Hành chính Đắk Nông chào đón, phục vụ nhà đầu tư
Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Đắk Nông chú trọng, với mục tiêu tạo nên nền hành chính thông thoáng để chào đón nhà đầu tư.
Nhiều sáng kiến, cách làm hay
Xã Cư K’nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có rất đông đồng bào dân tộc Mông không thông thạo tiếng phổ thông. Vì vậy, chính quyền xã đã dùng song ngữ Việt - Mông để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.
Anh Ma Văn Tu, thôn 7, xã Cư K’nia, đến UBND xã Cư K'nia đăng ký giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp. Trước khi nộp hồ sơ, anh Tu được công chức tư pháp - hộ tịch hướng dẫn quét mã QR tra cứu thông tin cần thiết như: thành phần hồ sơ, quy trình tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận và giải quyết TTHC, thời gian giải quyết TTHC…
Theo anh Tu, thông tin cần thiết trong TTHC được UBND xã tích hợp, niêm yết công khai, rõ ràng, minh bạch. Tại UBND xã còn có sóng wifi, nên điện thoại của anh truy cập dễ dàng. Đặc biệt, văn bản lại được dịch ra tiếng Mông, nên anh tiếp cận rất thuận lợi.
Tương tự, ông Sùng A Lồng, xã Cư K'nia năm nay đã ngoài 60 tuổi, mặc dù không biết tiếng phổ thông, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã, nên ông gặp nhiều thuận tiện trong giải quyết TTHC.
Theo ông Lồng, việc UBND xã Cư K'nia dịch các văn bản TTHC ra tiếng Mông khiến người lớn tuổi như ông rất hài lòng. Thái độ phục vụ của cán bộ xã cũng rất nhiệt tình với người dân.
Thời gian qua, UBND xã Cư K’nia đã có sáng kiến sử dụng song ngữ Việt - Mông để phục vụ người dân trong giải quyết TTHC. Xã đã tích hợp qua mã QR hàng chục TTHC thuộc nhiều lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; tư pháp; đất đai...
UBND xã Cư K’nia là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện tích hợp TTHC bằng song ngữ Việt - Mông qua mã QR phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân. Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia cho biết: "Sau gần một năm triển khai, người dân rất hài lòng với cách làm này".
Năm 2023, mô hình sáng kiến CCHC “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” của tỉnh Đắk Nông để lại nhiều dấu ấn. Theo đó, từ ngày 1/3/2023, một số địa phương ở Đắk Nông đã thực hiện sáng kiến CCHC “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” vào thứ Tư hàng tuần đối với một số TTHC.
Cấp huyện gồm các TTHC: đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Riêng cấp xã chỉ thí điểm 1 TTHC là cấp xác nhận tình trạng hôn nhân.
Sau 6 tháng thực hiện sáng kiến CCHC “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tổ chức tại các địa phương.
Số lượng hồ sơ TTHC của người dân, tổ chức thực hiện giao dịch tăng lên theo hàng tuần, hàng tháng góp phần tích cực trong công việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và sự hài lòng của người dân và tổ chức.
Ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cho biết, người dân tại địa bàn rất hài lòng về “Ngày không hẹn” và “Ngày không viết”.
Còn theo chị H’Lanh, bon Phi Mur, xã Quảng Khê cho biết, chị đến UBND xã xin cấp chứng nhận tình trạng hôn nhân và được hỗ trợ hướng dẫn mọi trình tự thủ tục liên quan. Nhờ đó, việc làm thủ tục được giải quyết rất nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu.
Từ hiệu quả của mô hình, ngày 8/9/2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai nhân rộng sáng kiến “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn”. Từ ngày 15/10/2023, sáng kiến này được triển khai tại bộ phận một cửa tất cả UBND các huyện, thành phố và áp dụng với 3 TTHC nêu trên.
Bên cạnh đó, năm 2023 nhiều sở, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông đã triển khai những mô hình, sáng kiến CCHC để phục vụ người dân. Trong số đó đáng chú ý như: Công an tỉnh có mô hình “Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; Kho bạc Nhà nước triển khai mô hình “4 xin”, “4 luôn” trong giải quyết TTHC…
Năm 2023, cùng với việc triển khai các mô hình sáng kiến, Đắk Nông đã cắt giảm được 35 thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực. Những nỗ lực này đã giúp người dân, tổ chức thuận tiện, tiết kiệm được nhiều tiền bạc, thời gian đi lại. Người dân ngày càng hài lòng về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Mục tiêu nâng cao thứ hạng
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, tỉnh luôn xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Những năm qua, Đắk Nông đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp CCHC, cải thiện Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS. Trong đó, tỉnh nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Công tác thanh tra, kiểm tra CCHC được tỉnh thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị. Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị khắc phục những điểm “nghẽn” và có những giải pháp “khơi thông”, tạo sự bứt phá trong công tác CCHC…
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh, quá trình phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp từng bước có kết quả tích cực.
Đến nay, tổng thời gian giải quyết các thủ tục trên địa bàn tỉnh đã giảm trên 30% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ở Đắk Nông tiếp tục giảm từ 22 ngày xuống còn 20 ngày.
Cũng theo ông Ninh, Đắk Nông đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 77 thủ tục hành chính. Một số cách làm hay được các đơn vị triển khai như: Cà phê doanh nhân; Tổ công tác giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đánh giá, trong công tác CCHC, người đứng đầu phải là đầu tàu, từ chủ trương đến thực tế. Người đứng đầu không chỉ là các đồng chí lãnh đạo trong thường trực cấp tỉnh mà từ các đồng chí làm trưởng thôn, bon; các đồng chí bí thư, chủ tịch các phường, xã...
Trong những năm qua, Đắk Nông đã cải thiện rất nhiều về CCHC. Nguyên nhân là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ chú trọng việc bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt; nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Qua đó, giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 Chỉ số cải cách hành chính đạt thứ hạng từ 40 trở lên; Chỉ số SIPAS đạt từ 90% trở lên; Chỉ số PCI nằm trong nhóm trung bình; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong nhóm trung bình cao.