Hành trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Từ khi thành lập tỉnh đến nay, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, ngành Y tế Đắk Nông không ngừng nỗ lực, vượt khó, vươn lên, ghi dấu ấn trên hành trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Mạng lưới y tế cơ sở là nền móng của ngành Y tế, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng và chữa bệnh, cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Vì vậy, thời gian qua, Đắk Nông luôn quan tâm đầu tư củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đưa chất lượng dịch vụ y tế đến gần người dân hơn. Toàn tỉnh hiện có 71 trạm y tế xã; trong đó đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 46 trạm. Các hoạt động nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở có những bước tiến đáng kể.
Đồng thời, việc triển khai công tác khám chữa bệnh theo hướng y học gia đình tại tuyến y tế cơ sở từng bước được triển khai. Từ đó, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình còn phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở.
Cùng với duy trì hoạt động hiệu quả các trạm y tế xã, ngành Y tế đang tiếp tục rà soát, đánh giá đầu tư phù hợp theo hướng nâng cấp, mở rộng cơ sở, bổ sung trang thiết bị cho trung tâm y tế các huyện, thành phố để thực hiện đúng chức năng theo quy định.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ kiên cố, đầu tư đầy đủ về hạ tầng, thiết bị cho trạm y tế xã/phường/thị trấn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Tỉnh dự kiến xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa khoảng 32 trạm y tế xã và trang thiết bị tại trạm.
Đẩy mạnh xã hội hóa y tế
Trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nhưng nhu cầu xây dựng hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, mở rộng dịch vụ y tế ngày càng cao, nên việc tìm nguồn tài chính để phát triển hệ thống y tế là điều hết sức cần thiết.
Thời gian qua, ngành Y tế và các địa phương đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư theo phương thức xã hội hóa.
Đến nay, ngành Y tế triển khai 19 đề án liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế, với tổng trị giá gần 33 tỷ đồng, tại 6/8 đơn vị triển khai thực hiện như: hệ thống Ctscaner 64 lát cắt, máy xét nghiệm huyết học laser, ghế nha khoa, ghế đo điện não, máy Xquang cầm tay, máy đo mật độ xương, máy Xquang tại giường, máy chạy thận nhân tạo, hệ thống chuyển đổi kỹ thuật số…
Thông qua đó, góp phần xây dựng, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, giúp đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từng bước làm chủ các kỹ thuật khó trong y học hiện đại.
Với việc hệ thống y tế được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, hằng năm các chỉ tiêu y tế đạt kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh đạt 8,6 bác sĩ/vạn dân; 18,8 giường bệnh/vạn dân; 95,7% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 95,4%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng lên 92,87%; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân.
Thực hiện tốt chương trình hợp tác y tế
Ngành Y tế đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực y tế. Trọng tâm, là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế; lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, nắm bắt các kỹ thuật mới, chuyên sâu.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai, tận dụng hiệu quả Chương trình hợp tác phát triển y tế giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh với 4 nội dung chính: đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, xã hội hóa về công tác y tế. Qua chương trình hợp tác, các đơn vị y tế của tỉnh được các bệnh viện có uy tín tại TP. Hồ Chí Minh gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng II, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận II, Bệnh viện Củ Chi... luân phiên về hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động, từ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, đến nhận chuyển giao kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị y tế...
Ngành Y tế tỉnh đã thực hiện việc kết nối với các bệnh viện lớn trong nước, với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành để hội chẩn, chẩn đoán từ xa qua các hệ thống công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí, hạn chế chuyển tuyến trên.
Xây dựng thương hiệu
Để phát triển chất lượng dịch vụ y tế, củng cố niềm tin, sự hài lòng của người dân, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 160 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Qua đó, các cơ sở y tế đã xây dựng thương hiệu theo phương châm “Chất lượng, an toàn và sự hài lòng của người bệnh”, với việc áp dụng nhiều biện pháp cải tiến để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ.
Các cơ sở y tế còn tích cực áp dụng bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống bệnh viện, với những tiến bộ hết sức rõ rệt. Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn. Chất lượng nguồn lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ y tế từng bước được nâng lên.
Các bệnh viện tăng cường thực hiện cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, xây dựng đơn vị xanh-sạch-đẹp, gắn với đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, tích cực triển khai khảo sát hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế.
Kết quả cải tiến chất lượng bệnh viện từ năm 2020-2022: có 6/8 bệnh viện đạt loại khá trở lên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, TTYT huyện Cư Jút, TTYT huyện Đắk Mil, TTYT huyện Krông Nô, TTYT huyện Đắk Song, TTYT huyện Đắk R'lấp); 2 bệnh viện đạt loại trung bình khá (TTYT huyện Tuy Đức, TTYT huyện Đắk Glong).
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Y tế đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh từ rất sớm và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt của người dân, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.