Hành trình đến với mã vùng trồng của Công ty Nghiệp Xuân
Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Công ty Nghiệp Xuân), có trụ sở tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa là một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu nông sản của Đắk Nông. Công ty đã có một hành trình dài gầy dựng các vùng trồng trên cả nước.
Một chiều cuối tháng 11, tháng của mùa khô Tây Nguyên, trời nắng nhẹ xuyên kẽ lá, kèm cái lạnh se se, chúng tôi gặp anh Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty Nghiệp Xuân.
Như đã hẹn, anh chờ chúng tôi sẵn trong phòng khách với ấm trà mới pha. Vừa cùng nhau nhâm nhi những ly trà, chúng tôi nghe anh kể về hành trình gầy dựng công ty của mình.
Anh Tôn nói, quá trình phát triển công ty song song với phát triển vùng nguyên liệu. Đó là những năm 2016, 2017. Lúc đó, công ty đã xuất bán các sản phẩm nông sản như sầu riêng, xoài sang nước bạn Trung Quốc. Anh nhiều lần qua nước bạn tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Một lần khi đang lang thang tại một chợ đầu mối nông sản của nước bạn, anh gặp một số bạn hàng người Trung Quốc. Qua thời gian ngắn trao đổi, anh biết họ có nhu cầu lớn về nhiều loại nông sản Việt, trong đó có sầu riêng tươi. Anh và bạn hàng đã có sự kết nối giao thương từ mối duyên tình cờ này.
Trở về Đắk Nông, anh đã quyết định đầu tư mạnh vào thu mua, chế biến sầu riêng và một số nông sản khác như chanh dây, xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đại gia đình anh vốn có kinh nghiệm trồng cà phê. Nhưng từ sự vận động của anh Tôn, gia đình chuyển hướng đầu tư, chuyển hơn chục ha đất trồng cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng theo hình thức chuyên canh.
Rất may gia đình tin tưởng, ủng hộ việc trồng sầu riêng chuyên canh, nên công ty có cơ hội khi xây dựng vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. “Một trong những yêu cầu của nước bạn là vùng trồng phải từ 10 ha chuyên canh trở lên, nên mình khá thuận lợi trong đáp ứng các tiêu chuẩn về cấp mã”, anh Tôn thông tin.
Ban đầu, đơn hàng của công ty khối lượng còn ít, nhưng dần dần từ sự uy tín, bạn hàng ngày càng tin tưởng, đặt hàng với khối lượng lớn hơn. Để đáp ứng được đơn hàng, anh đã phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng tại nhiều nơi trong cả nước như: Tiền Giang, An Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Công ty tích cực phối hợp với những người sản xuất để có nguồn hàng ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn nước bạn.
Anh Tôn nhấn mạnh: “Vùng trồng giống như sân sau của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn đủ hàng, bảo đảm chất lượng thì phải xây dựng được mối liên kết bền chặt với vùng trồng".
Anh Tôn phân tích thêm, mối liên kết ở đây không phải là hình thức, đao to búa lớn mà bằng thực tiễn. Đó là khi nhà vườn thực hành tốt các yêu cầu về sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, các tiêu chuẩn khác được quốc tế công nhận như GlobalGAP, Oganic.
Còn doanh nghiệp thì trên cơ sở thị trường có sự chia sẻ lợi ích trở lại với nhà nông để bảo đảm thu mua được nguồn hàng đạt yêu cầu. Việc đạt yêu cầu này không phải chỉ một năm mà nhiều năm.
Anh Tôn cho biết, năm 2020, 2021, hoạt động xây dựng vùng trồng được công ty thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn. Đây cũng là khoảng thời gian mà Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu nông sản. Họ đặt ra các tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch vào nội địa trong bối cảnh tăng cường phòng, chống Covid-19.
Vấn đề về kiểm dịch thực vật được Trung Quốc chú trọng nhiều hơn. Trong đó, để xuất khẩu được chính ngạch yêu cầu bắt buộc là doanh nghiệp Việt Nam phải có mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.
Cũng năm 2021, công ty bắt đầu làm các thủ tục, hồ sơ để được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp mã vùng trồng. Đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ ngành chức năng của tỉnh.
Đến cuối năm 2022, doanh nghiệp được cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng tươi, khoai lang vào Trung Quốc.
Anh Tôn cho rằng, thực tế việc xây dựng mã vùng trồng, bảo đảm các điều kiện về chất lượng sản phẩm đã được công ty thực hiện từ nhiều năm trước. Nhưng qua việc làm hồ sơ, thủ tục, vượt qua các bước kiểm tra online của nước bạn đã chứng minh cho những nỗ lực của anh và toàn công ty, những hộ dân liên kết.
Qua các vòng kiểm tra, hồ sơ, anh rút ra được một số kinh nghiệm. “Được cấp mã vùng trồng thì việc tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến tốt của mình trở nên chỉn chu, bài bản hơn”, anh Tôn khẳng định.
Anh phân tích tiếp, ví dụ trước đây, vấn đề về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được doanh nghiệp coi trọng. Cụ thể như anh chỉ sử dụng các sản phẩm trong danh mục quy định của Bộ NN- PTNT; bón phân đúng thời điểm, liều lượng, thời gian cách ly đến khi thu hoạch.
Việc sử dụng phân bón tại vùng trồng chủ yếu là hữu cơ, sinh học. Nhà vườn phòng, chống bệnh cho cây trồng bằng các biện pháp tổng hợp trong canh tác như tạo hệ sinh thái vườn cân đối, cắt tỉa cành, tạo tán.
Khi đã được cấp mã, một số hoạt động được doanh nghiệp coi trọng hơn như đối với nhật ký canh tác, nhật ký sản xuất, thu hoạch, việc vệ sinh, đóng gói. Trong đó, đối với nhật ký canh tác thì yêu cầu phải tuân thủ một cách tuyệt đối, người làm phải ghi lại toàn bộ sự tác động nào trên vườn cây. Nhật ký canh tác là cơ sở để đối tác có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bằng kinh nghiệm của mình, anh Tôn nhận định: Có thể nói yêu cầu cao nhất của nước bạn khi nhập nông sản tươi của Việt Nam là không làm lây nhiễm sinh vật gây hại, dịch bệnh. Đây là điều mà doanh nghiệp đặc biệt chú ý để bảo đảm uy tín của mình cũng như xây dựng thương hiệu nông sản Việt khi xuất khẩu.
Anh Tôn vui mừng cho biết, hiện vùng trồng sầu riêng của anh đã được cấp mã có diện tích 30,5 ha tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Công ty hiện đang làm hồ sơ để tiếp tục đề nghị cấp thêm một số mã vùng trồng tại địa phương.
Năm 2023, Công ty Nghiệp Xuân đã xuất khẩu trên 800 tấn trái sầu riêng tươi, 800 tấn chanh dây cấp đông, 260 tấn xoài cấp đông. Thị trường chủ yếu của công ty là Trung Quốc.
Chúng tôi tạm biệt nhau khi mặt trời đã gần xuống núi, cái lạnh tăng thêm. Anh Tôn khoe với chúng tôi rằng, công ty vừa sắm một chiếc máy bay phun xịt thuốc, phân bón tự động cho vùng trồng sầu riêng.
Anh Tôn nhắn nhủ: Xây dựng vùng trồng không khó, vấn đề là phải thực hiện những quy tắc một cách tự nguyện và nghiêm túc. Làm được như thế sẽ không có chuyện nông sản bị trả lại vì một rào cản kỹ thuật nào đó. Thậm chí, doanh nghiệp, nhà vườn còn có thể thương thảo, đưa ra giá bán cạnh tranh khi xuất khẩu.
Nội dung: Hồng Thoan (bài viết có sử dụng một số ảnh tư liệu)
Trình bày: TD-NH