Kinh tế

Hãy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 

Nguyễn Lương 09/06/2023 05:50

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ không ngừng phát triển. Sự cạnh tranh trong mua, bán, lựa chọn người tiêu dùng đang ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đâu đó quyền lợi của chính người tiêu dùng ở Đắk Nông vẫn đang bị bỏ ngỏ...

ADQuảng cáo

Mối lo lắng hàng giả, hàng nhái 

Xã hội càng phát triển, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

img_1843(2).jpg
Quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn bị bỏ ngỏ

Tuy nhiên, lợi dụng điều này, không ít doanh nghiệp, nhà sản xuất vẫn tung ra thị trường các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Thực tế này đang gây thiệt hại lớn cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ngày 24/5, Đội Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phát hiện một cơ sở kinh doanh phân bón tại Đắk R’lấp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Chưa kể, Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 150 bao thuốc trừ bệnh hiệu SUFER MAN 700WP không đúng bản chất về hàng hóa này.

Mới đây nhất, bà Trương Thị Lan (Gia Nghĩa) phản ánh bà đã bị lừa khi mua điện thoại tại một cửa hàng trên địa bàn Gia Nghĩa. Lúc mua, cửa hàng cam kết với bà cho đổi trả sản phẩm trong vòng 10 ngày (nếu sản phẩm có lỗi).

img_1861(1).jpg
Nhiều người tiêu dùng khi bị xâm hại quyền lợi chỉ biết tỏ ra bức xúc

Vậy nhưng, khi sử dụng đến ngày thứ 7, bà Lan phát hiện một vài ký tự trên màn hình bấm không được. Bà đem điện thoại đến cửa hàng kiểm tra, nhân viên tại đây xác định lỗi “liệt cảm ứng”. Cửa hàng yêu cầu bà phải thanh toán tiền thay màn hình lên đến 1,8 triệu đồng.

Đây chỉ là một vài vụ việc điển hình cho tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này tung ra thị trường, người tiêu dùng chính là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất khi sử dụng.

Mông lung về người bảo vệ quyền lợi 

Thực tế, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Việt Nam đã có không ít hệ thống pháp luật, chính sách. Điển hình như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2011. Nghị định 99/2011/NĐ-CP, ngày 27/10/2011 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo...

img_1877(1).jpg
Rất ít người tiêu dùng quan tâm đến cơ quan bảo vệ quyền lợi cho mình

Mặc dù, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi 12 năm, nhưng vẫn không ít người tiêu dùng than phiền về tình trạng bị xâm phạm quyền lợi.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không khiếu kiện lên cơ quan chức năng, đa phần người tiêu dùng có chung ý kiến là họ ngại "gõ cửa" cơ quan công quyền.

“Mỗi lần mua hàng không đúng như chất lượng công bố, bản thân tôi không biết làm gì ngoài việc tỏ thái độ bức xúc”, chị Nguyễn Thị Thanh, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) chia sẻ.

Theo chị Thanh, hiện người dân vẫn e ngại trong việc khiếu kiện. Bởi vì, bản thân chị và rất nhiều người chưa hiểu hết các quyền lợi của mình.

Tương tự, chị Bùi Thị Minh, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho hay, nếu mua phải hàng kém chất lượng thì cũng đành phải chịu. Có chăng, bản thân sẽ rút kinh nghiệm, lần sau không mua ở đó nữa thôi.

ADQuảng cáo

“Tôi khá e ngại trong việc va chạm, lên tiếng. Vì thực tế, nhiều lúc mình chưa hiểu hết pháp luật quy định những gì”, chị Minh cho biết.

img_1856(1).jpg
Phần lớn người tiêu dùng đang cảm thấy e ngại khi tiến hành khiếu nại để đòi lại quyền lợi cho mình

Theo cơ quan chức năng, hiện đang còn những hạn chế trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác này còn hạn chế. Sự quan tâm của các chủ thể, cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ.

Hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ mạnh. Hoạt động của các cơ quan tổ chức, bảo vệ quyền của người tiêu dùng chưa cao.

Còn về phía người tiêu dùng, phần lớn còn chưa biết đến bất kỳ cơ quan, hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cả nước mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật, các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Điều này cho thấy, luật và công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bởi không ai khác, chính người tiêu dùng chưa biết rõ về quyền lợi của mình.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng

Hiện nay, xu thế tính cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt. Để xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần có bước đột phá. Các cơ quan quản lý nhà nước, toàn xã hội cùng chung tay hành động mạnh mẽ hơn.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Minh (Đắk Mil), người tiêu dùng cần có kiến thức về tiêu dùng. Đó là điều quan trọng, vì có kiến thức mới có thể vững vàng trong việc lựa chọn hàng hóa.

“Trước khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng phải lựa chọn thông minh, tìm hiểu rõ những thông tin đó. Trong quá trình sử dụng, nếu như có khiếu nại, thắc mắc phải tìm đến cơ quan chức năng không nên im lặng”, ông Minh nêu quan điểm.

img_1849(1).jpg
Người tiêu dùng cần có kiến thức về tiêu dùng mới có thể vững vàng trong việc lựa chọn hàng hóa.

Theo ông Minh, nếu mỗi cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân mình, công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn.

Người tiêu dùng không nên trông chờ hoàn toàn vào cơ quan Nhà nước, các hội bảo vệ người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi của chúng ta, người tiêu dùng phải ý thức được điều này.

Cùng chung quan điểm, chị Lê Minh Giang (Gia Nghĩa) cho rằng, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người tiêu dùng hiểu được các quyền lợi của mình.

“Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp phải vào cuộc mạnh mẽ hơn”, chị Giang chia sẻ.

Theo chị Giang, hiện nay, các cơ quan cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Các tổ chức xã hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung quy định: người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ. Trong đó, nhiều quyền lợi đáng chú ý như: an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ; quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO