanh 17/01/2024 05:12

Nhiều người ở Đắk Nông đang có hành vi tự chế pháo nổ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vi phạm pháp luật.

Ngày 5/1, Công an xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), phát hiện một học sinh đang có hành vi mang theo 1 hộp thuốc pháo pha trộn để bán cho người khác.

Học sinh này khai mua số thuốc pháo này trên mạng xã hội với mục đích chế tạo pháo nổ để chơi tết và bán kiếm lời. Qua điều tra, công an thu giữ của trường hợp này 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn và 38 quả pháo.

Trước đó, vào ngày 15/12/2023, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), bắt quả tang 1 học sinh đang có hành vi tàng trữ pháo nổ, thu giữ 20 quả pháo tự chế và 1 bịch pháo bi (81 quả), với tổng trọng lượng 4kg.

Học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng internet đã tự đặt mua hàng online kèm các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích bán kiếm lời.

Ngày 21/12/2023, trên địa bàn xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã xảy ra một vụ tai nạn do tự chế tạo pháo nổ tại nhà. Vụ i nạn khiến N.N.H (SN 2008), trú tại thôn 7, xã Đắk Sin, bị bỏng nặng toàn thân.

Sau khi tai nạn xảy ra, H được người thân đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Sau nhiều ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã xuất viện về điều trị tại nhà.

hinh-2-6017b4a8c456c8b30df9f90c7fe0a75d(1).jpg
N.N.H điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Công an xác định, H lên các trang mạng đặt mua vật liệu rồi tự chế pháo tại nhà. Trong quá trình H chế tạo pháo đã xảy ra phản ứng, gây nổ.

Theo lực lượng công an, tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc thì việc tự ý chế tạo vật liệu nổ là hành vi vô cùng nguy hiểm, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường.

Tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra nhiều, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng công an phát hiện, xử lý cho thấy, hầu hết các đối tượng đều là thanh thiếu niên, học sinh.

Chính việc dễ dàng tìm kiếm các loại vật dụng và những thông tin hướng dẫn chi tiết cách làm pháo trên mạng xã hội càng khiến nhiều thanh thiếu niên, học sinh thêm tò mò, thực hiện hành vi chế tạo pháo nổ trái phép.

hinh-4-ab47d3dfea2b06e685b1d3317f386857(1).jpg
Lực lượng công an tuyên truyền người dân không buôn bán, tàng trữ các loại pháo nổ trái phép

Để hạn chế tình trạng này cũng như ngăn ngừa hậu quả xảy ra, các bậc cha mẹ học sinh và nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các em về hành vi vi phạm trên.

Ngoài thời gian đi học, các bậc cha mẹ cần giám sát chặt con em mình, tránh để xảy ra việc con em lén lút chế tạo pháo, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo… Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất là từ 8-15 năm.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiểm họa từ chế tạo pháo nổ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO