Nông nghiệp - Nông thôn

Hạn hán - Giải pháp và hành động

P.V 31/03/2024 15:21

Biến đổi khí hậu cực đoan ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và cần có những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn để thích ứng, nhất là vấn đề chống hạn hán.

bia-mt(2).jpg

Biến đổi khí hậu cực đoan ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và cần có những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn để thích ứng, nhất là vấn đề chống hạn hán.

vinh.jpg

Theo TS. Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), hạn hán tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp. Muốn chống hạn hiệu quả, trước hết cần kiến tạo, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn.

Nhiều năm nay, hiện tượng El Nino (hiện tượng thời tiết bất thường) xuất hiện, gây hạn hán kéo dài, làm giảm từ 20 – 25% lượng mưa gây thiếu nước trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên.

mua.jpg
Lượng mưa ở Đắk Nông ngày càng sụt giảm

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm giảm dòng chảy các dòng sông, gây thiếu nước tưới cho cây trồng. Nhất là cây cà phê. Lượng mưa giảm dẫn đến tình trạng mất rừng, do cháy rừng thường xuyên, làm cho độ che phủ bị giảm đi.

BĐKH làm mất dần tính phù hợp của cây trồng, vật nuôi trên các vùng sinh thái nông nghiệp. BĐKH còn làm ảnh hưởng trực tiếp thiếu nước của hệ thống thuỷ lợi.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN – PTNT), hàng năm, Tây Nguyên thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước. Đến năm 2030, khu vực này thiếu khoảng 5,5 tỷ m3 nước…

Để giảm nhẹ mức độ tác động của BĐKH, thiên tai, các địa phương cần tiến hành đồng bộ các giải pháp ứng phó, phòng tránh là chủ yếu.

Theo đó, về giải pháp lâu dài, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông cần quản lý, bảo vệ tốt nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thủy lợi là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

ca-phe-nguoi-dan-dak-mil.jpg
Diện tích cà phê của người dân Đắk Mil (Đắk Nông) bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới

Do đó, cần bảo vệ tốt ưu lượng nước ngay từ đầu nguồn, thượng nguồn của các con sông lớn, đồng thời xây dựng kế hoạch cung cấp nguồn nước cân đối cho các vùng sản xuất. Đắk Nông cần đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ rừng và trồng rừng ở khu vực đầu nguồn để giữ lại lượng nước trong mùa mưa.

Cùng với đó, đẩy mạnh hệ thống nông lâm kết hợp, đặc biệt khuyến khích người dân trồng cây che bóng, cây chắn gió trong vườn cà phê để giữ độ ẩm đất, chống xói mòn và giữ được lượng nước tưới trong mùa khô.

bap.jpg
Người dân Krông Nô (Đắk Nông) sản xuất bắp trên đất lúa để giảm thiểu rủi ro thiếu nước mùa khô hạn

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống cây trồng thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, đối với cà phê, WASI đã nghiên cứu, chọn tạo được 2 giống cà phê vối chín muộn TR14, TR15.

Các giống cà phê chín muộn này không những có năng suất, chất lượng tốt mà còn giảm được một đợt nước tưới trong mùa khô, giảm áp lực công hái và phơi sấy thuận tiện.

au-rieng.jpg
Sầu riêng là loại cây cần duy trì độ ẩm. Do đó, tưới nước phun mưa là một giải pháp hiệu quả để cây sầu riêng phát triển bền vững

Ngoài ra, cần mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh ở một số vùng có điều kiện để góp phần cho sự ổn định, bền vững nông nghiệp Đắk Nông.

Về giải pháp trước mắt, tiết kiệm nguồn nước hiện có như ao, hồ, đập tưới cho cây trồng trong trường hợp nắng gắt kéo dài. Cùng với đó là sử dụng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm cho cây trồng.

Bên cạnh tưới nước tiết kiệm thông qua hệ thống hoặc tưới dí, nếu có điều kiện thì làm bể chứa ni lông để chứa nước, phòng lúc khô kiệt để duy trì sự sống cho cây trồng.

tuan-anh.jpg

Ngành NN-PTNT Đắk Nông rà soát lại quy hoạch trong quy hoạch chung của tỉnh để có những giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng rừng.

Ngành NN-PTNT đang rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch chung của tỉnh, cân đối lại các yếu tố nhằm đạt hiệu quả nhất trong từng khu vực, địa phương gắn với các công trình thủy lợi.

Trên cơ sở quy hoạch đó, ngành đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng nhằm nâng cao tính an toàn, nâng thu nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cùng với chủ trương về nâng cấp, đầu tư công trình thủy lợi thì các đơn vị trực thuộc Sở NN- PTNT chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước.

anh-sa.jpg
Anh Trần Trường Sa, ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để chống hạn cho cây trồng

Về phía người dân, để góp phần chống hạn lâu dài, bà con cũng nên chủ động có các phương án về tăng nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt như đào các ao, hồ nhỏ để tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Để bảo vệ được nguồn nước ngầm, nước mặt, hạn chế khô hạn, cũng cần quyết tâm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ rừng hiệu quả; trồng rừng, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp nhiều hơn.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, 20 năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp ghi nhận có những sự chuyển mình tích cực. Đắk Nông thực hiện tốt quy định của Chính phủ về “đóng cửa rừng tự nhiên”.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo về quản lý, bảo vệ rừng, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng nỗ lực giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

rung-thay-the.jpg
Diện tích rừng thay thế khu vực lòng hồ Thủy điện Đắk R’tíh (Đắk Nông) hiện đang phát triển ổn định

Những năm gần đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại giảm rõ rệt, chủ yếu phá rừng với quy mô nhỏ lẻ, hầu hết các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Công tác phát triển rừng đã được chú trọng, nhìn chung hàng năm đạt và vượt kế hoạch được HĐND và UBND tỉnh giao. Trong giai đoạn 2020 đến nay, toàn tỉnh trồng mới rừng đạt khảng 6,8 ngàn héc ta.

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 39,07% và phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 40%; định hướng đến năm 2030 đạt trên 42%. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng bình quân khoảng 100 tỷ đồng/năm, về cơ bản đáp ứng kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

xoai-1.jpg
Chuyển đổi diện tích cây trồng ở các vùng nguy cơ thiếu nước sẽ là giải pháp hạn chế thiệt hại khi hạn hán xảy ra. Ảnh: Một vùng sản xuất xoài quy mô lớn ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông

Trong thời gian tới, Ngành NN-PTNT tập trung đẩy mạnh khai thác những giá trị khác của rừng như cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; dược liệu dưới tán rừng, tín chỉ carbon.

Từ đó, góp phần để những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng có thể sống được với nghề, kiến tạo và khai thác được những giá trị của rừng một cách bền vững.

anh.jpg

Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của biến đồi khí hậu, trên địa bàn huyện Krông Nô đã xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài. Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, huyện Krông Nô đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp.

Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt. Ngành chuyên môn, các địa phương kiện toàn các tổ thủy nông nội đồng để điều tiết nước hợp lý; tổ chức, huy động người dân sửa chữa, nạo vét kênh mương để tránh thất thoát nước.

anh-8-dap-dang-36566d7b4e05c8b8464acd09730cbf1a.jpg
Một đập dâng tại hạ lưu suối Đắk Sôr, huyện Krông Nô (Đắk Nông) khô kiệt, lòng suối trơ ra toàn đá

Huyện chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các công trình hồ, đập, sông, suối… để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt, trong đó ưu tiên cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Ngành Nông nghiệp huyện nỗ lực tổ chức hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, khuyến khích sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: tưới phun mưa, nhỏ giọt, sử dụng các phụ phẩm để tủ gốc…

Trên cơ sở nhận định nguồn nước, vụ đông xuân 2023-2024, toàn huyện xuống giống khoảng 4.285ha cây trồng các loại. Các phòng chuyên môn, địa phương chủ động tuyên truyền người dân chuẩn bị đáp ứng nhu cầu nước tưới cho khoảng 22.000ha cây cà phê, hồ tiêu.

z5263459053893_471ee5e04edbfc1050be1cdee4a839cb(1).jpg
Suối Đắk Sôr đoạn qua xã Nam Xuân và Đắk Sôr, huyện Krông Nô là hạ lưu của hồ thủy lợi Đắk Sắk, cách hồ chứa này khoảng 15 - 20km. Nhiều ngày dài trong tháng 3/2024, hàng km suối đã hoàn toàn khô kiệt. Huyện Krông Nô dự báo có khoảng hơn 4.000ha cây trồng các loại có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới

UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã xây dựng lịch thời vụ, phối hợp với Công ty thủy điện Buôn Kuốp, Công ty Khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch điều tiết nước hợp lý để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm này, cây trồng các loại đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển, nên nhu cầu nước rất cao. Hiện tại, qua theo dõi, tình hình hạn hán đã xảy ra cục bộ trên địa bàn xã Nam Xuân và Đắk Sôr,

UBND huyện Krông Nô đã làm việc với UBND huyện Đắk Mil nhằm điều tiết nước tưới từ Đắk Mil về tưới cho diện tích cây trồng 3 xã Long Sơn, Nam xuân và Đắk Sôr. Hiện nước đã về đến suối Đắk Sôr, giúp cho người dân chống hạn.

Đối với các xã dọc sông Krông Nô, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp điều tiết nước tưới cho các trạm bơm dọc sông Krông Nô, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới của người dân.

dji_fly_20240325_105948_887_1711339483536_photo_optimized-1-(1)-98019eca05ca72f39d42a8d743e304af.jpg
Nhiều hồ, đập thủy lợi ở Đắk Nông đã trơ đáy

Trong thời gian tới, nếu tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra, không có mưa, hạn hán có thể xảy ra ở các xã phía tây của huyện như: Nam Xuân, Đắk Sôr, Nâm Nung và một phần thị trấn Đắk Mâm...

11.jpg

Đắk Mil có 34.207ha cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu tưới. Trong đó, có 21.200ha cà phê, còn lại là hồ tiêu, cây ăn quả và cây trồng khác.

Trên địa bàn huyện đã có 10 công trình thủy lợi cạn kiệt nước, khiến cho 1.670 cây trồng chịu ảnh hưởng bởi thiếu nước.

Ngoài giải pháp trung chuyển nước, huyện vận động người dân chủ động dựa vào tình hình thực tế của khu vực sản xuất tận dụng các nguồn nước để chống hạn; đồng thời sử dụng các hình thức tưới phù hợp để cứu cây trồng.

ay-che-bong-mat.jpg
Trồng cây che bóng cho cà phê một trong những giải pháp giúp giảm tác động của khô hạn ở Đắk Mil (Đắk Nông)

Về giải pháp lâu dài, huyện triển khai các phương án chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Đắk Mil tính toán nguồn nước trước khi đầu tư sản xuất đối với những diện tích cây trồng xa nguồn nước tưới.

Huyện khuyến khích người dân tính toán trồng cây che bóng mát, trồng xen cây rừng trong vườn để vừa chắn gió kết hợp chống hạn.

Đắk Mil sẽ tiến hành quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng vườn rẫy có khả năng giữ nước trong đất và tuyển lựa các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn.

Huyện sẽ xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp.

Đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài để phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.

phuoc-4-(1).jpg
Mực nước tại hồ Đội 1, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) hiện đã xuống rất thấp

Huyện mong muốn tỉnh sớm đầu tư kinh phí để nạo vét, nâng cấp các hồ đập thủy lợi để tăng dung tích hồ chứa, trữ nước cho mùa khô một cách chủ động.

Trong đó, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang. Nếu dự án này được triển khai, sẽ có hơn 1.600ha cây trồng và khoảng 8.000 hộ dân được cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt đầy đủ...

Nội dung, ảnh: P.V

Trình bày: Nguyễn Hiền

2.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn hán - Giải pháp và hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO