Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ 2): Bất ổn vì những tranh chấp phức tạp

Lê Phước| 22/09/2021 06:42

Việc sang nhượng trái phép rừng, đất rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp là nguyên nhân chính gây ra các vụ tranh chấp, xung đột. Từ đó làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở một số khu vực của Đắk Nông.

Uy hiếp và xung đột vì đất

Một đêm cuối tháng 6/2021, 3 đứa con của gia đình bà Lưu Thị Viện, ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang ngủ trong căn nhà gỗ sát tỉnh lộ 6 thì ngửi thấy mùi xăng. Ngọn lửa bốc lên sát giường của đứa con trai đầu.

Nhờ phát hiện kịp thời và có sự hỗ trợ của hàng xóm, đám cháy nhanh chóng được khống chế, không gây thiệt hại về người. Thế nhưng, nhiều tài sản trong nhà bà Viện đã cháy, hư hại.

Căn nhà của bà Lưu Thị Viện, ở xã Quảng Sơn bị phóng hỏa

Đây là lần thứ 2 căn nhà của bà Viện bị đốt. Bà Viện cho rằng nguyên nhân của sự việc xuất phát từ việc tranh chấp đất giữa gia đình bà với Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (Công ty Đỉnh Nghệ).

Theo bà Viện, bà khai hoang một khu đất tại thôn Quảng Tiến từ năm 2003. Sau khi Công ty Đỉnh Nghệ thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp (năm 2009), bà được nhận làm nhân viên.

Năm 2013, bà Viện được lãnh đạo công ty khi đó sang nhượng một lô đất trong diện tích được giao (có giấy viết tay) với giá 300 triệu đồng. Lô đất này nằm sát tỉnh lộ 6, liền kề với khu đất do bà khai hoang từ trước.

Gia đình bà Viện làm nhà, canh tác trên phần đất nhận chuyển nhượng. Mọi việc diễn ra yên ổn cho đến khi công ty chuyển giao cho ông Nguyễn Văn Khanh làm giám đốc (khoảng năm 2015).

Từ đó, ông Khanh thường xuyên cho người đến phá hoại cây trồng, tài sản của gia đình bà. “Cao điểm nhất là từ cuối năm 2020 tới nay. Gia đình tôi đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi về vật chất, tinh thần do sự uy hiếp của ông Khanh”, bà Viện cho hay.

Gần nhà bà Viện, vườn cao su của anh Phạm Thế Phương, ở thôn Quảng Tiến cũng đang xảy ra tình trạng tranh chấp. Theo anh Phương, năm 2018, gia đình anh mua một lô đất của người đồng bào tại chỗ với giá hơn 2 tỷ đồng. Khu đất này rộng hơn 3 ha, có khoảng 170m mặt đường dọc tỉnh lộ 6.

Anh Phương canh tác, sử dụng đất được một thời gian thì xảy ra tranh chấp. Từ cuối năm 2020 đến nay, một số đối tượng tự xưng là người của Công ty Đỉnh Nghệ thường xuyên vào khu đất để gây hấn, phá hoại tài sản của anh.

“Họ nói rằng đất mặt tiền tỉnh lộ 6 là của công ty và đòi tôi trả mấy trăm triệu mới cho canh tác. Tôi không có tiền đưa, nên họ liên tục kéo đến uy hiếp, phá nhà cửa, cây trồng. Việc phá hoại diễn ra liên tục, kể cả vào ban đêm, khiến gia đình tôi rất lo lắng”, anh Phương cho hay.

Tài sản của người dân bị phá hoại do tranh chấp đất:

Việc tranh chấp đất tại Công ty Ðỉnh Nghệ đã diễn ra liên tục, kéo dài nhiều năm. Năm 2014, tại đây đã xảy ra các tranh chấp, xung đột căng thẳng dẫn đến đổ máu. Người của công ty này đã dùng súng hoa cải bắn khiến nhiều người dân bị thương. Mọi việc lắng xuống một thời gian và gần đây đang có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Sự xuất hiện của những “người lạ”

Gần đây, tại các dự án nông lâm nghiệp ở xã Quảng Sơn liên tiếp xảy ra những vụ mất an ninh trật tự. Một số “người lạ” từ nhiều nơi đến, tự xưng là người của các chủ dự án và tham gia tranh chấp đất với người dân. Họ có lối hành xử côn đồ, mang tính xã hội đen khiến nhiều người dân hết sức lo lắng.

Gia đình anh K’Mao, ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn khai hoang và canh tác 2 ha đất gần 20 năm nay. Khi UBND tỉnh Đắk Nông giao đất cho Công ty Đỉnh Nghệ (năm 2009), diện tích của gia đình anh K’Mao nằm trong lòng của dự án.

Lãnh đạo công ty biết được nguồn gốc đất nên đồng ý để nhà K’Mao tiếp tục canh tác. Nhưng gần đây, khu đất nhà K’Mao đã bị chiếm, bao dây thép gai xung quanh.

Đất của đồng bào bon N’Ting, xã Quảng Sơn đang canh tác lâu nay bị rào lại bao chiếm

Anh K’Mao cho hay: Có một đám giang hồ vào đuổi, không cho làm. Họ chặt cây, rào thép xung quanh và dựng nhà tôn lên. Họ dọa rằng nếu chúng tôi vào khu đất thì sẽ thả chó cắn chết.

Cùng cảnh ngộ trên, ông K’Kril, già làng ở bon N’Ting, cho biết đã khai hoang gần 5 ha ở khu vực này từ trước những năm 2000. Nhưng gần đây, giang hồ tự xưng là người của Công ty Đỉnh Nghệ đến đuổi người nhà ông khỏi khu đất.

“Họ chặt cây, bao thép rồi làm nhà lên đất của chúng tôi. Họ còn hù dọa, đốt nhà, bỏ thuốc trừ sâu vào bể nước ăn trên rẫy…”, ông K’Kril cho biết.

Những người đã từng mua rừng, đất rừng thì còn xảy ra tranh chấp nhiều hơn. Chỉ có một số ít hộ dân đã thỏa hiệp, trả thêm tiền và không bị quấy phá nữa.

Theo người dân xã Quảng Sơn, những “người lạ” kéo về địa phương, ở gần khu vực trước đây là trụ sở của Công ty Đỉnh Nghệ. Họ chia thành từng nhóm vào phá hoại tài sản, cây trồng rồi bao thép, chiếm đất của dân.

Người dân lo lắng vì bị uy hiếp, đe dọa:

Những “người lạ” còn trực tiếp tham gia phá rừng. Một số diện tích rừng trước đây của Công ty Đỉnh Nghệ mới bị phá gần đây. Sau khi rừng bị phá, đất rừng sẽ được sang nhượng.

Ở đây rất cần phải nói thêm, việc một số người tự xưng là người của các công ty có những hành xử theo kiểu giang hồ với người dân là vi phạm pháp luật. Tuy vậy, việc người dân mua đất bằng giấy viết tay rồi sau đó làm nhà, canh tác trên đất có nguồn gốc từ rừng đã được nhà nước giao cho các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp cũng không hợp pháp. Do đó, việc xử lý các đối tượng phá hoại tài sản, gây hấn với bà con không có nghĩa là các phần đất đã mua bán trái pháp luật sẽ đồng thời được hợp thức hóa. Càng không thể từ việc phá hoại của một số đối tượng mà vin vào đó để coi việc dựng nhà cửa trên đất mua bán trái pháp luật là hợp pháp.

Tranh chấp, khiếu kiện về đất kéo dài

Không chỉ ở Công ty Đỉnh Nghệ, tại dự án của HTX Hợp Tiến, tranh chấp rừng, đất rừng cũng xảy ra thường xuyên.

Việc tranh chấp chủ yếu diễn ra giữa chủ rừng với những người dân từ nơi khác đến mua đất, trồng cây nông nghiệp. Cũng có những vụ tranh chấp xảy ra giữa các xã viên với nhau.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, toàn huyện có 14 dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất rừng các đơn vị quản lý là trên 15.000 ha.

Tại một số dự án, chủ dự án đã buông lỏng quản lý rừng, đất đai, gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, nhức nhối nhất là về phá rừng, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng.

“Việc tranh chấp đất rừng diễn ra thường xuyên, hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự. Các chủ rừng buông lỏng quản lý dự án, khiến địa phương gặp rất nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý dân cư”, ông Hợp cho hay.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 41 dự án sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh giao, cho thuê, với tổng diện tích hơn 32.000 ha rừng và đất rừng. Các dự án tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Đức và Đắk Glong.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiệu quả tại các dự án nông lâm nghiệp rất khiêm tốn. Nhiều dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, có hiện tượng sang nhượng, mua bán đất rừng trái phép. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp đất, khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Hiệu quả khiêm tốn của các dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Glong:

Từ năm 2017 tới tháng 9/2020, diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh Ðắk Nông giảm 11.155 ha. Hiện toàn tỉnh còn trên 198.800 ha rừng. Theo Công an tỉnh Ðắk Nông, từ năm 2019 đến tháng 6/2021, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 272 vụ phá rừng tại các dự án nông, lâm nghiệp. Trong đó, có 268 vụ việc xử lý hành chính, 4 vụ chuyển cơ quan CSÐT.

>> Kỳ 3: Giao dễ, đòi khó

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/he-luy-dai-dang-tu-cac-du-an-nong-lam-nghiep-ky-2-bat-on-vi-nhung-tranh-chap-phuc-tap-89139.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/he-luy-dai-dang-tu-cac-du-an-nong-lam-nghiep-ky-2-bat-on-vi-nhung-tranh-chap-phuc-tap-89139.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ 2): Bất ổn vì những tranh chấp phức tạp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO