Chính trị

HĐND tỉnh Đắk Nông cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII

Lê Việt Dũng 08/02/2024 12:26

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 -2025 đến nay, HĐND tỉnh Đắk Nông đã phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh.

cover.jpg

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 -2025 đến nay, HĐND tỉnh Đắk Nông đã phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH NHIỀU CHÍNH SÁCH, BIỆN PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định rõ trong mục tiêu tổng quát đó là: Phấn đấu đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Trong những năm qua, tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh Covid-19; chiến tranh Nga – Ukraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khí hậu biến đổi theo hướng cực đoan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại, thậm chí có nhiều nước tăng trưởng âm… Nhưng với sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông có những bước phát triển đáng trân trọng. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.

h1.jpg
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông điều hành Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nhóm PV

Cụ thể, đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 21,2%/năm, đạt 141,3% nghị quyết (nghị quyết tăng bình quân trên 15%). Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3%, đạt 150% nghị quyết (nghị quyết bình quân hàng năm giảm 2%). Riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ước giảm 5% theo chuẩn nghèo 2021-2025, đạt 125% nghị quyết (nghị quyết bình quân hàng năm giảm từ 4% trở lên). Giáo dục, số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia trung bình ước đạt 12 trường/năm, đạt 120% nghị quyết (nghị quyết đến năm 2025 tăng thêm hơn 50 trường đạt chuẩn quốc gia). Toàn tỉnh ước đạt 63,38% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị theo tiêu chuẩn mới, đạt 105,6% nghị quyết (nghị quyết đến năm 2025 phấn đấu 60% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường thị trấn văn minh đô thị)…

Những kết quả đạt được nêu trên rất đáng trân trọng, là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, HĐND tỉnh Đắk Nông với vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương đã ban hành nhiều quyết sách để cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như quyết định nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

pn1.jpg

Xác định rõ nhiệm vụ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã đưa ra quan điểm “đồng hành vì sự phát triển của tỉnh nhà”. Chính vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, phối hợp, Thường trực HĐND tỉnh luôn chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức các cuộc họp của HĐND, Thường trực HĐND để giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền. Mỗi tháng một lần, Thường trực HĐND đều tổ chức phiên họp thường kỳ theo luật định để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Qua đó, làm cơ sở để UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện mà không phải chờ đến kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh mỗi năm 2 lần.

h2(1).jpg
Đồng chí Lưu Văn Trung và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn tỉnh (tháng 10/2023). Ảnh: Đặng Hiền

Với sự nỗ lực đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài việc xem xét các báo cáo của các cấp, các ngành theo luật định, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 254 nghị quyết nhằm cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điển hình như Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025. Các nghị quyết về đầu tư công, điều chỉnh đầu tư công trung hạn, hàng năm đều bám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đó là “Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thúc đẩy dự án Đường cao tốc Tây Nguyên – TP. Hồ Chí Minh (đoạn từ TP. Gia Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh) sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành (Bình Phước); mở rộng quốc lộ 28.

h3(1).jpg
Đồng chí Lưu Văn Trung thăm, kiểm tra tiến độ thi công Trung tâm Thương mại Đắk Mil tháng 2/2023. Ảnh: Tuệ An

HĐND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh và nhiều nghị quyết chuyên đề theo định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát huy ba trụ cột kinh tế của tỉnh. Đó là công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; phát triển du lịch. HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách về 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh bám sát kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ban hành đầy đủ các nghị quyết về chủ trương thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội; quyết định chủ trương đầu tư công, trong đó có những nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư những công trình có sức lan tỏa lớn, tổng mức đầu tư trên dưới 1.000 tỷ đồng. Điển hình là các nghị quyết liên quan đến việc đầu tư Quảng trường Trung tâm, Nghị quyết xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Nghị quyết về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Đắk Gang; Nghị quyết về đầu tư đường cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa; nghị quyết về các dự án tái định cư cho người dân để lấy đất, quặng phục vụ cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ… Ngoài ra, còn rất nhiều nghị quyết khác liên quan đến công tác giảm nghèo; chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên, y bác sĩ…

VAI TRÒ GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG

Ngoài việc quyết định các chủ trương biện pháp nêu trên, để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần vào nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước ở địa phương, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tốt hoạt động giám sát. Trong đó, hoạt động giám sát tại các kỳ họp không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, có nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành, thông qua việc xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, báo cáo về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương…

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được quan tâm chú trọng, cơ bản làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền đối với việc thực thi nhiệm vụ được giao. Thông qua hoạt động chất vấn, các vấn đề bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu phản ánh rõ nét tại các kỳ họp nên thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và các cơ quan thông tấn báo chí.

box1.jpg

Hoạt động giám sát chuyên đề chủ yếu tập trung vào những vấn đề nóng, nổi cộm ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức trên 15 cuộc giám sát và nhiều đợt khảo sát. Nổi bật, HĐND tổ chức giám sát chuyên đề về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Gia Nghĩa; việc tổ chức triển khai hai nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp ứng dụng dụng công nghệ cao… Qua giám sát đã chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, khó khăn vướng mắc và đưa ra được các biện pháp tháo gỡ nhằm góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Ngoài những vấn đề nêu trên, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Các cuộc họp được tổ chức trên tinh thần tôn trọng, thấu hiểu và tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026, góp phần hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa kịp thời các văn bản, nhiệm vụ của cơ quan cấp trên giao cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hay những bất cập của thể chế. Có nhiều vấn đề pháp luật chưa kịp thay đổi theo sự phát triển nhưng vì nhiệm vụ chung, HĐND tỉnh luôn đồng hành, sát cánh cùng với UBND tỉnh để tháo gỡ…

NHẤT QUÁN QUAN ĐIỂM "ĐỒNG HÀNH VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH"

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết, nhưng chúng ta có quyền tự hào, trân trọng những kết quả đã đạt được. Khó khăn phía trước vẫn còn nhiều, đặc biệt năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, nên tại kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh cũng đã bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng những thuận lợi, khó khăn, thách thức, dự báo tình hình và đưa ra nhiều giải pháp, kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

do-hoa1.jpg

HĐND tỉnh tin tưởng rằng, với Quy hoạch tỉnh giai 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch khoáng sản đến 2030 mới được ban hành; nhiều dự án đầu tư có quy mô, sức lan tỏa lớn sắp vào cuộc, cộng vào đó là tinh thần, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Đắk Nông hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. HĐND tỉnh tiếp tục nỗ lực cố gắng, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, giữ nguyên quan điểm “đồng hành vì sự phát triển của tỉnh”, đó là:

Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND tỉnh. HĐND tỉnh coi trọng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, bảo đảm cơ cấu, trình độ, năng lực của đại biểu HĐND nói chung và đại biểu hoạt động chuyên trách nói riêng. Thường trực, các ban HĐND tỉnh phát huy vai trò làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động HĐND tỉnh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Thực hiện nhất quán quan điểm “đồng hành vì sự phát triển của tỉnh”; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư ngoài xã hội để phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu nhằm tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương.

Thứ ba, không ngừng đổi mới hình thức, phương thức giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả, hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật; phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, từ việc đề xuất lựa chọn nội dung giám sát đến việc tổ chức đoàn giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai.

Thứ tư, giám sát việc triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở định hướng không gian phát triển mới, trong đó xác định rõ quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng trong quy hoạch tỉnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

LƯU VĂN TRUNG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        HĐND tỉnh Đắk Nông cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO