Chính trị

Hào khí Quảng Đức, khát vọng và động lực để Đắk Nông vươn mình

P.V 30/04/2025 12:22

Trong bản anh hùng ca đại thắng mùa Xuân năm 1975, vùng đất Quảng Đức đã có những đóng góp to lớn, thầm lặng mà hết sức vẻ vang. Sau 21 năm tái lập tỉnh, hào khí ấy vẫn tiếp tục được truyền lửa, chuyển hóa thành động lực cho hành trình Đắk Nông vươn mình.

Hào khí Quảng Đức trong mùa xuân đại thắng

Mặc dù chiến trường Quảng Đức có xuất phát điểm khó khăn – phong trào cách mạng còn yếu, lực lượng vũ trang ban đầu ít ỏi – nhưng với tinh thần kiên cường, bền bỉ, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã từng bước vươn lên, củng cố lực lượng, đẩy mạnh phong trào.

file.qdnd.vn-data-images-0-2021-05-19-phucthang-_image.png
Cứ điểm Đức Lập. Ảnh: qdnd.vn

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lâm Đồng, Liên Tỉnh ủy IV và các khu ủy 5, 6, 10, cùng với Mặt trận Tây Nguyên, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã phát huy tinh thần cách mạng, kiên cường bám đất, bám dân, vượt qua muôn vàn gian khổ, chấp nhận hi sinh, từng bước giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các địa phương trong tỉnh gồm các huyện Kiến Đức, Đức Lập, Khiêm Đức, Đức Xuyên và thị xã Gia Nghĩa – đồng loạt bước vào chiến dịch với khí thế sục sôi.

Trong tháng 3/1975, chiến dịch giải phóng Quảng Đức diễn ra quyết liệt. Ngày 8/3, pháo binh ta nã đạn mở màn tổng công kích Kiến Đức; ngày 9/3, bộ đội chủ lực phối hợp lực lượng vũ trang địa phương giải phóng quận lỵ. Trên mặt trận Đức Lập, sáng 9/3, Sư đoàn 10 nổ súng tấn công, đến cuối ngày làm chủ toàn bộ quận lỵ và các cứ điểm trọng yếu. 5 giờ sáng 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản địa bàn Gia Nghĩa. Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi.

Nhớ một thời kiêu hãnh, tự hào trong gian khổ
Nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Những chiến thắng trên mặt trận Quảng Đức đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến ấy, quân và dân Quảng Đức đã cống hiến với tất cả tinh thần và lực lượng: 672 liệt sĩ, 750 thương bệnh binh, hàng ngàn gia đình có công với cách mạng.

Đồng bào các dân tộc không kể tuổi tác, giới tính, tích cực gùi hàng, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Mặc dù thiếu thốn, đói cơm lạt muối, bà con vẫn chia sẻ từng bát gạo, con gà để nuôi giấu cán bộ, thương binh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hàng vạn ngày công, vô số phương tiện, lương thực, thực phẩm được huy động để bảo vệ, duy trì hai tuyến hành lang chiến lược huyết mạch phục vụ kháng chiến.

Chiến thắng Quảng Đức đã cắt đứt tuyến chi viện trọng yếu của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên qua quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, tạo đà để quân dân toàn miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Đồng thời, tuyến hành lang Bắc – Nam qua Quảng Đức trở thành "mạch máu" chiến lược, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hậu phương tại chỗ, kết nối chiến trường ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ.

file.qdnd.vn-data-images-0-2021-05-19-phucthang-_tuyen-quang.jpg
Phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu quân sự kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thắng lợi ấy là minh chứng sống động cho khối đại đoàn kết: giữa các dân tộc trong tỉnh, giữa quân và dân, giữa cán bộ và đồng bào. Trong suốt quá trình ấy, Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức và các cấp ủy không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; vừa lãnh đạo chiến đấu, vừa xây dựng tổ chức đảng, chính quyền cách mạng, các đoàn thể quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng đi đến thắng lợi.

Ngày 30/4/1975 – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc – là thành quả vĩ đại được kết tinh từ muôn triệu đóng góp trên khắp chiến trường miền Nam, trong đó có vai trò và công lao to lớn của quân dân Quảng Đức.

21 năm vươn mình từ gian khó

Sau ngày giải phóng, tháng 11/1975, tỉnh Quảng Đức được sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk, trở thành các huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2004, tỉnh Đắk Nông chính thức được tái lập – mang dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra giai đoạn mới để vùng đất chiến khu xưa bừng dậy trong hành trình kiến thiết và phát triển.

Đắk Nông: Hình thành, phát triển và hội nhập
Năm 2004, tỉnh Đắk Nông chính thức được tái lập, mang dấu mốc lịch sử quan trọng

Hành trang của Đắk Nông ngày đầu tái lập là cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, quy mô nền kinh tế nhỏ, thu ngân sách nhà nước đạt thấp.

Nhưng vượt qua tất cả, bằng ý chí, bản lĩnh và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã từng bước đưa quê hương vươn mình mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển, đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển, với những dấu ấn nổi bật: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô tổng sản phẩm năm 2024 gấp 12 lần, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với năm 2004.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; bình quân thu ngân sách đều đạt chỉ tiêu Trung ương giao, đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 81 triệu đồng. Toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn.

Trong hành trình ấy, nội lực được đánh thức từ sức dân, từ tinh thần vượt khó, cần cù, đoàn kết và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đắk Nông đã tập trung khai thác lợi thế nông – lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản để tạo nền tảng phát triển. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) luôn nằm trong nhóm khá của vùng Tây Nguyên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2025 theo giá so sánh 2010 ước đạt hơn 5.481 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cánh đồng Buôn Choáh, huyện Krông Nô vào mùa gặt
Đắk Nông đã tập trung khai thác lợi thế nông – lâm nghiệp

Bộ mặt đô thị từ Gia Nghĩa đến các trung tâm huyện từng bước thay da đổi thịt, nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư đồng bộ. Hệ thống điện – đường – trường – trạm được mở rộng đến tận thôn, buôn, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Đặc biệt, ngành công nghiệp khai khoáng – năng lượng và công nghiệp chế biến nông sản trở thành những trụ cột quan trọng, góp phần tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Đắk Nông cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước khai thác và chế biến bô xít, đưa ngành công nghiệp nhôm trở thành lợi thế chiến lược của địa phương.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động góp phần
Ngành công nghiệp khai khoáng – năng lượng và công nghiệp chế biến nông sản trở thành những trụ cột quan trọng

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt chú trọng đến an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục – y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống trường học, bệnh viện được đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, các chương trình tiêm chủng, khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức.

Những chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Từ một địa phương nghèo, thiếu thốn đủ bề, đến nay, đời sống người dân Đắk Nông đã có những chuyển biến rõ nét.

Đắk Nông từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong khu vực và cả nước. Việc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận là di sản địa chất thế giới đã góp phần nâng tầm thương hiệu địa phương trên bản đồ quốc tế.

Đi lên từ gian khó, Đắk Nông luôn xác định phát huy nội lực là giải pháp trọng tâm, chiến lược lâu dài. Trong đó, lấy con người là trung tâm, lấy tài nguyên là nền tảng, lấy đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy. Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

21 năm là quãng thời gian chưa dài nhưng đủ để khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh. Trong từng giai đoạn phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ đều được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn.

DAK NONG

Hướng đến trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia

Sau hơn hai thập niên tái lập, tỉnh Đắk Nông đã và đang vươn mình mạnh mẽ từ một vùng đất còn nhiều khó khăn trở thành địa phương có vai trò chiến lược trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là công nghiệp nhôm.
Theo khảo sát, tài nguyên lớn nhất ở Đắk Nông là khoáng sản bô xít với trữ lượng chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước, giúp Đắk Nông trở thành tỉnh có mỏ quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á và chất lượng quặng cũng được đánh giá là thuộc loại tốt trên thế giới, quặng bô xít đều nằm ở độ cao trên mực nước ngầm, nước mặt và lộ thiên nên rất thuận lợi cho việc khai thác. Đây là nguồn tài nguyên chiến lược, là “mỏ vàng đỏ” quý giá đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp luyện kim nhôm của đất nước

Tiềm năng và lợi thế này đang từng bước được chuyển hóa thành động lực phát triển bền vững, đưa Đắk Nông hướng đến mục tiêu vào năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia; năm 2050 là trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia.

Trong những năm qua, Đắk Nông đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị liên quan triển khai Dự án tổ hợp bô xít – nhôm Nhân Cơ. Dự án này không chỉ đem lại giá trị kinh tế lớn mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chuỗi chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên tại chỗ.

1f5861258.jpg
Sản phẩm alumin, nguyên liệu liệu chính để sản xuất nhôm được sản xuất tại Nhà máy alumin Nhân Cơ

Xác định rõ lợi thế so sánh, tỉnh Đắk Nông đã đưa ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít – nhôm vào định hướng phát triển trung và dài hạn. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông xác định hình thành chuỗi công nghiệp luyện nhôm gắn với trung tâm công nghiệp tại huyện Đắk R’lấp và khu vực Nhân Cơ – nơi đang hội tụ các dự án trọng điểm.

Tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương triển khai dự án nhà máy luyện nhôm tại Nhân Cơ. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ là mảnh ghép quan trọng tiếp nối khâu chế biến sâu alumin thành nhôm – sản phẩm có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối như tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, logistics… nhằm hỗ trợ cho vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm.

Các dự án về ngành công nghiệp nhôm đã, đang và sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển đô thị công nghiệp và các ngành dịch vụ phụ trợ.

Hướng đến trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, Đắk Nông không chỉ đặt mục tiêu sản xuất, chế biến mà còn kỳ vọng trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành nhôm – một trong những ngành vật liệu then chốt phục vụ cho phát triển công nghiệp, hàng không, xây dựng và năng lượng tái tạo.

Với sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm tầm quốc gia là hoàn toàn khả thi. Hào khí chiến thắng mùa xuân năm xưa sẽ tiếp tục được hun đúc trong hành trình phát triển hôm nay – hành trình của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên mạnh mẽ từ nội lực của quê hương Tây Nguyên giàu tiềm năng.

50 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975, từ vùng đất đạn bom năm xưa, Đắk Nông hôm nay đã “thay da đổi thịt”, trở thành điểm đến của niềm tin và khát vọng. Hào khí 30/4 như dòng chảy hun đúc tinh thần yêu nước, khơi dậy nội lực vươn lên của một tỉnh trẻ. Và hành trình vươn mình ấy vẫn đang tiếp tục, với khát vọng đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia, là vùng kinh tế năng động, đáng sống ở Tây Nguyên và cả nước.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hào khí Quảng Đức, khát vọng và động lực để Đắk Nông vươn mình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO