Giới chuyên gia cho biết tại Hàn Quốc, nơi trẻ em ở trường học tới 16 giờ mỗi ngày, tình trạng bắt nạt diễn ra phổ biến, bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn vấn nạn này. (Nguồn: Keia)
Từng bị bắt nạt thời còn đi học - bị bạn giấu kim trong giày, bị đá vào bụng - nay Pyo Ye-rim, một thợ làm tóc 26 tuổi ở Hàn Quốc, đã lên tiếng khi tham gia phong trào "Hakpok #MeToo."
"Hakpok #MeToo" thu hút sự hưởng ứng rộng rãi tại Xứ sở kim chi, giúp những người bị bắt nạt công khai danh tính thủ phạm bạo lực học đường.
Nổi tiếng toàn cầu nhờ bộ phim nhiều tập "The Glory" của hãng Netflix với nội dung liên quan bạo lực học đường ở Hàn Quốc, phong trào "Hakpok #MeToo" đã vạch trần tất cả những thủ phạm bạo lực học đường, kể cả ngôi sao K-pop, cầu thủ bóng chày thành công nhất Hàn Quốc, khiến những người này mất sự nghiệp. Các nạn nhân tham gia phong trào nhận được sự đồng cảm của đông đảo công chúng.
Giới chuyên gia cho biết tại Hàn Quốc, nơi trẻ em ở trường học tới 16 giờ mỗi ngày, tình trạng bắt nạt diễn ra phổ biến, bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn vấn nạn này.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng hành vi bắt nạt thường không bị xử phạt ngay trong trường và thời hạn hiệu lực đối với những tội ác như vậy khiến nạn nhân khó đưa ra các cáo buộc nhiều năm sau đó.
Pyo Ye-rim cho biết cô bị mất ngủ và trầm cảm trong nhiều năm, trước khi quyết định ngừng trốn tránh và công khai đưa ra cáo buộc. Kết quả là một trong những kẻ bắt nạt cô đã bị đuổi việc.
Pyo Ye-rim và nhiều nạn nhân khác đang vận động nhà chức trách đình chỉ thời hạn hiệu lực xử phạt hành vi bạo lực học đường và sửa đổi luật hình sự đối với tội phỉ báng để bảo vệ các nạn nhân tốt hơn. Với luật hiện hành, những kẻ bắt nạt có thể kiện lại người tố cáo và thắng kiện ngay cả khi các nạn nhân nói sự thật.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, luật sư Noh Yoon-ho chuyên về các vụ bắt nạt tại Seoul nhận định bạo lực học đường là "căn bệnh phổ biến" tại các trường học ở Hàn Quốc. Nữ luật sư cho rằng đây là vấn đề mà nước này cần phải xử lý, đồng thời nhấn mạnh phong trào "Hakpok #MeToo" đã giúp nhiều nạn nhân dũng cảm vạch trần các hành vi phạm pháp.
Trong khi đó, Giáo sư Jihoon Kim nghiên cứu về hành vi bắt nạt tại Hàn Quốc cho rằng hiện chưa có hệ thống nào ở cấp độ trường học để nạn nhân có thể tiếp cận mà không do dự ngay khi bị bắt nạt.
Bộ phim "The Glory" của Netflix kể về một học sinh nữ bị các bạn học bắt nạt bằng những hành vi tàn bạo. Nhiều năm sau đó cô đã lên kế hoạch tỉ mỉ báo thù những kẻ bắt nạt mình. Bộ phim đã góp phần thúc đẩy các cuộc thảo luận cấp quốc gia về vấn đề bắt nạt tại Hàn Quốc.
Sau khi bộ phim gây tiếng vang, chính đạo diễn Ahn Gil-ho đã bị buộc tội bắt nạt trẻ vị thành niên và phải lên tiếng xin lỗi.
Mới đây, ngay cả văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng phải rút lại việc bổ nhiệm một cảnh sát hàng đầu sau khi có thông tin con trai của ứng cử viên đã bắt nạt các bạn cùng lớp, gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng.
Mặc dù những kẻ bắt nạt bị xử phạt và các nạn nhân được công chúng đồng cảm và ủng hộ, song nhiều người cho rằng các hình phạt chưa đủ công bằng đối với các nạn nhân.
Theo các chuyên gia, vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều nếu có sự phối hợp của các nhà trường để đảm bảo ngăn chặn và xử phạt kịp thời hành vi bắt nạt ngay khi xảy ra sự việc./.