Kinh tế

Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông(kỳ 3): Những giải pháp tháo gỡ

Đức Hùng 26/04/2023 11:49

Tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42% vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ trước mắt là phải thu hồi được diện tích đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm để phát triển rừng...

dsc00392-1-.jpg
Người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng với mục tiêu lấy đất sản xuất

Kiên quyết thu hồi đất rừng

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông, chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 đạt 42%, tương đương với diện tích đất có rừng 273.390 ha.

Để mục tiêu này, diện tích rừng cần phát triển tăng thêm 22.632 ha. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng không kém là tỉnh phải giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Những năm qua, ngành chức năng đã đánh giá thực trạng những giải pháp để thực hiện mục tiêu nói trên. Đối với diện tích rừng bị phá, ngành chức năng đã chỉ ra nguyên nhân là "phá rừng để lấy đất sản xuất".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, đối với những diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất, các ngành chức năng phải cương quyết xử lý, cưỡng chế, giải toả để trồng lại rừng.

Cùng với đó, các chủ rừng tập trung quản lý tốt diện tích đất được giao; ngăn chặn, kiểm soát việc lấn chiếm đất rừng trái phép trên lâm phần của mình.

Theo đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trước hết phải đánh giá người dân đang sử dụng đất lâm nghiệp là sai mục đích, sai quy hoạch.

Đối với những khu vực đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lâu năm, quan điểm của tỉnh là ổn canh rồi mới tính ổn cư, tạo sinh kế cho người dân trước.

Hiện nay, ngành chức năng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ đất quy hoạch 3 loại rừng để xử lý tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài.

Tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND các huyện và thành phố triển khai phương án giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và diện tích đất lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Quân Trường, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành chức năng đang tập trung đẩy mạnh triển khai mô hình nông lâm kết hợp.

Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loài cây đa mục đích như mắc ca, điều, cao su, dổi... trên các diện tích đất rừng đang bị người dân chiếm dụng.

Đối với các diện tích đất rừng bị lấn chiếm trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương cần tiến hành lập các hồ sơ pháp lý, tiến tới triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, từng bước phục hồi lại rừng.

dsc00456(1).jpg
Phá rừng lấy đất trồng cà phê diễn ra phổ biến ở Đắk Nông

Nông lâm kết hợp

Nông lâm kết hợp là một trong những giải pháp hiệu quả, có thể giúp gỡ được “nút thắt” trong phát triển rừng bền vững. Nhờ giải pháp này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã phần nào xử lý được vấn đề đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm lâu nay.

Năm 2018, Công ty thực hiện thí điểm Đề án nông, lâm kết hợp gắn với giao khoán vườn cây theo Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Công ty đã tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân xâm canh trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu và các loại cây trồng khác. Từ đó, vận động họ tham gia Đề án.

Đến nay, Công ty đã giao khoán hơn 611 ha đất lâm nghiệp cho 223 hộ dân để thực hiện các mô hình nông, lâm kết hợp. Nhờ đó, trên nhiều diện tích đất người dân xâm canh, Công ty đã tiến hành triển khai phương án trồng cây mắc ca và dổi.

Hiện 2 loại cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt. Một số diện tích mắc ca đã ra hoa, đậu quả, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và Công ty trong tương lai gần.

Qua gần 5 năm triển khai Đề án, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trồng rừng đối với hơn 18% tổng diện tích đất bị người dân xâm chiếm. Phần lớn diện tích rừng trồng này đều được người dân chăm sóc, bảo vệ tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty cho biết, việc thực hiện Đề án đã giúp Công ty từng bước tháo gỡ được “nút thắt” trong xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Đề án đã giúp giảm xung đột lợi ích giữa quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với vấn đề đất đai từ người dân. Các mô hình nông, lâm kết hợp của Đề án không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đối với những diện tích rừng mới phá, Công ty không áp dụng giải pháp này. Thay vào đó, Công ty cương quyết cưỡng chế khắc phục, thu hồi đất để trồng lại rừng.

Từ năm 2018-2022, toàn tỉnh Đắk Nông đã giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ rừng 110.696 ha đất rừng; trồng rừng nông lâm kết hợp 1.165 ha; giao khoán theo Nghị định 168/NĐ-CP 631 ha.

Tạo sinh kế trên đất rừng

Từ năm 2018 tới nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng (Đắk Glong) đã vận động được 33 hộ gia đình tại cụm dân cư số 12 nhận khoán quản lý, bảo vệ 911 ha rừng.

Việc nhận khoán này mỗi năm mang lại thu nhập trên 15 triệu đồng/hộ. Riêng 2022, đơn vị chi trả 810 triệu cho 33 hộ gia đình nhận khoán rừng (bình quân mỗi hộ nhận 24 triệu đồng).

Theo ông Trương Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, đây là giải pháp cho việc xử lý các hộ lấn chiếm đất rừng. Khi nhận khoán rừng, họ sẽ không mở rộng diện tích vùng giáp ranh.

Ông Giang cho biết, ít nhất 33 hộ này không còn tham gia phá rừng. Đơn vị đang tích cực vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng theo cách này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nặng tâm lý sợ mất đất, nên chưa tham gia.

dsc00471(1).jpg
Tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu hoàn thành cơ bản việc ổn định dân di cư tự do vào năm 2025

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án ổn định dân di cư tư do đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025 ổn định cho 5.450 hộ/24.330 khẩu tại 7 huyện; giao đất, công nhận đất ở khoảng 222 ha; bố trí 3.000ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp theo các hình thức giao đất, cho thuê đất, liên doanh, liên kết mô hình nông lâm kết hợp...

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 06

Để tăng cường độ che phủ rừng, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, Tỉnh uỷ Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 40%, định hướng đến năm 2030, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 42%. Cụ thể, các ngành chức năng phải bảo vệ tốt 196.285 ha rừng tự nhiên hiện có. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác phát triển rừng, đến năm 2025, tối thiểu tăng 13.000 ha rừng. Trong đó, phục hồi, tái sinh thành rừng 5.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, trồng mới 8.000 ha rừng các loại.

Để đạt những mục tiêu này, Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết đề ra, quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững gắn với công tác quản lý dân cư và quản lý đất đai.

Các đơn vị chức năng khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, lực lượng chức năng tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và các tồn đọng trong giao đất, giao rừng. Các đơn vị xác định khu vực trọng điểm, điểm nóng về khai thác, vận chuyển, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Các đơn vị được giao rừng tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm tất cả các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm về các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý...

Đối với diện tích rừng bị phá trái phép, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm các ngành chức năng phải bảo vệ nghiêm ngặt, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp làm giàu rừng nhằm phục hồi và nâng cao chất lượng rừng. Cương quyết trồng lại rừng trên những diện tích rừng bị phá sau ngày 1/7/2014.

Tỉnh ủy yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án bảo vệ rừng sát với tình hình thực tế địa phương. Quá trình phát triển rừng phải gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh hoạt động chế biến gỗ, lâm sản, hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững; huy động các nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, chủ trọng đối tượng cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số…

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông (kỳ 3): Những giải pháp tháo gỡ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO