Năm 2010, ông Nguyễn Chính Luận rời quê hương Hà Tĩnh đến lập nghiệp tại thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong). Với nhiệt huyết, khát vọng, lão nông 64 tuổi này đã chọn con đường làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp.
Thành quả lao động sản xuất của ông không chỉ đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Năm 2020, ông Luận vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tuổi cao nhưng luôn năng động
Mười năm trước, ngay khi đặt chân đến định cư ở quê hương mới, ông Luận cùng gia đình đều nhận thấy tiềm năng của miền đất đỏ bazan để làm giàu. Ông Luận chia sẻ: “Đắk Ha đất đai màu mỡ, nhưng đa số bà con trồng điều và ít chăm sóc, nên năng suất không cao. Tôi nghĩ bụng, mình phải chuyển đổi cây trồng. Hồi đó, hồ tiêu được ví là “vàng đen” và được nhiều người khuyên trồng, nhưng tôi chọn hướng đi khác là trồng cây ăn trái".
Ngay khi lập nghiệp trên vùng đất mới, ông Luận đã trồng 8 ha bơ, với các giống chất lượng cao như bơ booth, bơ sáp, 034. Trong quá trình kiến thiết, ông áp dụng kỹ thuật trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Niềm vui khi thành quả lao động ngày càng rõ nét. Trái bơ của gia đình ông Luận vừa đẹp, vừa ngon, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, nên bán được giá cao. Năm 2020, dù giá bơ trên thị trường xuống thấp (dưới 10.000 đồng/kg), nhưng sản phẩm bơ của ông Luận vẫn được các công ty ở thành phố Hồ Chí Minh thu mua với mức 35.000 đồng/kg.
Năm 2020, ông Luận vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi. |
Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Luận vẫn luôn năng động trong làm nông nghiệp. Ông chọn trồng những loại cây mới và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Ông Luận chia sẻ: “Qua thông tin đại chúng, tôi được biết Bộ Nông nghiệp - PTNT thí điểm trồng cây đàn hương, một giống cây du nhập từ Ấn Độ, được đánh giá tương lai có giá trị kinh tế cao. Năm 2015, tôi trồng xen 4.000 cây đàn hương trong vườn bơ, mít".
Đàn hương sử dụng cả quả, rễ, lá, lõi làm dược liệu và chế biến trà. Cây trồng từ năm thứ 3 trở lên cho trên 1 kg hạt/năm, bán với giá 400.000 đồng/kg. Lá đàn hương dùng chế biến trà chất lượng cao, hiện có giá 2,5 triệu đồng/kg.
Năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của địa phương và các ngành, ông áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt có hệ thống điểu khiển bán tự động cho toàn bộ vườn cây ăn trái và đàn hương. Hình thức này vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng và góp phần giảm đáng kể chi phí đầu tư, công lao động.
Mô hình sản xuất của ông Luận hiện nay là một trong những mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tính riêng năm 2020, trừ chi phí, thu nhập của gia đình ông Luận từ mô hình sản xuất trên 2 tỷ đồng và được xem là mô hình siêu lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp.
Tấm lòng rộng rãi
Ông Luận và các thành viên trong gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thôn 8, xã Đắk Ha có hơn 800 hộ dân, trong đó đa số đời sống còn nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn để phát triển sản xuất của bà con nơi đây là giao thông còn hạn chế.
Trước tình hình đó, từ năm 2016 đến nay, ông đã vận động các hộ dân đóng góp trên 640 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nối liền khu dân cư với khu sản xuất trên địa bàn. Riêng gia đình ông Luận đóng góp cả trăm triệu đồng để sửa chữa, mở rộng hơn 1,2 km đường vào khu sản xuất.
Ông Luận còn tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Với tinh thần “lá lành, đùm lá rách”, mỗi năm ông hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, cây giống, với tổng trị giá trên 120 triệu đồng/năm cho 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế.
Nhiều năm qua, gia đình ông đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã công nhận ông đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, hàng năm, ông Nguyễn Chính Luận thôn 8, xã Ðắk Ha (Ðắk Glong), còn tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Trong 5 năm qua, ông chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn hơn 50 hộ dân trong xã áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào trồng bơ. Nhiều gia đình sau khi được ông hỗ trợ đã trồng cây ăn trái, góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên phát triển kinh tế khá. |
Ông cho biết, với 40 năm làm nông nghiệp, trong đó hơn 12 năm lập nghiệp ở Đắk Ha, ông luôn nỗ lực hết sức và chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt. Năm 2020, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ông Luận chia sẻ, nông dân ngày nay có nhiều cơ hội làm giàu từ nông nghiệp. Trong thời đại 4.0, mỗi nông dân cần trang bị cho mình những kiến thức không chỉ về trồng trọt mà còn mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ mới vào vườn rẫy để giảm công sức lao động, bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì cơ hội làm giàu sẽ đến.
Thời gian tới, ông tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân. Ông mong muốn thu hút các hộ dân cùng trồng cây ăn trái, dược liệu theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt để hình thành hợp tác xã cùng nhau phát triển kinh tế.
Với những việc làm tốt đẹp, ông Luận đã và đang đại diện cho thế hệ nông dân trong thời đại mới, vừa siêng năng, cần cù, lại có kiến thức, kinh nghiệm, góp sức xây dựng nông nghiệp, nông thôn và quê hương ngày càng giàu đẹp.