Sản phẩm thân thiện với môi trường
Cơ sở sản xuất Agri Xanh Xanh ở thị trấn Đức An (Đắk Song) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng của Cơ sở sản xuất Agri Xanh Xanh, thị trấn Đức An (Đắk Song) |
Đi vào hoạt động từ đầu năm 2020, đến nay, mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 15.000 ống hút. Nguyên liệu làm ống hút là loại cỏ bàng mọc tự nhiên ở tỉnh Long An và được cơ sở nhập về. Sau đó, công nhân tại xưởng sẽ cắt khúc rồi ngâm, rửa nước muối và ngâm nano bạc để khử trùng. Bước tiếp theo, nguyên liệu này sẽ được đưa vào sấy nóng ở nhiệt độ 40 độ C và chuyển qua sấy lạnh trong khoảng 12 giờ đồng hồ và cuối cùng là thực hiện khâu đóng gói.
Bà Nguyễn Thị Tú Trinh, quản lý cơ sở cho biết: “Sản phẩm hiện đang được tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn trong cả nước. Ở Đắk Nông, do sản phẩm mới nên hiện cơ sở đang triển khai cho nhân viên thị trường đi chào hàng tại các quán cà phê, nhà hàng. Trước tiên, cơ sở sẽ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ ở TP. Gia Nghĩa. Đơn vị cũng sẽ liên kết hỗ trợ cho người dân trồng cỏ bàng để tạo vùng nguyên liệu, nhất là ở những vùng sình, lầy không thể canh tác các cây trồng khác”.
Các ống hút bỏ đi, không còn dùng được, đơn vị sẽ tái chế thành các bao bì giấy để dùng thay túi ni lông sử dụng 1 lần. Qua thời gian sử dụng, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng hoan nghênh và có nhiều phản hồi tích cực. Bởi sản phẩm ống hút này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn không gây độc hại tới sức khỏe con người.
“Hiện tại, sản phẩm quá mới nên khâu thị trường đang gặp những khó khăn. Vì vậy, cơ sở sẽ đóng thành 1 hộp 100 cái, với giá bán vào khoảng 60.000 đồng để dễ tiếp cận các đối tượng khách hàng hơn", bà Trinh chia sẻ.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thương mại Shachi Tây Nguyên, ở xã Thuận An (Đắk Mil), hiện cũng không chỉ chú trọng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn từng bước thay đổi bao bì cho sản phẩm từ hộp nhựa, túi ni lông sang hộp thủy tinh và túi giấy. Bà Bùi Thị Kiều Xuân, đại diện công ty cho biết: “Hiện nay, ở khâu đóng gói sản phẩm, toàn bộ hộp nhựa đã được đơn vị chuyển qua hộp thủy tinh và hộp giấy. Bước thay đổi này đã giúp công ty bảo đảm hơn trong khâu vận chuyển hàng. Chất lượng hàng hóa cũng được bảo quản lâu hơn và thời gian sử dụng sản phẩm cũng được tốt hơn. Đặc biệt, khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm trông bắt mắt, thân thiện với môi trường và sang trọng hơn. Nhiều khách hàng cũng đã phản hồi lại là có thể tái sử dụng những hộp thủy tinh cho những sản phẩm khác, rất tiện lợi”.
Bao bì sản phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại Shachi Tây Nguyên ở xã Thuận An (Đắk Mil) được sử dụng bằng thủy tinh và giấy |
Loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Hưởng ứng Chương trình chống rác thải nhựa của Chính phủ, thời gian qua, Co.opMart Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp kinh doanh thân thiện với môi trường. Theo đó, đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa như: Tặng túi sử dụng được nhiều lần, giảm giá các mặt hàng thân thiện với môi trường…
Hiện tại, tất cả các bao bì sử dụng trong siêu thị đều là bao bì sinh học và tự hủy. Ngay từ tháng 3/2019, Siêu thị đã đưa vào triển khai dịch vụ gói thực phẩm bằng lá chuối sạch cho các sản phẩm rau xanh. Quầy sản phẩm sử dụng một lần như ly nhựa, ống hút nhựa đã được Co.opMart tiến hành thay thế bằng ly giấy, ống hút gạo, bã mía.
Toàn bộ túi sử dụng trong Siêu thị Co.opMart Đắk Nông là bao bì sinh học và tự hủy |
Ông Trần Giang Nhật Thảo, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đắk Nông chia sẻ: “Để góp phần cho mục tiêu chung thì Co.op Mart đã và đang rất tích cực đồng hành, nhưng ban đầu cũng gặp không ít khó khăn. Một phần nguyên nhân là do thói quen tiêu dùng của người dân và phần nữa là do những bao bì đó rất dễ bị rách, phân hủy khi đi ra ngoài nên chưa thu hút nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, Co.opMart cũng đã nắm bắt được hạn chế đó và nhanh chóng nâng cao về chất lượng, giúp sản phẩm túi không còn dễ bị hư hỏng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm tốt hơn cho khách hàng”.
Theo Sở Công thương, chất thải nhựa đã và tiếp tục là vấn đề môi trường "nóng", có tính toàn cầu. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành Công thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; trong khi các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả.
Đồ uống tại các quán cà phê của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song) được sử dụng bằng ly thủy tinh, ống hút giấy |
Để tránh các tác hại của chất thải nhựa, ngành Công thương đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng. Tuy nhiên, chất thải nhựa vẫn đang là thách thức rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ký cam kết, tuyên bố hành động chống rác thải nhựa.
Trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, đơn vị sẽ chú trọng lồng ghép các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Qua đó nhằm tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy truyền thống.