Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp

Lê Phước| 21/09/2021 08:56

Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng sau nhiều năm triển khai, phần lớn các dự án đều thất bại cả về hiệu quả kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hàng ngàn ha rừng xanh bị xâm hại, lấn chiếm và sang nhượng trái phép. Kéo theo đó là những bất ổn về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các chỉ tiêu phát triển rừng ở vùng dự án. Những hệ lụy này đã kéo dài và cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn.

Kỳ 1: Muôn kiểu mua bán đất rừng

Nhiều cánh rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp tại Đắk Nông bị tàn phá, sau đó bị lấn chiếm và mua đi bán lại. Tình trạng này trở thành phổ biến và diễn ra công khai.

Mua bán công khai đất rừng trong vùng dự án

Cuối tháng 6/2021, chúng tôi tìm đến thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong trong vai “cò đất”. Từ quốc lộ 28 rẽ vào tỉnh lộ 6 chừng 1 km, nhà cửa, vườn tược của người dân mọc san sát ven đường.

Nhiều khu đất trống được san ủi bằng phẳng, rào lại cẩn thận. Ngay ở đó có các bảng bán đất nền, đất rẫy.

Chúng tôi đã gọi vào số điện thoại ở 1 bảng bán đất như vậy. Qua điện thoại, người đàn ông cho biết tên là Q và đang bán hơn 2 ha rẫy.

Ông Q quảng cáo có hơn 10 m mặt đường, nở hậu và chạy tít vào sâu hơn cho tới sình. “Đất này là đất rừng của Thiên Sơn (Công ty Cổ phần Thiên Sơn - PV) nhưng đã dọn dẹp sạch sẽ và trồng cây. Đất chưa có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) nhưng phải 700 triệu/ha thì mới bán”, Q trao đổi.

Thấy giá cao, chúng tôi lượn vòng xung quanh khu vực này dò la thêm số điện thoại và thông tin. Sự xuất hiện của chúng tôi thu hút ánh mắt nghi ngại của một số người. Chúng tôi rời đi khi đã có được thêm thông tin một số “chủ đất”.

Rừng và đất rừng dọc tỉnh lộ 6 của Công ty Đỉnh Nghệ, xã Quảng Sơn bị lấn chiếm (ảnh lớn) và rao bán công khai (ảnh nhỏ)

Ít ngày sau, chúng tôi trở lại thôn Quảng Tiến. Lần này chúng tôi đến trực tiếp nhà một người đàn ông tên T để “cò đất” cho người quen ở TP. HCM.

Người này dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều khu đất gần trục đường tỉnh lộ 6. Các khu đất này có diện tích rộng, đã dọn sạch sẽ và trồng cà phê, hồ tiêu, bơ.

Một số khu đất đã được đào ao hồ, bao lưới sắt B40 xung quanh. Anh T ra giá đất dao động từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha, tùy vào địa hình, địa thế.

Người này cũng cho biết, các khu đất đều chưa có sổ đỏ. Khu vực này từng là rừng của Công ty Cổ phần Thiên Sơn và Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (Công ty Đỉnh Nghệ).

Anh T còn quả quyết rằng, những diện tích này sắp được bàn giao về địa phương quản lý, bố trí sử dụng. Do đó, trong tương lai, đất ở khu vực này sẽ được cấp sổ.

Thấy chúng tôi còn nghi ngại, anh T liền thuyết phục: Tôi ở đây đã lâu, không phải dạng lừa đảo. Nếu người ta mua thì tôi trích cho anh 3%. Hoặc anh kê giá, ăn chênh lệch, tôi vẫn ghi đúng trong giấy tay, không trích “hoa hồng” nữa.

Giao dịch tiền tỷ của “chủ rừng”

Theo tìm hiểu, việc sang nhượng rừng, đất rừng tại các dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Nông đã diễn ra từ lâu.

Tại xã Quảng Sơn, Công ty Đỉnh Nghệ đã được cho thuê hơn 100 ha rừng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp năm 2009. Chỉ vài năm thực hiện dự án, việc sang nhượng của công ty và người dân đã diễn ra.

Người dân phản ánh việc doanh nghiệp bán đất dự án:

Một số vụ sang nhượng có viết giấy tay, ký xác nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ sang nhượng nhỏ lẻ.

Qua hồ sơ chúng tôi thu thập được, năm 2015, đại diện Công ty Đỉnh Nghệ là ông Nguyễn Văn Khanh (ở xã Quảng Sơn, Đắk Glong) đã sang nhượng nhiều diện tích của dự án cho ông V.V.T (ở Gia Lai) và 1 người dân khác.

Thương vụ này sang nhượng diện tích khoảng 100 ha với giá trị 12 tỷ đồng. Hai bên viết giấy nhận tiền đặt cọc và thống nhất sẽ thanh toán thành 4 đợt.

Theo tiết lộ của ông V.V.T, sau khi thanh toán cho ông Khanh 3 đợt với số tiền 6 tỷ đồng, ông Khanh không chịu bàn giao diện tích đất trên. Số tiền 6 tỷ đồng ông Khanh cũng không chịu trả lại. Ông T đã khởi kiện ông Khanh.

Cuối năm 2019, TAND huyện Đắk Glong đã xét xử và buộc gia đình ông Khanh phải trả lại cho bên ông T số tiền trên 10,2 tỷ đồng (gồm 6 tỷ đồng tiền gốc và trên 4,2 tỷ đồng tiền lãi).

Sau khi bản án có hiệu lực, ông T đã làm đơn yêu cầu thi hành án. Nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết xong.

“Chưa trả lại tiền cho chúng tôi, ông Khanh tiếp tục chuyển nhượng cho một người dân khác. Do đó, tôi đã làm đơn trình báo và đề nghị ngăn chặn gửi lên các cơ quan chức năng”, ông T cho hay.

Hồ sơ vụ chuyển nhượng tiền tỷ của Công ty Đỉnh Nghệ với người dân

Theo người dân địa phương, trụ sở trước đây của Công ty Đỉnh Nghệ nằm dọc tỉnh lộ 6. Gần đây, một nhà nghỉ bề thế đã mọc lên. Họ cho rằng lãnh đạo công ty đã bán cả đất trụ sở.

Để tìm hiểu “ngọn ngành”, chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ với ông Khanh. Nhưng các số điện thoại cán bộ và người dân cung cấp đều không thể liên hệ được. UBND xã Quảng Sơn thừa nhận, rất lâu rồi xã không thể liên hệ được với ông Khanh và Công ty Đỉnh Nghệ.

"Chỉ cần tiền, bao nhiêu cũng có"

Việc sang nhượng cũng diễn ra tại dự án nông lâm nghiệp của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến (HTX Hợp Tiếp). Năm 2016, HTX này được giao hơn 1.200 ha đất rừng tại tiểu khu 1644 và 1645, xã Quảng Sơn.

Ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho biết, qua rà soát có khoảng 70% diện tích đất rừng được giao cho HTX bị lấn chiếm, mua bán.

“Tôi đã từng đóng giả là người đi mua rẫy để nắm bắt thông tin. Và thực sự có nhiều người khẳng định có đất của HTX để bán. Chính xã viên của HTX cũng tham gia chuyển nhượng trái phép. Chỉ cần tiền, bao nhiêu cũng có”, ông Điệp cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn, trên địa bàn xã hiện có 5 dự án sản xuất nông, lâm nghiệp. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất tại một số dự án diễn ra rất phức tạp, với nhiều hình thức như: giấy viết tay, hợp đồng góp cổ phần, hợp đồng giao khoán...

Một số dự án kêu gọi người dân góp cổ phần. Tuy nhiên, đó là một hình thức trá hình của chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng. Một hình thức khác là hợp đồng liên doanh, liên kết, giao khoán… giữa chủ dự án và người dân.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng để rồi chuyển nhượng trái phép. “Tình trạng này là phổ biến, vì sự buông lỏng của các chủ dự án”, ông Tuấn cho biết.

Tại Ðắk Nông, cơ quan chức năng TW và địa phương đã “điểm mặt” nhiều dự án nông lâm nghiệp làm mất rừng và có dấu hiệu sang nhượng trái phép đất rừng. Nổi cộm nhất là Công ty Ðỉnh Nghệ, Công ty Cổ phần Thiên Sơn, HTX Hợp Tiến, Công ty TNHH Duy Hòa…

Các hình thức mua bán đất rừng tại các dự án nông lâm nghiệp ở Quảng Sơn:

>> Kỳ 2: Bất ổn vì những tranh chấp phức tạp

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/he-luy-dai-dang-tu-cac-du-an-nong-lam-nghiep-89087.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/he-luy-dai-dang-tu-cac-du-an-nong-lam-nghiep-89087.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO