Hát xoan - Nét văn hóa đặc sắc của Phú Thọ

Hoàng Hoài| 25/04/2018 10:42

Những ngày đầu tháng 3 (âm lịch) về vùng Đất Tổ, chúng tôi được nghe các thành viên của đội hát Xoan xã Kim Đức, TP.Việt Trì (Phú Thọ) hát Xoan, với bao cảm xúc, tự hào về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

ADQuảng cáo

Đội Xoan xã Kim Đức biểu diễn tại Miếu Lãi Lèn phục vụ du khách

Chỉ một cái trống, phách do một người ngồi gõ với một đội văn nghệ, nhưng hát Xoan lại đi vào lòng người nhẹ nhàng, sâu lắng. Các câu hát Xoan không cầu kỳ, trau chuốt mà mộc mạc, giản dị như chính con người ở làng quê này vậy. Dù không biểu diễn trên sân khấu lớn hay trong lễ hội mà chỉ phục vụ du khách, nhưng đội hát Xoan của xã Kim Đức vẫn rất nghiêm túc từ cách hát cho đến trang phục biểu diễn, với áo dài truyền thống.

Vào các buổi tối cuối tuần, các thành viên của đội lại có mặt tại nhà Trùm phường Xoan của xã để luyện tập. Hiện nay, việc phục hồi các bài Xoan cổ đã được duy trì, bảo tồn theo tài liệu để lại của các thế hệ trước và theo các quả cách ở 3 chặng hát: Hát thờ, Hát quả cách và Hát hội mà họ truyền dạy cho nhau. Các lối hát đã được ghi chép, truyền dạy theo đúng lối cổ.

Trong đội hát Xoan, ông Lê Xuân Ngũ, trên 80 tuổi được gọi là Trùm phường Xoan của xã Kim Đức. Ông đã có thâm niên hàng mấy chục năm hát Xoan và truyền dạy cho gần 200 học trò nhiều thế hệ, trong đó nhiều người đã trở thành nghệ nhân hát Xoan.

Ông Lê Xuân Ngũ (đứng) được xem là Trùm phường Xoan của xã Kim Đức

Bà Lê Thị Hệ, năm nay 74 tuổi thì hát Xoan từ năm 16-17 tuổi. Theo lời bà kể, ban đầu chỉ nghe hát thôi, nhưng khi Xoan ngấm vào người, bà ngày càng đam mê và theo đuổi và mới đây được tôn vinh là Nghệ nhân hát Xoan.

Bà Hệ cho biết: “Nghe hát Xoan phải nghe bằng tâm, bằng tình thì mới hiểu hết được giá trị, ý nghĩa của nó, bởi hát Xoan gồm có 13 quả cách và 1 quả cách chơi dâu chủ yếu biểu diễn ở chùa Dâu. Hát Xoan gồm nhiều bài, mỗi bài đều có ca từ, động tác minh họa khác nhau đòi hỏi phải thật sự kiên nhẫn và đam mê thì mới làm được. Hát Xoan gắn liền với tôi đã hàng chục năm, nên bây giờ ngày nào không hát, không luyện tập là buồn miệng, buồn tay, buồn chân”.

ADQuảng cáo

Bà Lê Thị Huệ, năm nay 78 tuổi là Nghệ nhân ưu tú của đội hát Xoan xã Kim Đức cho biết: “Vùng đất nào cũng có những nét văn hóa đặc trưng riêng và với chúng tôi, hát Xoan chính là nét riêng, trở thành “thương hiệu”, ngấm vào máu, vào suy nghĩ của mình, nên rất tự hào. Yêu và hát Xoan cũng chính là cách chúng tôi yêu đất nước, yêu vùng đất Vua Hùng, quê cha Đất Tổ”.

Nếu ông Ngũ, bà Hệ, bà Huệ là những người lớn tuổi, với kinh nghiệm phong phú thì em Nguyễn Thị Thu Thủy lại là một trong những thành viên hát Xoan trẻ của đội. Năm nay, Thủy 16 tuổi và có gần 6 năm hát Xoan dưới sự hướng dẫn của ông mình. Với Thủy, hát Xoan không chỉ vui, lạc quan mà hơn trên hết muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa, duy trì điệu hát Xoan của địa phương mình.

Mỗi bài hát Xoan không chỉ khác về lời mà còn có những điệu múa minh họa riêng

Theo lời của hướng dẫn viên Nhà trưng bày lưu niệm về hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn của xã Kim Đức, hiện nay, hát Xoan đã có mặt trong cuộc sống hàng ngày, trở thành nét đẹp văn hóa không chỉ trong các dịp lễ hội mà cả trong trường học. Hầu hết các trường học của xã đều đưa hát Xoan vào dạy trong các tiết học âm nhạc. Tại một số trường, vào giờ chào cờ đầu tuần còn tổ chức cho giáo viên, học sinh hát Xoan để giúp hiểu thêm về bản sắc của quê hương, đam mê, gìn giữ điệu hát. Đáng nói hơn, mỗi em nhỏ trong xã đều hát được ít nhất một bài Xoan. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của địa phương, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các thành viên trong đội hát Xoan xã Kim Đức.

Du khách giao lưu cùng đội hát Xoan xã Kim Đức

Không chỉ ở xã Kim Đức, thời gian qua, để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” chính thức được công bố trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh Phú Thọ, góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ mà còn là điểm nhấn phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp. Cứ vào chiều thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, tại Miếu Lãi Lèn lại diễn ra chương trình “Hát Xoan làng cổ” phục vụ du khách, tạo thêm một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa về tham quan trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, con người vùng đất cội nguồn dân tộc.

Đặc biệt, cuối năm 2017, Phú Thọ chính thức hoàn thành chặng đường đưa Di sản hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là cả quá trình vượt nhiều thử thách của các cấp, các ngành, cùng toàn thể nhân dân Đất Tổ. Trong đó, chính quyền, các nghệ nhân và nhân dân xã Kim Đức đóng một vai trò khá quan trọng khi sở hữu tới 3 trong tổng số 4 phường Xoan gốc gồm: Thét, Phù Đức và Kim Đái.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hát xoan - Nét văn hóa đặc sắc của Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO