Hành trình đến với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông

M.Hằng - H.Hoài| 22/11/2022 08:54

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu là một danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận với những bộ tiêu chí khắt khe về cảnh quan môi trường, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch…

ADQuảng cáo

Mảnh đất giàu tiềm năng

Với diện tích đề cử hơn 4.700 km2, CVĐC Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, sinh học, xã hội và hội tụ những tiêu chí của một CVĐC toàn cầu.

Điểm nổi bật nhất trong CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đ’ray Sáp - Chư Bluk phát hiện từ năm 2007, được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Đáng chú ý, trong các hang động núi lửa ở khu vực huyện Krông Nô, nhà khoa học phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000-7.000 năm.

Bên cạnh đó, CVĐC Đắk Nông còn đa dạng và phong phú các mỏ quặng, điểm khoáng sản bô xít, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn… Khu vực này còn có bề dày lịch sử với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, Ót N’drong, hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh… Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Rừng đặc dụng - cảnh quan Đ’ray Sáp và một phần phía Nam Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC Đắk Nông.

Với những tiềm năng sẵn có, CVĐC Đắk Nông có thể khai thác một số sản phẩm du lịch văn hóa bao gồm các sản phẩm gắn với di sản văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng; du lịch sinh thái bao gồm mạo hiểm, nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp; du lịch địa chất gắn với hệ thống hang động núi lửa…

Đăng cai Hội nghị ISV20 tại Đắk Nông là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hiệu quả hình ảnh đến bạn bè quốc tế

Tiến tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Năm 2014, từ những công bố phát hiện về hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô của các nhà khoa học Nhật Bản, tỉnh Đắk Nông quyết tâm xây dựng CVĐC Đắk Nông theo mô hình và định hướng phát triển tham gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Sau khi có cơ sở khoa học và nhận thấy tiềm năng phát triển thành CVĐC toàn cầu, tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định thành lập CVĐC Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, ranh giới gồm 6 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.

Mục tiêu là giáo dục cộng đồng, bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương thông qua hoạt động du lịch của CVĐC. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cùng chung tay xây dựng CVĐC Đắk Nông trở thành CVĐC toàn cầu. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các nhà khoa học tiến hành thực hiện các đề tài: “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”; Điều tra, khảo sát bổ sung làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ CVĐC Đắk Nông để đăng ký gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Tháng 7/2018, các chuyên gia thẩm định sơ bộ đánh giá tiềm năng đã xác định CVĐC Đắk Nông có tiềm năng trở thành CVĐC, với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”.

CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC với 44 điểm di sản

ADQuảng cáo

Tháng 11/2018, tỉnh Đắk Nông chính thức đệ trình hồ sơ xin đăng ký gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Sau quá trình thẩm định, tháng 9/2019, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO họp tại Indonesia, thống nhất đề cử hồ sơ CVĐC Đắk Nông lên tổ chức UNESCO xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu vào Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 tại Pháp vào tháng 4/2020.

Chủ động hội nhập quốc tế

Từ khi được công nhận danh hiệu đến nay, Đắk Nông cơ bản hình thành hệ thống cơ sở vật chất phát triển du lịch tại các điểm, tuyến được hình thành trong CVĐC bao gồm các điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển bảng chỉ dẫn đến các điểm di sản, điểm tham quan của CVĐC.

CVĐC toàn cầu Đắk Nông tham gia đầy đủ các sự kiện thường niên do Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và CVĐC quốc gia tổ chức.

Năm 2021, Đắk Nông mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20).

Đây là một sự kiện đối ngoại quan trọng, không chỉ giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế, mà còn thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế luôn được tỉnh Đắk Nông chú trọng

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới CVĐCTC khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 7 (APGN7) diễn ra tại Satun (Thái Lan) vào cuối tháng 9/2020, Đắk Nông đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương. Cũng tại hội nghị APGN7, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với CVĐC toàn cầu UNESCO Maros Pangkep (Indonesia).

Bên cạnh đó, đại diện CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông chủ động tiếp xúc với Chủ tịch các Mạng lưới quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia) và đại diện Ban Quản lý các CVĐC toàn cầu có hang động núi lửa để mời tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị ISV20.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hành trình chinh phục danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO là chặng đường hết sức khó khăn và nan giải. Bởi các tiêu chí mà UNESCO đưa ra hết sức chặt chẽ và Đắk Nông phải tự mình thực hiện. Việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu là một hướng đi đúng đắn để Đắk Nông có thể khai thác lợi thế của di sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững. Do đó, việc chủ động hội nhập quốc tế, nhất là đăng cai Hội nghị ISV20 tại Đắk Nông là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hiệu quả hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về hang động núi lửa, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản có giá trị quốc tế của địa phương”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình đến với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO