Gia đình bà Đỗ Thị Hiền, thôn 1, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), có gần 3 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, cao su. Bà Hiền cho biết, khoảng 10 năm về trước, với mong muốn đạt năng suất cao, bà thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Tuy nhiên, làm như vậy đã dẫn đến suy kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Đất nhanh khô cứng, bạc màu, cây trồng nhanh xuống sức, giảm năng suất, mất mùa. Hơn thế, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình bà. Sản phẩm làm ra cũng không bảo đảm chất lượng, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Đỗ Thị Hiền, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) trồng cỏ dại dưới tán cây để cải tạo đất |
Từ thực tế đó, những năm qua, gia đình bà Hiền đã sản xuất an toàn hơn. Gia đình rất hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Bà bón phân cân đối, hợp lý giữa hữu cơ, vô cơ. Gia đình cũng chú trọng tạo hệ sinh thái dưới tán cây để tạo dinh dưỡng, độ tơi xốp, giữ ẩm cho đất.
Bà Hiền khẳng định: “Vườn cây bảo đảm được năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Muốn làm nông nghiệp tốt, trước tiên phải bảo vệ được nguồn đất nhiều dinh dưỡng, không bị ô nhiễm”.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Tình, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong), có gần 2 ha đất trồng các loại cây ăn quả. Theo anh Tình, để bảo vệ đất, hàng năm anh xạc cỏ chứ không hề dùng hóa chất diệt cỏ.
Cách làm này dù mất thời gian, công sức hơn, nhưng đổi lại đất đai luôn màu mỡ, cây trồng phát triển ổn định, ít sâu bệnh. “Gia đình tôi sinh sống ngay trên đất sản xuất, sử dụng nguồn nước sinh hoạt tại chỗ. Do đó, việc bảo vệ đất chính là bảo vệ sức khỏe cho gia đình”, anh Tình chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Tình, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thường xạc cỏ chứ không dùng hóa chất diệt cỏ |
Đắk Nông có diện tích đất bazan màu mỡ, rộng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Để khai thác tốt tiềm năng đất đai, tỉnh chú trọng phát triển nhiều loại cây trồng tạo giá trị kinh tế cao.
Trong đó, tỉnh xác định 4 loại cây trồng chủ lực gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Đây đều là những loại cây trồng rất phù hợp với đất đỏ bazan, hằng năm cho sản lượng lớn, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Năm 2021, tổng diện tích đất trồng trọt của tỉnh là 380.945 ha. Với lợi thế về đất đai, bà con nông dân đã sản xuất nhiều loại cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu, sầu riêng, xoài, bơ... Giá trị sản xuất bình quân trên đất nông nghiệp của tỉnh đạt 85,25 triệu/ha/năm. |
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông xác định, lĩnh vực nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Những năm gần đây, bà con nông dân đã có những chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường đất bằng việc canh tác sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm.
Bà con đã chú trọng tới khâu bảo vệ môi trường đất trong quá trình canh tác. Điều này xuất phát từ thực tế do chất lượng đất đai giảm sút, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, cũng như sự định hướng, tuyên truyền của tỉnh.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, việc bảo vệ môi trường đất đang từng bước trở thành một phong trào lớn hơn. Các cấp hội từng bước giúp người nông dân nhận thức được việc bảo vệ môi trường đất cũng là bảo vệ chính mình. Bằng nhiều hình thức, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để hội viên, nông dân quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ môi trường đất, khai thác hợp lý tài nguyên đất.
Nhiều bà con đã biết sử dụng tổng hợp các biện pháp canh tác để tăng độ phì nhiêu cho đất như quy hoạch vùng sản xuất, trồng các loại cây chống xói mòn, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Đắk Nông có nguồn đất bazan màu mỡ, nhiều tiềm năng lớn cho trồng trọt |
Cũng về nội dung này, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, ngành Nông nghiệp đang rà soát, đánh giá cụ thể các loại đất gắn với các vùng sản xuất, tiểu vùng khí hậu.
Từ đây, ngành Nông nghiệp sẽ tích hợp chính xác vào quy hoạch kinh tế, xã hội chung của tỉnh, làm tiền đề khoa học cho việc sử dụng, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên đất.