Văn nghệ

Hạnh phúc bởi sẻ chia và vì nhau

Hoàng Bích Hà 08/03/2024 06:02

Cả đời ta làm lụng vất vả, cùng sẻ chia công việc để lo cho gia đình và nuôi dạy con cái khôn lớn. Thời gian vút qua, ngoảnh lại tuổi đã xế chiều, nhìn qua, nhìn lại, giờ chỉ còn hai vợ chồng già trong ngôi nhà sớm tối bên nhau.

ADQuảng cáo

Cặp vợ chồng già đã trải qua muôn vàn sóng gió của cuộc đời. Cho đến tận bây giờ họ vẫn quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ cùng nhau mọi việc như thời còn son trẻ, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà nói với mọi người: “Tôi yêu ông nhà tôi lắm”. Bà thuộc hết từng sở thích của chồng, như thích chụp ảnh, viết văn, đánh đàn và làm từ thiện. Một trong hai người, ai có vấn đề về sức khỏe là người kia lại lo lắng hết lòng, chăm sóc cho nhau. Nhìn hai ông bà chăm sóc lẫn nhau, ta mới hiểu hết câu nói: “Răng long đầu bạc một lòng vì nhau”. Vậy nhưng đôi lúc bà cảm thấy khó chịu, bực bội, hay cằn nhằn chê trách ông đủ điều.

Bà tâm sự với hàng xóm thì nhận được lời khuyên: “Nhà chỉ còn hai người già, sáng đi ra cũng gặp nhau, chiều đi vào cũng gặp nhau, có ai ngoài khác đâu mà bà hờn với dỗi. Con cái, nó lo cho gia đình của nó, bây giờ bà có giận, có chửi, có buồn chán ông ấy, ông ấy cũng không bỏ bà, chẳng bao giờ rời xa bà đâu. Bà có phiền, có trách ông ấy cỡ nào, ông ấy cũng nhường nhịn bà hết. Chẳng may bà nằm xuống, con cái cũng chẳng có đứa nào lo cho bà được bằng ông ấy đâu. Vợ chồng già có nhau, hy sinh cho nhau, vui buồn sẻ chia cho nhau”.

ADQuảng cáo

Nghe hàng xóm góp ý như vậy, từ đó bà không cằn nhằn ông nữa. Nhà ông bà có mảnh vườn nhỏ, ông dành để trồng hoa hồng, ông chăm sóc vườn hoa rất cẩn thận, những bông hoa hồng đẹp nhất, ông hái để cho bà cắm vào bình hoa, vì ông biết sở thích của bà là cắm hoa. Họ đã chia ngọt sẻ ngọt bùi cùng nhau, vượt qua bao gian khó và luôn dành sự trân trọng cho nhau nên trong cuộc sống, ông bà luôn cảm thấy hạnh phúc.

Trong mắt mọi người ông bà là cặp vợ chồng già hạnh phúc, sống thân thiện và gần gũi với mọi người. Bà bệnh nặng, ông đưa bà từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhiều lần tưởng bà đã không qua khỏi. Gần một tháng trời trong cơn hôn mê, khi tỉnh lại, câu đầu tiên của bà bao giờ cũng là: “Ông có mệt không, đã ăn gì chưa? Ông cố lên nhé, ông đã quá vất vả vì tôi rồi”. Hễ ông đi ra ngoài hơi lâu một chút, bà đã hỏi: “Ba các con đâu, ông ấy đi đâu rồi?”. Người con hỏi: “Mẹ nhớ ba lắm phải không?”, bà gật đầu.

Tình cảm của hai ông bà thật xúc động, đúng là “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, sống với nhau gần trọn cuộc đời, không ai hiểu ta bằng người bạn đời của mình. Câu mà ông thường nói với các con: “Chỉ cần mẹ các con chóng bình phục, còn vất vả đến mấy ba cũng chịu được”. Mùa xuân năm đó ông qua đời, tất cả con cái về tụ họp bên mẹ và nói: “Chúng con biết mẹ rất thích cắm hoa hồng, vậy chúng con sẽ thay ba chăm sóc vườn hoa hồng cho mẹ để mẹ có hoa mà cắm”. Bà nói: “Các con ạ! Thật ra mẹ không thích cắm hoa hồng đâu, nhưng vì ba các con thích trồng hoa nên mẹ mới giả vờ thích cắm hoa để ba con vui”. Các con của bà ngỡ ngàng vì trước khi mất, ông đã nói với các con rằng: “Ba không hề thích trồng hoa hồng chút nào, ba làm điều đó để cho mẹ các con vui vì mẹ các con thích cắm hoa”.

Đó là cuộc tình của người già, họ đã cộng vào nhau cái ân, cái nghĩa, cái tình, cái thương. Người ta có thể không nhớ đã cưới và ở với nhau bao nhiêu năm nhưng họ lại luôn nhớ người bạn đời của mình thích gì, nghĩ gì, muốn gì, mong gì. Họ đã vì nhau, sẵn sàng chấp nhận làm điều mình không thích chỉ muốn làm cho người bạn đời của mình vui lòng mà thôi. Họ đã cùng nhau sẻ chia, cùng nhau xây dựng tổ ấm, để rồi cuối cùng trong cuộc đời này, tốt nhất vẫn là người bạn đời của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc bởi sẻ chia và vì nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO