Nghị sỹ Cho Kyoung-tae làm Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Xúc tiến Sáp nhập thành phố Gimpo vào thủ đô Seoul. (Nguồn: Yonhap)
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 2/11, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã ra mắt Ủy ban Đặc biệt Xúc tiến Sáp nhập thành phố Gimpo (tỉnh Gyeonggi) vào thủ đô Seoul.
Động thái này nằm trong kế hoạch của PPP về thúc đẩy thành lập "Siêu Đô thị Seoul" với mục tiêu sáp nhập thành phố Gimpo và một số khu vực thuộc tỉnh Gyeonggi vào thủ đô Seoul.
Ủy ban này do nghị sỹ 5 khóa Cho Kyoung-tae làm Chủ tịch.
Ủy ban trên dự kiến sẽ tiến hành thảo luận sâu rộng về ý tưởng "Siêu đô thị Seoul," không chỉ sáp nhập Gimpo mà còn cả các đô thị lân cận khác vào thủ đô.
Theo đảng PPP, phương án sáp nhập này vừa giúp thủ đô Seoul tìm được động lực tăng trưởng mới, vừa giúp các đô thị lân cận có thể phát triển về cơ sở hạ tầng.
Đảng PPP dự kiến sẽ tiến hành đề xuất dự luật đặc biệt về vấn đề này lên quốc hội, rút ngắn hơn về mặt quy trình so với việc để chính phủ đứng ra lập dự luật.
Theo kế hoạch trên, Thị trưởng thủ đô Seoul Oh Se-hoon dự kiến gặp Thị trưởng Gimpo Kim Byeong-soo vào ngày 6/11 tới để thảo luận về đề xuất sáp nhập Seoul.
Một số người trong giới chính trị dự đoán rằng Gimpo, cũng như các thành phố lân cận khác bao gồm Guri, Gwangmyeong, Hanam, Gwacheon, Seongnam và Goyang, có thể được đưa vào danh sách sáp nhập để biến Seoul trở thành một siêu đô thị.
Trả lời báo giới liên quan đến kế hoạch sáp nhập thành phố Gimpo vào Seoul tại buổi thuyết trình về kế hoạch ngân sách năm tới được tổ chức tại Tòa thị chính, Thị trưởng Oh Se-hoon đã đề cập đến hiện tượng "chùm đô thị" (conurbation) và "cách tiếp cận thận trọng" ở mức độ cơ bản.
Thị trưởng Oh cho biết khi nền kinh tế phát triển và các chức năng đô thị trở nên phức tạp hơn, hiện tượng chùm đô thị là một sự thay đổi tự nhiên.
Việc kết hợp chùm đô thị thông qua cải cách hệ thống hành chính là rất quan trọng.
Chùm đô thị là một tập hợp các đô thị cạnh nhau, tác động lẫn nhau trong quá trình đô thị hóa và trở nên gần nhau không chỉ ở khoảng cách địa lý mà còn vì sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị này với nhau.
Thủ đô Seoul hiện bao gồm 25 quận và 426 tiểu khu hành chính, là thành phố lớn với dân số gần 10 triệu người.
Thời điểm mở rộng năm 1963, Seoul đã sáp nhập thêm 84 xã thuộc 5 huyện thị lân cận, theo đó diện tích Seoul đã tăng lên khoảng 2,3 lần so với trước. Đó cũng chính là thời điểm khu vực Gangnam ngày nay trở thành một phần của Seoul.
Sau đó, Seoul cũng đã có một vài lần mở rộng nhưng với quy mô nhỏ vào năm 1973 và 1995, với một số khu vực của tỉnh Gyeonggi được sáp nhập vào Seoul.
Dư luận Hàn Quốc đang hết sức quan tâm đến vấn đề này. Nếu thành phố Gimpo được sáp nhập vào Seoul, đây sẽ là sự thay đổi địa giới hành chính lớn đầu tiên của Seoul sau khoảng 60 năm. Đây không phải là lần đầu tiên có các phương án sáp nhập một số vùng của tỉnh Gyeonggi vào Seoul.
Ở cấp thành phố, cũng có nhiều phương án về việc sáp nhập các thành phố Gwangmyeong, Gwacheon và Guri vào Seoul, song kế hoạch mở rộng địa giới hành chính của Seoul chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại.
Hiện tại, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính tại Hàn Quốc đang chỉ trích việc đảng cầm quyền xúc tiến mở rộng Seoul, cho rằng việc sáp nhập thành phố Gimpo vào Seoul là nhằm lấy lòng cử tri trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội được ấn định vào tháng 4/2024.
Đảng PPP đang quyết tâm đẩy nhanh các thủ tục tiếp theo như đề xuất luật đặc biệt cho việc sáp nhập thành phố Gimpo vào Seoul trong tuần này.
Đảng này lựa chọn phương án sử dụng luật đặc biệt nhằm rút ngắn quy trình thủ tục, tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc thông qua một đạo luật đặc biệt sẽ không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay khi đảng DP đang chiếm đã số ghế trong Quốc hội./.