Gần 1 tháng nay, tỉnh lộ 4B đoạn qua thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) liên tục xuất hiện các điểm sạt lở. Đất, đá từ phía taluy dương bị sụt trượt, sạt xuống lòng, lề đường. Nhiều đoạn đường bị phủ kín đất, đá, gây nên tình trạng ách tắc giao thông cục bộ.
Anh Sùng A Lâu, một người dân ở thôn Phú Vinh cho biết, sau những trận mưa lớn, đất đá tràn xuống lòng đường. Việc sạt lở xảy ra ngày càng mạnh trên nhiều đoạn của tuyến đường này.
Dọc tuyến đường, phóng viên Báo Đắk Nông ghi nhận nhiều đoạn sạt lở mạnh. Rất nhiều tảng đá lớn trượt từ trên cao xuống đường, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân, phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
Một điểm sạt lở lớn trên tỉnh lộ 4B, đoạn qua xã Quảng Phú (Krông Nô) |
Anh Mùa A Tống, ở xã Quảng Phú cho hay, đất đá trượt từ trên đồi cao xuống, nên rất nguy hiểm. Mấy ngày vừa qua mưa to, nên sạt lở càng nhiều. Dù nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn buộc phải đi qua vì không còn đường nào khác.
Theo Công ty Cổ phần Quản lý sửa chữa đường bộ Đắk Nông (đơn vị quản lý tuyến đường tỉnh lộ 4B), trên toàn tuyến hiện có 7 điểm sạt lở đất, đá nghiêm trọng. Trong đó, có 1 điểm sạt lở nặng (Km17+900), kéo dài gần 100m.
Từ đầu tháng 10 tới nay, điểm này đã 4 lần xảy ra sạt lở. Khối lượng đất, đá tràn xuống đoạn đường này ước tính hơn 1.000m3. Đáng lo ngại nhất là có 1 nhà dân sống gần với điểm sạt lở này.
Đơn vị quản lý, sửa chữa tuyến đường nhận định, tình hình sạt lở vẫn sẽ xảy ra trong thời gian tới. Nguyên nhân là do vị trí sạt có kiểm “hàm ếch”. Mưa nhiều khiến lượng nước tích tụ trong đất lớn, phá vỡ kết cấu đất.
Trong khi đó, lượng đất đá mồ côi trên đồi trọc dọc tuyến 4B là rất lớn. Đất, đá sạt trượt tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người, phương tiện lưu thông dọc tuyến đường này.
Công ty Cổ phần Quản lý sửa chữa đường bộ Đắk Nông bố trí máy móc khắc phục các điểm sạt lở trên tỉnh lộ 4B |
Trước tình hình trên, Công ty đã huy động nhiều nhân lực, máy móc đến ứng trực tại các điểm sạt lở. Mục tiêu là khắc phục sạt lở kịp thời, bảo đảm cho giao thông không bị ách tắc, hạn chế khả năng xảy ra rủi ro.
Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ tạm thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nguyên nhân chính là do kinh phí quản lý, bảo trì các tuyến đường là rất hạn chế, chưa thể bảo đảm lâu dài.
Ông Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý sửa chữa đường bộ Đắk Nông, cho hay: Các tuyến đường đơn vị quản lý xuống cấp nhiều, nhưng kinh phí duy tu, sửa chữa hàng năm là rất ít. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng quan tâm, bố trí thêm kinh phí sửa chữa đột xuất các điểm sạt lở để bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.
Tỉnh lộ 4B có chiều dài 25 km, nối từ quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Phú (Krông Nô) đến xã Quảng Hòa (Đắk Glong). Đây là tuyến đường giao thông quan trọng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, mật độ người, phương tiện qua lại khá đông. |