Nguyên liệu chế biến món ăn truyền thống
Nguyên liệu chế biến món ăn truyền thống của người Ê đê chủ yếu được khai thác từ thiên nhiên và tự canh tác lấy. Các loại rau, củ, thực phẩm như cà đắng, lá tàu bay, lá bép, đọt mây, măng le, cá, ốc… được hái lượm, đánh bắt từ núi rừng, sông suối và một phần nguyên liệu là các loại hoa màu trồng trọt trên rẫy. Ngày nay, sự phát triển của kinh tế, xã hội và văn hóa, với nhiều nguyên nhân khác nhau, đồng bào có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có, mua ở chợ về chế biến. Tuy vậy, các món ăn vẫn bảo đảm được sự đa dạng, phong phú và đậm đà hương vị truyền thống.
Gia vị đặc trưng
Một trong những gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Ê đê là ớt. Từ món ăn sống, luộc chấm muối ớt, cho đến các món giã với ớt, nấu canh bỏ thêm ớt… Nếu thiếu vị cay nồng của ớt thì món ăn sẽ không còn đúng hương vị đặc trưng.
Mâm cơm truyền thống của người Ê đê |
Theo người Ê đê, ớt có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Khi nấu canh thì giã ớt xanh hoặc chín cũng được nhưng khi làm muối chấm, bắt buộc phải là ớt xanh và nướng lên rồi mới giã để được dậy nồng hơn. Ngoài ớt, nhiều gia vị có vị cay khác cũng thường được sử dụng như gừng, riềng, một số loại thảo dược khác. Một số món ăn phổ biến với vị cay, đậm đà đặc trưng như: đu đủ giã kiến vàng, lá mì xào hoặc nấu canh, canh cà đắng, thịt bò xào sả gừng, món vếch, canh bột lá yao, … Hầu hết các món ăn này được chuẩn bị và chế biến khá công phu từ nguyên liệu đến cách thức nấu nướng, trong đó phổ biến là món canh bột lá yao thường được nấu trong những ngày quan trọng, lễ, tết.
Canh bột lá yao
Canh bột lá yao được chế biến với nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp tạo nên như: lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm, hình dáng giống lá trầu không), bột gạo, thịt, xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, gạo, lõi chuối, củ nén, muối, ớt, bột ngọt.
Để món canh bột lá yao được ngon miệng, đậm đà, cách thức nấu được tiến hành theo một trình tự nhất định: thịt, xương được xào trước, sau đó cho đu đủ, lõi chuối, môn thục, cà đắng vào xào chung. Sau khi cho một ít nước vào nồi canh, đợi nước sôi và mọi thứ vừa chín tới, sẽ lọc từ hỗn hợp bột gạo ngâm giã nát chung với lá yao để chắt lấy nước đổ thêm vào nồi canh, sau đó nêm gia vị cho vừa miệng.
Mâm cơm truyền thống của người Ê đê |
Nguyên liệu quan trọng nhất của món canh bột lá yao là bột gạo và lá yao. Bột gạo tạo độ sệt cho món canh, lá yao thơm, có vị ngọt. Một điểm cần lưu ý khi nấu canh bột lá yao, người nấu phải khuấy đều tay và canh lửa để món canh không bị đặc quánh và có mùi khét. Canh bột lá yao thường được ăn kèm với cơm, cùng với các món truyền thống khác của người Ê đê như cà đắng giã muối ớt, đu đủ giã kiến vàng, lá mì xào, xôi nếp hấp…
Dế cơm rang muối
Dế cơm rang muối là một món ăn được nhiều người ưa thích. Những chú dế được bắt thủ công vào đầu vụ thu hoạch lúa sẽ được mang đi làm sạch, bỏ chân, sau đó đem rang lên đến khi có màu vàng và mùi thơm tỏa ra. Tiếp đến, người ta sẽ mang dế cùng với muối, hành lá, gừng, hẹ giã nhuyễn tạo thành một hỗn hợp đặc. Món ăn có thể dùng để chấm hoặc ăn kèm cơm nóng rất ngon. Hương vị mằn mặn, béo bùi rất đưa cơm.
Canh chua kiến vàng
Nguyên liệu đặc biệt nhất của món ăn chính là kiến vàng, kết hợp cùng tôm, cua, cá, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị… Kiến vàng chính là nguyên liệu giúp tạo vị chua đặc trưng cho món ăn. Cách nấu canh chua kiến vàng rất đơn giản, chỉ cần đặt lên bếp một nồi nước lớn rồi đun sôi và thả các loại nguyên liệu như cua, cá tôm, củ nén đập dập vào nấu trong vài phút; tiếp đến cho thêm hoa “djam tang” và kiến vàng đã làm sạch vào là hoàn tất. Hương vị chua thanh đặc biệt từ kiến vàng khiến cho món ăn trở nên rất đặc biệt và thường được sử dụng trong những ngày oi bức.
Lá mì xào
Loại lá mì mà người Ê đê sử dụng là loại lá mì còn đỏ và mỏng, thường được hái từ lúc sáng sớm. Lá mì có thể xào với chút gia vị hoặc kết hợp với hoa đu đủ đực, cá khô để tạo hương vị đa dạng, lạ miệng và hấp dẫn.