Hệ lụy từ giao dịch đất bằng giấy viết tay

Lê Phước| 09/02/2023 21:04

Mặc dù quy định của pháp luật không công nhận các giao dịch đất mà không có các giấy tờ hợp pháp. Thế nhưng, việc này vẫn xảy ra nhiều ở Đắk Nông và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cách đây khoảng 5 năm, anh P.T.P từ Lâm Đồng sang mua hơn 3ha đất tại xã Quảng Sơn với giá hơn 2 tỷ đồng. Sau đó, anh P rào lưới B40 quanh khu đất và bắt đầu trồng cao su, cây ngắn ngày.

Theo anh P, khu đất này chưa được cấp sổ đỏ, có nguồn gốc đất rừng, đã bàn giao về địa phương quản lý. Anh P mua lại của người dân đã phá từ trước đó.

Nhưng sau khi anh P canh tác, khu đất xuất hiện nhiều người lạ đến gây hấn. Họ phá nhà cửa, chặt cây cối và bao chiếm phần đất mặt đường khu đất của anh.

Khu đất của anh P.T.P mua ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) liên tục bị phá hoại tài sản

Theo tìm hiểu, không riêng gì anh P, tại xã Quảng Sơn, có những vụ giao dịch về đất đai bằng giấy viết tay còn lớn hơn nhiều. Cách đây gần 10 năm, đã có người sẵn sàng bỏ ra hơn chục tỷ đồng để đầu tư vào đất. Họ mua cả trăm ha đất bằng giấy tờ viết tay mà không nắm rõ thực địa.

Trường hợp ông V.V.T (người mua đất), sau khi ông trả cho người bán số tiền 6 tỷ đồng, nhưng bên bán vẫn không chịu bàn giao đất. Bên bán cũng không chịu trả lại số tiền đã nhận. Ông T kiện ra Tòa án và thắng kiện. Tuy nhiên, bên bán vẫn không chịu thi hành án.

“Họ tìm đủ lý do để không chịu trả lại tiền, cũng không bàn giao đất. Giờ liên hệ với họ không được nữa. Tôi nhiều lần gửi đơn lên cơ quan chức năng, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết”, ông T thông tin.

Quảng Sơn có nhiều diện tích đất chưa có giấy tờ hợp pháp (ảnh lớn) nhưng vẫn được rao bán công khai (ảnh nhỏ)

Xã Quảng Sơn nói riêng, huyện Đắk Glong nói chung có nhiều diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý. Những diện tích này chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Mặc dù đất đai do địa phương quản lý, nhưng rất nhiều diện tích trong số đó đã bị người dân lấn, chiếm để canh tác. Họ phân định ranh mốc với nhau. Nhiều khu vực đã xuất hiện các rẫy cây công nghiệp dài ngày và hình thành lên nhà ở.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, pháp luật không công nhận các giao dịch đất đai mà không có các giấy tờ hợp pháp. Nhưng qua nắm bắt thực tế, đất đai không có giấy tờ hợp pháp thường có giá bán thấp hơn khoảng 1 nửa, thậm chí nhiều hơn so với thị trường.

Việc mua bán đất đai nhưng không có giấy tờ tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai, gây mất an ninh trật tự

“Nhiều người ham rẻ, dù biết đất không có giấy tờ nhưng vẫn đồng ý mua. Họ mua rồi đầu tư vào đó nhiều tiền của với lòng tin sau này sẽ được hợp thức hóa”, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong chia sẻ.

Cách đây chưa lâu, tại Đắk Nông xảy ra tình trạng sốt đất. Cơn sốt lan tỏa từ khu vực thành thị đến nông thôn. Đất nông nghiệp, đặc biệt là tại các khu đất có “view đẹp” được đẩy lên giá rất cao.

Trước thực trạng trên, đã có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua đất không có giấy tờ. Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Ngô Chí Trung, việc mua bán bằng giấy viết tay là giao dịch dân sự, người dân tự thỏa thuận với nhau. Đây là sự đàm phán, thống nhất ý chí các điều kiện giữa hai bên.

“Đất đai không có giấy tờ, nhưng nhiều người vẫn mua bán. Đến khi xảy ra tranh chấp thì họ liên hệ chính quyền. Có thể nói, các giao dịch này tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và gây nhiều khó khăn trong quản lý đất đai tại địa phương”, ông Trung phân tích.

Đọc tiếp
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hệ lụy từ giao dịch đất bằng giấy viết tay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO