Hàng trăm vụ vi phạm hành lang công trình thủy lợi

Ngàn Sâu| 25/10/2022 08:40

Hàng trăm vụ vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi (CTTL) xảy ra trong nhiều năm qua. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như năng lực hoạt động của các CTTL. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này vẫn đang rất khó khăn.

ADQuảng cáo

Loạn đào đắp, lấn chiếm hồ thủy lợi

CTTL hồ tổ 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn. Công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đắk Nông quản lý.

Tại công trình, Công ty đã cắm biển cảnh báo cấm xâm phạm gồm các thông tin cụ thể về hành lang, phạm vi, ranh giới... Thời gian qua, Công ty cũng triển khai nhiều biện pháp để quản lý công trình, nhưng tình trạng đào đắp, lấn chiếm hành lang, lòng hồ vẫn xảy ra.

Cụ thể, tại khu vực phía Bắc bờ hồ công trình (giáp ranh địa phận xã Đắk Nia), người dân đã san ủi, đào đắp, trồng cây cảnh để tạo view trên một diện tích khá lớn.

Một vài điểm khác của khu vực ven lòng hồ, người dân còn san bạt để xây dựng nhà cửa, công trình, sản xuất. Những trường hợp xâm phạm đều phớt lờ các quy định về bảo vệ công trình.

Người dân san ủi ven Công trình thủy lợi hồ tổ 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) để tạo view

CTTL Đắk M’hang, thôn Tân Lập, xã Nâm Nung (Krông Nô), cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha cây hoa màu, cây công nghiệp trên địa bàn.

Thế nhưng, những năm qua, trên tuyến hành lang bảo vệ an toàn của công trình, có rất nhiều hộ dân đã ngang nhiên đào múc, san lấp đất trái phép. Ở khu vực lòng hồ, nhiều người còn san ủi, tạo mặt bằng để xây dựng nhà ở, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm.

Lợi dụng đất rẫy tiếp giáp với bờ hồ, nhiều người đã vận chuyển đất từ nơi khác đến đắp thành bờ bao quanh khu vực ven lòng hồ, với tổng diện tích lên đến hàng ngàn m2.

Còn tại CTTL Đắk Mâm, xã Nam Đà (Krông Nô), tình trạng nhiều hộ dân xây dựng nhà ở, vật kiến trúc, trồng cây nông nghiệp tại khu vực ven lòng hồ cũng xảy ra lâu nay, với diện tích khá lớn...

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đắk Nông hiện quản lý, khai thác tổng cộng 252 CTTL. Theo lãnh đạo Công ty, thời gian qua, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trong phạm vi bảo vệ các CTTL được thực hiện thường xuyên.

Thế nhưng, trên thực tế, việc vi phạm hành lanh bảo vệ CTTL vẫn xảy ra rất nhiều. Hầu hết công trình nào cũng xảy ra vi phạm với các mức độ khác nhau.

Tính đến nay, Công ty đã thống kê được 645 vụ vi phạm hành lang bảo vệ CTTL. Trong đó, Công ty đã lập 421 biên bản vi phạm, gửi 117 văn bản đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp xử lý, ngăn chặn.

Người dân san ủi trong phạm vi bảo vệ một CTTL ở Đắk Mil để tạo đường đi

Nhiều vướng mắc trong xử lý, ngăn chặn

Ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đắk Nông cho biết, đa số các CTTL hiện không có hoặc không đầy đủ hồ sơ quản lý.

Phần lớn các công trình chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Đến nay, chỉ có 6 công trình được UBND tỉnh có quyết định giao đất gắn với kết cấu hạ tầng thủy lợi, phần còn lại đều không có hồ sơ về đất.

Các CTTL trước đây do các huyện, thành phố quản lý, nhưng để xảy ra rất nhiều vụ vi phạm an toàn bảo vệ công trình. Do đó, khi Công ty tiếp nhận quản lý, việc xử lý các vi phạm này đều gặp rất nhiều khó khăn do hồ sơ pháp lý không bảo đảm...

Về giải pháp, ông Nguyễn Thừa Anh cho biết, Công ty đã lồng ghép các dự án sửa chữa CTTL để thực hiện đo đạc, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Công ty đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, nguồn vốn thực hiện đo đạc, cắm mốc đối với 232/252 công trình.

Thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố và đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công ty cũng kiến nghị các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, củng cố hồ sơ quản lý, xây dựng, đất đai đối với các CTTL. Từ đó, phục vụ tốt hơn việc quản lý, vận hành các CTTL trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm vụ vi phạm hành lang công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO