Dòng chảy thông tin

Hành trình 46 năm Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc

P.V 20/09/2023 05:05

Hành trình 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc có thể khẳng định là một hành trình đáng tự hào, có “cho đi”, có “nhận lại”.

nam-tham-gia-lhqvietn.png

Chương mới trong quan hệ với thế giới

46 năm trước, Việt Nam vừa chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Khi ấy, Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, giành được rất nhiều tình cảm của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam lúc đó đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi vừa bước ra khỏi chiến tranh, cùng với nền kinh tế, kỹ thuật lạc hậu. Về mặt đối ngoại, nước ta đang còn bị bao vây, cấm vận của nhiều nước.

Bởi vậy, việc Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1977 là sự kiện công nhận một Việt Nam mới, hòa bình, thống nhất, độc lập và tham gia vào các cơ chế quốc tế. Đó cũng là kết quả của cả quá trình hình thành và phát triển phong trào rộng rãi các nước ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.

1keoco-2063x3000.jpg
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ. Trong ảnh: lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ

Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của LHQ và của thế giới.

Ngay sau khi nghị quyết chấp thuận Việt Nam trở thành thành viên của LHQ, tổ chức này đã ra nghị quyết kêu gọi, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo. Đây là bước khởi đầu lớn, tạo cơ sở được công nhận bởi LHQ trong việc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam.

Trong những năm Việt Nam còn bị cấm vận, từ 1977 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, LHQ là tổ chức giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất, từ việc khắc phục hậu quả chiến tranh đến xóa đói giảm nghèo, phát triển và nhiều sự trợ giúp khác.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, LHQ là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.

Nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam

Quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ trong 46 năm qua đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong các nhiệm kỳ Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, như sáng kiến Ngày Quốc tế Phòng, Chống Dịch bệnh 27/12; thành lập Nhóm Bạn bè Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột; thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

gghb.jpg
Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ

Việt Nam cũng tích cực tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ; đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.

Được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của LHQ. Việt Nam giữ vai trò Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 77 đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đảm nhiệm trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

20-09-2020-viet-nam-thanh-vien-tin-cay-chu-dong-trach-nhiem-cua-lien-hop-quoc-.jpg
Việt Nam - thành viên tin cậy chủ động trách nhiệm của LHQ

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan LHQ như thành viên Hội đồng Khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, một số cơ chế của LHQ như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan Quyền lực Đáy Đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027...

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ vào ngày 20/9/1977. Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới. Trong chặng đường 46 năm hợp tác với LHQ, Việt Nam từ một nước cần sự hỗ trợ để tái thiết, đến nay đã trở thành đối tác ngày càng tích cực, chủ động, đóng góp thực chất vào các hoạt động của LHQ.

Việt Nam luôn đồng hành cùng LHQ

Những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10/2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định Việt Nam là sứ giả của hòa bình và là quốc gia luôn phấn đấu vì tình đoàn kết. Đồng thời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong đấu tranh vì độc lập và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong tái thiết, phát triển bao trùm, mà còn trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu.

Nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, từ ngày 17 đến 26/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ tại Hoa Kỳ.

Qua tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng LHQ và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của LHQ trong xử lý các thách thức toàn cầu.

lhq.png

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hành trình 46 năm Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO