Chú trọng nguồn nhân lực
Sau 18 năm thành lập tỉnh, hệ thống y tế cơ sở được quan tâm, đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Số giường bệnh tăng từ 1.155 giường năm 2018 lên 1.275 giường năm 2021 và 1.295 giường năm 2022. Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây dựng đồng bộ, với hơn 380 giường bệnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 7 trung tâm y tế huyện đa chức năng; trong đó 2 trung tâm có quy mô 60-75 giường bệnh, 5 trung tâm có quy mô 100 - 230 giường bệnh.
Đi đôi với đó, ngành Y tế Đắk Nông chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Trọng tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế. Đồng thời, ngành lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, nắm bắt các kỹ thuật mới chuyên sâu.
Hiện nay, toàn ngành Y tế có 509 bác sĩ, 70 dược sĩ đại học, cán bộ sau đại học 149 người, còn lại là cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp. 100% xã, phường, thị trấn đã có cán bộ y tế hoạt động; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 95,8% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% thôn, bon, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động…
Đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không ngừng nâng cao y đức và tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh |
Bên cạnh đó, các chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành. Chương trình hợp tác với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh được thực hiện tốt. Nhiều lượt cán bộ được cử đi đào tạo theo hình thức "cầm tay, chỉ việc" tại các cơ sở y tế lớn của TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, việc kết nối với các bệnh viện lớn trong nước, với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành để hội chẩn, chẩn đoán từ xa qua các hệ thống công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí, hạn chế chuyển tuyến trên.
Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế khẳng định: "Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất định nhưng về cơ bản, bộ mặt của hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh có những tiến bộ rõ rệt, người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn. Vì vậy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh những năm gần đây đều đạt trên 90%".
Đầu tư hệ thống y tế theo hướng hiện đại hóa
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người”, để tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân, trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2050 phát triển hệ thống y tế tỉnh theo hướng hiện đại hóa, vừa bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến và giữa các tuyến. Địa phương phát triển cân đối giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu; giữa y học hiện đại với y học cổ truyền; dự phòng và điều trị; giữa y tế công và y tế tư nhân. Công tác xã hội hóa ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất và chuyên môn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người dân về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước được đẩy mạnh.
Đội ngũ y, bác sĩ luôn hết mình chăm lo bảo vệ sức khỏe của Nhân dân đợt dịch Covid-19 |
Để thực hiện mục tiêu, Đắk Nông đề ra 8 giải pháp, gồm: đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư y tế; đẩy mạnh xã hội hóa y tế; bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, chuẩn hóa ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh đào tạo, thu hút, chính sách đãi ngộ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về y tế.
Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thông tin: bám sát vào quy hoạch của tỉnh, ngành Y tế xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến. Cụ thể, đến năm 2025, ngành phấn đấu xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ hạng II lên hạng I, nâng quy mô từ 300 giường lên 700 giường để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trước mắt và lâu dài. Đối với 7 trung tâm y tế huyện, đến năm 2050 đều đạt tiêu chuẩn hạng II. Số giường bệnh toàn tỉnh tăng lên 2650 giường vào năm 2030.
Cùng với tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ sở y tế tuyến trên để tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực y tế, ngành đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh và một số trung tâm y tế huyện.
Việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT triển khai có hiệu quả theo lộ trình, tạo điều kiện để người dân được sử dụng dịch vụ y tế ngay tại tuyến dưới, nâng tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế. Các cơ sở y tế tăng cường áp dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.
Đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không ngừng nâng cao y đức và tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện.
Ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định, chẩn đoán, xét nghiệm, khám chữa bệnh và tiến tới liên thông dữ liệu trong khám, chữa bệnh giữa các tuyến.