Haruna Ishimaru: Sinh kế có thể thay đổi số phận một người phụ nữ

08/03/2024 10:30

“Con không nên học cao hơn. Vì như thế thì chẳng có chàng trai nào muốn cưới con cả” - Haruna Ishimaru bị gia đình ngăn cản khi muốn vào đại học. Vì cô là con gái.

Năm 2022, Haruna chuyển tới Việt Nam làm cán bộ điều phối của Plan International. Dự án của cô tập trung vào cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ.

Cô thường xuyên dành thời gian công tác tại các điểm sâu xa thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam như Hà Giang, Lai Châu,… trực tiếp hỗ trợ xây dựng sinh kế cho phụ nữ miền núi.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn với Haruna Ishimaru về sinh kế cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số.

Bài phỏng vấn nằm trong loạt bài “Những người phụ nữ mang thế giới về Việt Nam”, đề cập những điều phụ nữ quốc tế muốn mang tới Việt Nam trong hành trình của mình. Với Haruna, cô mong muốn phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền núi sẽ đạt được bình đẳng giới thông qua độc lập tài chính.

PV:Tại sao Haruna đến Việt Nam để làm việc và chọn các dự án ở miền núi chứ không phải các thành phố lớn?

Haruna Ishimaru:Khi tôi còn nhỏ, nếu tôi bày tỏ rằng tôi muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo hoặc học lên cao hơn, tôi sẽ bị chỉ trích. Ở Nhật Bản, bình đẳng giới đã từng là một điều rất xa vời.

Vậy nên, khi Plan International tuyển cán bộ điều phối cho dự án phát triển sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ, tôi đã ứng tuyển. Dự án sẽ tập trung vào giới, cách đạt được bình đẳng giới thông qua độc lập tài chính.

PV: Hình ảnh đầu tiên để lại ấn tượng cho Haruna khi đến Việt Nam là gì, mọi thứ có giống như mong đợi của bạn không?

Haruna Ishimaru: Khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người Nhật thường chỉ nghĩ tới những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhưng tôi muốn nói tới Lai Châu, Hà Giang và những khu vực miền núi khác. Cuộc sống miền núi hoàn toàn khác đối với thành thị. Giao thông khó khăn nên tôi phải mất đến 12 tiếng mới đến được điểm làm việc đầu tiên.

100% thanh niên tham gia dự án đều là hộ nghèo. Tôi tới thăm họ trong những căn nhà mỏng manh. Căn nhà trống trải đến nỗi đứng trong nhà mà vẫn rất lạnh.

Phải mất rất lâu tôi mới bắt đầu phản ứng lại. Nhật Bản cũng từng là một đất nước rất nghèo ngay sau Thế chiến thứ II. Tôi tin chắc rằng, đây là những điều mà rất nhiều người Nhật đã từng trải qua và thấu hiểu.

PV: Haruna có nhớ hôm đó là ngày nào không?

Haruna Ishimaru:Ngày 22/11/2022. Hôm đó chúng tôi phỏng vấn một phụ nữ để quyết định xem có hỗ trợ cô ấy không. Cô ấy cực kỳ ngại ngùng và xấu hổ, không nhìn vào mắt người khác cũng không muốn chụp ảnh. Phải mất 10 phút để cô ấy trả lời một câu hỏi. Vì vậy, tôi phải liên tục kiểm tra giờ giấc nên tôi luôn nhớ rõ ngày và thậm chí là cả giờ mình đến Lai Châu.

Buổi phỏng vấn là một dấu mốc đáng nhớ. Sau 6 tháng tham gia chương trình, tôi quay trở lại để thăm cô ấy một lần nữa. Khuôn mặt rạng rỡ, dáng vẻ tự nhiên, cô ấy đã thay đổi rất nhiều, kinh tế cũng tốt hơn. Chúng tôi có thể nhìn trực tiếp vào mắt nhau. Cô ấy vui vẻ nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hai người phiên dịch khác giúp chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Tôi thực sự rất hạnh phúc khi được nhìn thấy cô ấy thay đổi như vậy.

PV:Điều gì đã khiến cô ấy lại thay đổi nhiều như vậy, hay nói cách khác, nội dung đào tạo trong cải thiện sinh kế cho phụ nữ miền núi là gì?

Haruna Ishimaru:Chúng tôi tập trung đào tạo một số sinh kế chủ chốt như: chăn nuôi lợn, gà, nuôi ong, lấy mật, trồng lạc, nhưng nếu dừng lại ở các kỹ năng này, phụ nữ chỉ có thể tăng chứ không thể kiểm soát được thu nhập. Vì vậy, chúng tôi đào tạo thêm về kỹ năng sử dụng máy tính, quảng cáo, quản lý tiền bạc,… với mục tiêu là đảm bảo nguồn thu nhập ổn định trong suốt cả năm.

Vì di chuyển từ xã tới huyện sẽ rất khó khăn nên Plan International xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng ở từng xã. Ở đó luôn có máy tính và các tài liệu mà phụ nữ cần để phát triển sinh kế.

Bên cạnh những kỹ năng cứng, chúng tôi cũng tổ chức thêm các kỹ năng mềm, các khóa đào tạo về nhận thức về giới để mọi người trong cộng đồng hiểu rằng tăng thu nhập cho gia đình không chỉ là việc của nam giới. Phụ nữ có thể tự tạo ra thu nhập và quyết định cách sử dụng số tiền này.

Tôi muốn kể câu chuyện về M.

M., 24 tuổi, cô tham gia mô hình đào tạo chăn nuôi gà của Plan International. M. bỏ học sớm và đã có một đứa con. Trước khi tham gia tập huấn, cô đã phải rất vất vả để nuôi gà, tỷ lệ gà chết cao. Đó không chỉ là chuyện gà có sống hay không mà còn là chuyện cô ấy có kiếm được tiền để trang trải cuộc sống hay không.

Sau khi tham gia tập huấn, M. biết phải tiêm vắc-xin và chế biến thức ăn cho gà đúng cách. Nghe thì đơn giản nhưng đó không phải kiến thức phổ biến với với nhiều người dân quanh khu vực cô ở.

Hơn thế nữa, M. được sống trong mạng lưới với những người nông dân khác, nhân viên của Plan International và các cán bộ địa phương. Khi có vấn đề gì đó, cô ấy biết phải đặt câu hỏi ở đâu hoặc với ai. Đây cũng là lần đầu tiên gia đình M. có một nguồn thu nhập ổn định. Lần đầu tiên cô thấy tự tin rằng, cô thực sự có tiền dư để tiết kiệm.

Không chỉ dừng lại ở đó, những người như M. có thể trở thành tấm gương cho thế hệ tiếp theo. Họ có thể kiếm sống trên chính quê hương của mình.

Dự án có một điều khiến tôi hạnh phúc nữa: Khi có sinh kế rất nhiều người dân miền núi không phải di cư đến đô thị hay các khu công nghiệp để kiếm tiền nuôi gia đình.

PV: Thông thường, phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ phải đối mặt với những thách thức gì trong việc đào tạo kỹ năng, tiếp thu thông tin về sinh kế mới?

Haruna Ishimaru: Vì cản trở của địa hình mà phụ nữ ở các khu vực hẻo lánh nhận được rất ít thông tin để cải thiện sinh kế. Họ sống trong các xã rất xa, trong khi những sự kiện đào tạo lớn lại thường diễn ra ở trung tâm huyện. Dịch COVID-19 đã khiến mọi hoạt động đào tạo đều bị hạn chế, chưa kể đến, đôi khi nam giới được ưu tiên tham gia đào tạo hơn. Vì thế phụ nữ gần như không thể tiếp thu được kiến thức mới.

Tôi nghĩ điều khiến dự án của Plan International thành công là sự ham học hỏi của những người phụ nữ trẻ. Họ luôn luôn tìm kiếm cơ hội được học. Quả thực, nếu họ không nhiệt tình học hỏi đến vậy thì những kiến thức hay ý tưởng mới mà chúng tôi mang đến cũng không có ý nghĩa gì cả.

PV: Là một người ngoại quốc, bạn có gặp khó khăn gì khi làm việc với những người phụ nữ là dân tộc thiểu số không?

Haruna Ishimaru: Tôi không chắc đây là một thử thách. Trải nghiệm của những người phụ nữ này thực sự rất giống những gì mà phụ nữ Nhật Bản đã trải qua.

Khi đến Việt Nam làm việc, tôi biết một số bé gái phải nghỉ học vì gia đình phản đối: “Con gái thì không cần học".

Ở Nhật Bản, gia đình của tôi cũng nói như vậy khi tôi muốn vào đại học. Tôi nghĩ mình biết những người phụ nữ đó cảm thấy gì. Trải nghiệm tương đồng giúp chúng tôi kết nối với nhau. Tôi mong rằng họ có thể tin tưởng tôi hơn dù chúng tôi không cùng quốc tịch.

Tất nhiên, không được đi học là một chuyện đáng buồn nhưng mối liên hệ đó gần như là một điều may mắn.

Image captions

    PV: Thời gian làm việc tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến tính cách và sự nghiệp của bạn như thế nào?

    Haruna Ishimaru: Những thanh niên miền núi Việt Nam dạy cho tôi tầm quan trọng của sự quyết tâm và tinh thần lạc quan.

    Khi làm việc trong lĩnh việc phát triển, tôi tin rằng ai cũng sẽ cảm thấy ít nhiều bất lực, thậm chí là vô dụng. Có quá nhiều vấn đề dồn dập diễn ra mỗi ngày. Khi đặt chân tới Việt Nam, tôi cũng có cảm giác tương tự.

    Nhưng khi lên đến Lai Châu, Hà Giang, gặp những thanh niên mà mình sẽ hỗ trợ, tôi mới biết họ lạc quan như thế nào! Họ không bao giờ phủ nhận hay vờ như khó khăn không tồn tại, họ thực sự muốn giải quyết những vấn đề tồn đọng.

    Không chỉ cố gắng tự giải quyết, họ còn dựa vào bạn bè. Tôi nghĩ đó là một cách tuyệt vời để tạo mạng lưới và tác động.

    Với các cán bộ địa phương, tôi rất khâm phục sự kiên nhẫn của họ. Không một ngày nào anh, chị ấy không nhận được những tin nhắn như: Con lợn này bị bệnh, đống lạc kia sắp hỏng,…

    Với mỗi một câu hỏi nhận được, anh, chị luôn trả lời một cách đầy đủ. Sự hướng dẫn tuyệt vời này chính là cách động viên và thúc đẩy giới trẻ. Đó cũng là điều mà tôi thấy đang còn thiếu.

    Image captions

      PV:Trong hành trình của mình, Haruna muốn mang điều gì tới Việt Nam?

      Haruna Ishimaru: Tôi muốn phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền núi sẽ đạt được bình đẳng giới thông qua độc lập tài chính.

      Chỉ số Khoảng cách Giới tính của Việt Nam đã tăng 11 bậc vào năm ngoái. Đó là một điều rất ấn tượng nhưng thứ hạng cao không có nghĩa là vấn đề đã biến mất.

      Chỉ số bình đẳng giới được đo lường bằng nhiều tiêu chí khác nhau nhưng tôi chỉ muốn tập trung vào khía cạnh kinh tế. Có bao nhiêu phụ nữ đang thực sự tham gia vào nền kinh tế của Việt Nam?

      Tôi nghĩ định kiến giới vẫn tồn tại ở một số khu vực miền núi. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung vào nhóm phụ nữ trẻ, bởi họ sẽ là những người dẫn dắt cộng đồng. Họ cũng sẽ hiểu rõ những gì trẻ em gái đang và sẽ trải qua. Khi có nhận thức về bình đẳng giới, nhóm phụ nữ trẻ sẽ có đủ khả năng để tự đưa ra các sáng kiến vừa vặn với cộng đồng, địa phương của mình.

      “Con không nên làm lãnh đạo vì con là con gái”, “con không nên đi học vì con là con gái”. Trong những cuộc phỏng vấn của mình với nhân vật được hỗ trợ tôi đã nghe rất nhiều câu như thế. Đó không chỉ là lời nói, là những bình luận. Đó còn là những cơ hội bị lấy đi.

      Gia đình tôi cũng từng ngăn tôi đi học: “Con không nên học cao hơn. Vì như thế thì chẳng có chàng trai nào muốn cưới con cả”.

      Khi được nhìn phụ nữ miền núi được phát triển theo cách họ muốn, tôi đã xúc động. Đó là cũng chính là những gì tôi đã từng rất muốn cho bản thân mình.

      PV:Tôi sẽ lấy cho Haruna một chút giấy ăn để lau nước mắt nhé. Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này./.

      Theo nhandan.vn
      https://nhandan.vn/sinh-ke-co-the-thay-doi-so-phan-mot-nguoi-phu-nu-post799127.html
      Copy Link
      https://nhandan.vn/sinh-ke-co-the-thay-doi-so-phan-mot-nguoi-phu-nu-post799127.html

        Nổi bật

            Mới nhất
            Haruna Ishimaru: Sinh kế có thể thay đổi số phận một người phụ nữ
            • Mặc định
            POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO