Một người trẻ đang mong muốn khởi nghiệp rất cần được người lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ khi đặt những bước đầu tiên trên con đường khởi nghiệp của mình. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Gần đây nhất, Tỉnh đoàn đã tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, thu hút hơn 200 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đến từ các cơ sở đoàn trong tỉnh tham gia. Với hình thức trực tuyến, các bạn trẻ được truyền đạt những kiến thức về khởi nghiệp và kinh doanh như: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời kỳ 4.0; khởi nghiệp gắn với hệ sinh thái địa phương; khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch gắn với công nghệ số…
Khi xác định ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, thanh niên cần phải dựa vào các yếu tố như: sản phẩm hay dịch vụ mà khách hàng cần; kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; những nguồn lực về vốn, con người, tài sản, công nghệ có thể đầu tư... Từ ý tưởng có được, người khởi nghiệp phân tích thuận lợi, khó khăn để xây dựng kế hoạch, cách thức thực hiện, quản lý, phát triển mô hình kinh tế của bản thân cho phù hợp.
Với những kiến thức được trau dồi, tiếp cận qua các lớp tập huấn, diễn đàn khởi nghiệp, các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên được trang bị những hiểu biết nhất định để áp dụng cho chính hành trình khởi nghiệp của bản thân hay lan tỏa, tư vấn cho các bạn trẻ địa phương có nhu cầu khởi nghiệp.
Đoàn xã Quảng Tân (Tuy Đức) xây dựng chương trình “Mỗi chi đoàn - một mô hình phát triển kinh tế” tạo cầu nối cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp |
Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn, tổ chức đoàn, hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp, làm tốt vai trò cầu nối giúp thanh niên tiếp cận với nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp; chăm lo, hỗ trợ những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thiết thực của thanh niên.
Qua kiến thức học được, nhiều mô hình, cách làm hay trong khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các tổ chức đoàn, hội, các bạn trẻ ở các địa phương triển khai áp dụng trong thực tế.
Đơn cử, Đoàn xã Quảng Tân (Tuy Đức) xây dựng chương trình “Mỗi chi đoàn - một mô hình phát triển kinh tế”. Chương trình không những xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hỗ trợ thanh niên vay các nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, có điều kiện vươn lên thoát nghèo mà còn tạo cầu nối để các bạn trẻ học tập, hỗ trợ nhau cùng phát triển…
Anh Hoàng Văn Thành, Bí thư Chi đoàn thôn 12, xã Nam Dong (Cư Jút) đã triển khai thành công mô hình trồng nhãn Hương Chi trên diện tích gần 2.000 m2, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Thành cho biết: “Tham gia các buổi tập huấn, diễn đàn khởi nghiệp, tôi bắt đầu hình thành ý tưởng khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Qua tìm hiểu, tôi thấy cây nhãn Hương Chi có thể thích nghi với thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương nên đã đầu tư trồng để làm hướng phát triển kinh tế gia đình”.
Bên cạnh định hướng khởi nghiệp, hàng năm, các cơ sở đoàn trong tỉnh chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên để tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, kinh nghiệm, xây dựng các mô hình kinh tế. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, các hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Đắk Nông đã diễn ra sôi nổi, với nhiều dự án khởi nghiệp được hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao.