Hát về anh, người chiến sĩ biên phòng
Biển đảo và biên cương - những phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam từ lâu đã trở thành đề tài, chất liệu cho các loại hình nghệ thuật, trong đó nổi bật có lĩnh vực âm nhạc. Và thời gian qua, nhiều sáng tác, sản phẩm âm nhạc về chủ đề biên cương, biển đảo đã ra đời được Nhân dân yêu mến, trân trọng...
Dạt dào cảm xúc vùng biên
Miền biên cương và hình ảnh người lính mang quân hàm xanh - bộ đội biên phòng từ lâu đã đi vào những sáng tác âm nhạc tạo nên bức tranh sống động, vừa lãng mạn mà cũng rất ấm áp tình quân dân, dạt dào tình yêu quê hương đất nước.
Trong rất nhiều ca khúc, đầu tiên phải kể đến nhạc phẩm “Chiều biên giới”. Ca khúc này được bình chọn là một trong 10 ca khúc được yêu thích nhất về đề tài “Người lính và chiến tranh cách mạng”. “Chiều biên giới” là đỉnh cao sự nghiệp của tác giả Trần Chung với giai điệu mượt mà, bay bổng trên nền thơ cũng trác tuyệt của nhà thơ miền biên cương Lò Ngân Sủn:
Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào xanh hơn.
Như chồi xanh cỏ biếc.
Như rừng cây của lá.
Như tình yêu đôi ta
Chiều biên giới được mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng trên nền lời thơ đầy lãng mạn. Đó là một buổi chiều biên giới xanh biếc, êm đềm với chồi non cỏ biếc đã làm trái tim của người lính lay động nhớ về “tình yêu đôi ta”.
Bài hát ra đời trong chiến tranh, nhưng tuyệt nhiên trong ca từ không có tiếng súng, tiếng hô xung phong, tiếng pháo giặc dội vào trận địa. Tất cả lắng đọng, thi vị êm đềm như một chiều yên ả ở làng quê nào đó:
Em ơi có nơi nào đẹp hơn
Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùi tỏa ngát hương bay...
Thế nhưng phía sau cái bình yên đó là quân thù đang rình rập, là máu, là nước mắt, là những nòng súng chĩa về quân thù và và những con người sẵn sàng chết để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà Trần Chung hay Lò Ngân Sủn có được tác phẩm để đời này. Đó là tình yêu Tổ quốc - quê hương, cụ thể ở đây là miền biên cương phía Bắc khi đó đang chiến đấu đầy gian khổ và ác liệt. Với Lò Ngân Sủn, thầy giáo trẻ người dân tộc Dáy đã chứng kiến miền đất quê hương Bát Xát, Lào Cai bị quân giặc tàn phá thế nào, sự anh hùng của bộ đội ta giữ chốt. Trong một buổi tối mùa đông năm 1980, thầy giáo trẻ Lò Ngân Sủn xem văn công phục vụ bộ đội ở chốt, có ca sĩ hát bài “Chiều trên bến cảng”, rất hứng khởi, anh chạy về sáng tác một bài thơ để “khoe” miền biên cương của mình: “Chiều biên giới em ơi!”. Bài thơ đăng trên báo Nhân Dân, Trần Chung đọc thấy hay quá nên phổ nhạc. Trước đó, Trần Chung đã có bài hát “Chiều dài biên giới” rất hay nhưng chỉ tới “Chiều biên giới” ông mới thỏa lòng. “Chiều biên giới” của Trần Chung và Lò Ngân Sủn sau đó được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, giai điệu, lời ca đã lay động trái tim của hàng triệu thính giả trên cả nước. Bài hát cũng thúc giục các chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới vững tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Giai đoạn này có rất nhiều bài hát về chủ đề này nhưng còn lưu lại đến ngày nay chỉ còn vài bài, trong đó có “Chiều biên giới”.
Mỗi năm, cứ vào dịp kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nghe lại giai điệu đẹp đẽ lãng mạn của bài hát chúng ta vừa tự hào, vừa rưng rưng nhớ lại một thời hào hùng của thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ sau này sẽ mãi nhớ những “chiều biên giới” được chuyển tải qua thơ, qua nhạc.
Cũng cần nhắc tới “Hát về anh, người chiến sĩ biên cương” (Thế Hiển) với hình ảnh người lính trẻ canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc mặc gió sương vẫn vững vàng đứng gác bảo vệ giấc ngủ cho đàn em thơ, bảo vệ mùa xuân hòa bình cho đất nước.
Gần đây nhất là NSƯT Khánh Hòa, chị đã cho ra đời album phim ca nhạc “Tình biên cương” bởi sự kỳ công và đậm chất nghệ thuật, với nhiều ca khúc về biên giới, về người lính biên phòng đã quen thuộc với người nghe như Bài ca trên núi (thơ: Tô Hoài, nhạc: Nguyễn Văn Thương), “Tình yêu bên suối” của nhạc sĩ Thế Song, “Thơ tình của núi” của nhạc sĩ An Thuyên... Thực hiện album “Tình biên cương”, NSƯT Khánh Hòa đã chủ động tiên phong đi lên các vùng biên, đến từng đồn biên phòng trên Hà Giang, trên những điểm chốt xa xôi để thâm nhập thực tế đời sống của bộ đội, hát cho bộ đội nghe…
Âm vang biển đảo
Dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt thời gian, nền âm nhạc nước ta luôn dồi dào những ca khúc về biển đảo quê hương với âm hưởng hào hùng, thiêng liêng khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân nước Việt. Đến nay, chúng ta đã rất quen thuộc với các nhạc phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa dòng nhạc cách mạng với dòng nhạc trữ tình như Hải quân Việt Nam hành khúc (sáng tác Văn Cao), Lướt sóng ra khơi (Thế Dương), Bài ca gửi đất liền (Lương Ngọc Trác), Nơi đảo xa (Thế Song), Lãnh hải thiêng liêng (Doãn Nho), Gần lắm Trường Sa ơi (Huỳnh Phước Long), Trường Sa mãi trong ta (Phan Huỳnh Điểu), Huyền tích Trường Sa (Đức Trịnh)...
"Nơi đảo xa" lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh của nhạc sĩ Thế Song vào năm 1979. Khi Thế Song cùng chiến sĩ biên phòng trên đường tới Phán Thún (Móng Cái, Quảng Ninh) thì có lệnh hoãn, buộc đoàn phải dừng lại ở thị xã Hòn Gai. Tại đây, Thế Song có dịp trò chuyện với bộ đội hải quân. Họ kể cho ông nghe những khó khăn, vất vả khi sống xa nhà. Trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội, Thế Song viết lời một của ca khúc Nơi đảo xa. Nhạc sĩ viết lời hai tại nhà riêng ở phố Hàng Bột (Hà Nội).
Ca sĩ Tiến Thành là người đầu tiên hát "Nơi đảo xa". Sau này, ca khúc được nhiều nghệ sĩ trẻ như Trọng Tấn, Tùng Dương... thể hiện. Nhạc phẩm mở đầu bằng hành trình rời đất liền ra ngoài đảo xa của chiến sĩ hải quân. Không gian vùng biển rộng lớn, mênh mông hiện ra với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa sừng sững đương đầu bão tố. Với những chàng trai lần đầu ra khơi, họ sẽ bị rợn ngợp bởi vẻ lớn lao, khoáng đạt của biển trời Tổ quốc.
Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua
Khoác trên mình bộ quân phục, chiến sĩ hải quân mang trọng trách bảo vệ lãnh hải đất nước. Họ chấp nhận xa gia đình, gác lại hạnh phúc riêng để hoàn thành sứ mệnh. Sống biệt lập ở nơi mênh mang sóng nước, những người lính trẻ thường trực nỗi nhớ nhà. Trong tâm trạng khắc khoải, chiến sĩ nhớ về hậu phương - nơi những người vợ, người yêu ngóng trông ngày đoàn tụ. Bóng hình phụ nữ hiện hữu qua hình ảnh đôi mắt dõi theo người phương xa.
Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi
Dẫu thương nhớ hậu phương, người lính ra đi trong tâm thế hân hoan. Ánh mắt của người yêu hòa với màu trời, màu biển. Tình cảm riêng của người lính hòa vào tình yêu biển đảo.
Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui xa khơi
Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em
Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm yêu
Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi
Viết về đề tài người lính, "Nơi đảo xa" không hừng hừng khí thế hay theo nhịp hành khúc. Nhạc phẩm giàu chất tự sự, giai điệu nhẹ nhàng, trẻ trung gợi tình yêu biển đảo trong niềm hân hoan, hứng khởi. Trong các chương trình tôn vinh chiến sĩ hay khơi dậy lòng tự hào về chủ quyền đất nước, "Nơi đảo xa" thường được ví như khúc "đảo ca" nằm lòng với nhiều thính giả.