Kinh tế

Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông(Kỳ 2): Hệ lụy dai dẳng

Đức Hùng 25/04/2023 05:00

Sau khi giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án nông lâm kết hợp, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều quyết định thu hồi bởi dự án không hiệu quả. Cùng với đó, hàng ngàn ha đất rừng bị lấn chiếm và để lại nhiều hệ lụy khác.

ADQuảng cáo
hinhdakntao-1-(1).jpg
Nhiều dự án nông lâm nghiệp để xảy ra mất rừng, tranh chấp đất rừng (ảnh chụp ngày 14/4/2023)

Tranh chấp đất rừng kéo dài

HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Tiến (HTX Hợp Tiến) được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê 1.215 ha đất rừng tại các tiểu khu 1644, 1645 (Đắk Glong) để phát triển dự án nông lâm nghiệp.

Dự án được HTX chính thức triển khai từ giữa năm 2016. Thế nhưng, quá trình triển khai dự án, HTX đã để xảy ra tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.

Nhiều thời điểm, lâm phần của HTX là “điểm nóng” phá rừng của tỉnh. Đến 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi toàn bộ 1.215 ha đất rừng của HTX và giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ.

Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn cho biết, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp nhận dự án của HTX Hợp Tiến. Dự án đã bị lấn chiếm đất rừng quá nhiều.

"Người dân định cư trên đất rừng của dự án, nên thường xuyên xảy ra tranh chấp, rất khó để quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, Công ty đang thực hiện việc quản lý diện tích rừng hiện có và tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất rừng, nhưng rất khó. Việc trồng lại rừng lại càng khó hơn", ông Đinh Văn Nam cho biết.

z4285596292396_1ebc80c2e4712d7d3fd6097d39a7e868(1).jpg
Người dân vẫn ngang nhiên vào lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên để lấn chiếm đất rừng (ảnh chụp ngày 14/4/2023)

Cuối năm 2021, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý, bảo vệ 1.045 ha rừng, đất rừng được thu hồi từ Công ty TNHH Hoàng Ba.

Đáng chú ý, phần lớn diện tích này đều là đất không còn rừng và đã bị người dân lấn chiếm để trồng các loại cây nông nghiệp nhiều năm qua.

Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông, trong tổng số 1.045 ha rừng, đất rừng trước đây, Công ty TNHH Hoàng Ba đã để mất hơn 320 ha rừng tự nhiên, hơn 570 ha đất bị người dân lấn chiếm.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, tình trạng lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1522 đã diễn ra nhiều năm nay và thực sự rất phức tạp, không thể giải quyết ngay.

Sau khi nhận bàn giao dự án, đơn vị đã tiến hành kiểm kê và xác định gần 100 hộ dân đang lấn chiếm đất rừng trái phép, với tổng diện tích gần 400 ha.

"Hiện nay, người dân tiếp tục vào rừng do Công ty quản lý để phát dọn, tranh chấp đất, khiến việc triển khai các kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng gặp rất nhiều khó khăn", đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho hay

Mất dự án vì... mất rừng

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 38 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp theo hình thức cho thuê đất, với tổng diện tích 30.053 ha. Các dự án chủ yếu quản lý, bảo vệ rừng và phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.

ADQuảng cáo

Cụ thể, khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng 14.154 ha; trồng rừng 10.530 ha; trồng cao su 4.112 ha; trồng cây khác 451 ha; quy hoạch cây khác 804 ha.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, đa số các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp ở Đắk Nông triển khai không hiệu quả, không bảo đảm tiến độ, không đạt mục tiêu đã được thẩm định.

Một số dự án của doanh nghiệp triển khai trồng các loại cây không đúng quy cách, quy hoạch do UBND tỉnh phê duyệt. Tại một số dự án để rừng bị phá, đất đai bị lấn chiếm.

Tổng số đất rừng của các dự án nông lâm nghiệp bị người dân chiếm dụng là 5.576 ha. Khu vực dự án có đất rừng bị lấn chiếm thường xuyên diễn biến phức tạp về an ninh trật tự do tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Từ 2017 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông tiến hành thu hồi 15 dự án nông lâm nghiệp, với tổng 7.478 ha. Các dự án này đều hoạt động không hiệu quả, để mất rừng với diện tích lớn

Hệ lụy khó xử lý

Những năm qua, một số dự án nông lâm nghiệp không hiệu quả đã bị UBND tỉnh thu hồi và giao về địa phương quản lý. Các dự án này đã để lại rất nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề tranh chất đất rừng.

Năm 2010, UBND TP. Gia Nghĩa được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ 1.900 ha đất rừng thu hồi từ Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa (đã giải thể).

Trong đó, diện tích đất mà người dân đã lấn chiếm để trồng cà phê, hồ tiêu, điều… là 132 ha. Hiện có 1.500 hộ dân lấn chiếm đất rừng của Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa trước đây để ở, canh tác.

Trong số này, có nhiều hộ đã lấn chiếm đất rừng trên 20 năm và trồng cây lâu năm. Điều này khiến cho chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong khâu xử lý.

hinh(1).jpg
Rừng giao về UBND TP Gia Nghĩa quản lý đối mặt với nhiều khó khăn vì khó quản lý

Ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) cho biết, diện tích rừng và đất rừng sau thời gian thực hiện dự án không hiệu quả có hiện trạng rất phức tạp, rừng manh mún, đất rừng bị chiếm giữ.

Không riêng gì ở Gia Nghĩa, tình trạng này cũng diễn ra ở hầu hết các địa phương khác trong tỉnh. Giai đoạn 2015 – 2021, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý hơn 61.368 ha từ các dự án nông lâm nghiệp.

Các huyện, thành phố sau khi nhận bàn giao các dự án hầu hết chưa thể thực hiện việc đo đạc, khảo sát lại hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp; chưa xây dựng được phương án sử dụng đất chi tiết... vì vướng tranh chấp với người dân.

Giao về địa phương quản lý, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các dự án nông lâm nghiệp vẫn xảy ra nhiều.

Tại các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong…, việc tranh chấp đất rừng xảy ra thường xuyên. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Nông, giai đoạn 2015 – 2021 rừng giao về địa phương quản lý giảm 763 ha.

Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 37 đơn vị chủ rừng sai phạm về quản lý 1.913 ha đất rừng, 2.210 ha rừng. Trong đó, cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường khoảng 160 tỷ đồng, trồng lại 1.318 ha rừng. 150 cá nhân và 40 tổ chức bị kiến nghị xử lý vì vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng. Cơ quan chức năng chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra 10 vụ việc liên quan để quản lý, bảo vệ rừng.

Kỳ 3: Những giải pháp tháo gỡ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông (Kỳ 2): Hệ lụy dai dẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO