Hai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu con

PV| 26/09/2023 15:53

Bé trai 8 tuổi (ở Gia Lai) và bé trai 13 tuổi (ở Đắk Nông) khởi phát bệnh dại, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng nguy kịch. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh dại lây từ động vật sang người thông qua chất tiết, thường là nước bọt.

Theo BSCK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, mới đây, khoa đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ mắc bệnh dại. Đó là bé trai 8 tuổi (ở Gia Lai) và bé trai 13 tuổi (ở Đắk Nông), 2 bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch nên đã được theo dõi điều trị tích cực. Người nhà 2 bệnh nhi cho hay, các bé đều tiếp xúc với chó trước khi mắc bệnh.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực Châu Á và Châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Thời kỳ lây truyền bệnh dại

Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Châu Mỹ, Châu Âu còn thấy có ổ chứa ở loài dơi. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, virus đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

Hai trẻ phát bệnh dại nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cha mẹ cần phải biết những điều sau - Ảnh 2.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh dại

- Thời kỳ ủ bệnh dại thường từ 1 - 3 tháng, nhưng có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nơi mà virus xâm nhập hoặc lượng virus xâm nhập (vết cắn sâu nặng, hoặc gần hệ thần kinh trung ương: Vùng đầu mặt cổ, bộ phận sinh dục…). Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại gồm sốt cao, cảm giác ngứa ran, bị châm chích, nóng rát không rõ nguyên nhân ở vết thương. Do virus lan rộng đến hệ thần kinh trung ương, gây viêm tiến triển ở não và tủy sống dẫn đến tử vong.

Chó nghi dại thường có các biểu hiện lâm sàng chia thành 2 thể là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), đôi khi chó có cả 2 thể lâm sàng xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.

- Thể điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

- Thể dại câm: Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa thân hoặc 2 chân sau, thường là liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

Đối với chó con triệu chứng dại thường không điển hình nhưng tất cả các con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi chó có triệu chứng dại đầu tiên.

Mèo ít bị mắc dại hơn chó. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó; mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục, cắn khi có người chạm vào.

Các loài động vật có vú đều có cảm nhiễm với virus dại ở mức độ khác nhau. Tính cảm nhiễm cao nhất ở chó, mèo, cáo, chồn, dơi tiếp đến là trâu, bò, lợn, khỉ, gấu, chuột... Người cũng có cảm nhiễm cao đối với virus dại và sẽ có kháng thể chủ động chống lại virus dại nếu được tiêm vaccine dại.

Xử trí vết thương khi bị chó cắn hoặc mèo cắn

Khi bị chó, mèo cắn cần xử trí đúng cách, cụ thể:

Xả nước rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Hai trẻ phát bệnh dại nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cha mẹ cần phải biết những điều sau - Ảnh 3.

Xả nước rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch ngay sau khi bị cắn.

Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn?

Trên thực tế, khi bị chó, mèo cắn cần giữ bình tĩnh xử lý sơ cứu vết thương tại chỗ đúng cách. Sau đó nên nhanh chóng đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám xử lý vết thương, xem xét chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine dại phù hợp. Bởi đôi khi việc tiêm phòng dại ở động vật nuôi có chắc chắn không, nhiều trường hợp quên đã tiêm phòng cho chó mèo.

Tùy vào tình trạng, vị trí vết thương và tình trạng động vật tại thời điểm cắn, bác sĩ sẽ phân độ và chỉ định vaccine, kháng huyết thanh.

Cần tiêm ngay vaccine phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

- Vết cắn sâu, quá nhiều hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

- Khi trẻ bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn trong vùng đang có dịch bệnh dại chó mèo... cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.

- Vết cắn có những biểu hiện nhiễm trùng như: Vết cắn trở nên đau hơn, đỏ và sưng tấy xung quanh vết thương, rỉ dịch hay mủ từ vết cắn, sốt cao hơn 38°C kèm lạnh run, sưng hạch bạch huyết…

Không tiêm ngay mà cần theo dõi sau 10 - 14 ngày với các trường hợp sau:

- Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.

- Chó, mèo đã được tiêm ngừa dại, không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh dại chó mèo.

- Trong vòng 10 - 14 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết, bị mất tích hay bị giết thịt, thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 14 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, không cần phải đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại nữa.

- Nếu đưa nạn nhân đi tiêm muộn sau khi bị chó dại cắn thì huyết thanh sẽ không còn có tác dụng, chỉ có thể tiêm vaccine phòng bệnh dại. Vì thế, các nạn nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình và liều lượng tiêm được bác sĩ chỉ định.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/hai-tre-phat-benh-dai-nguy-kich-cha-me-can-biet-nhung-dieu-nay-de-cuu-con-169230925104741304.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/hai-tre-phat-benh-dai-nguy-kich-cha-me-can-biet-nhung-dieu-nay-de-cuu-con-169230925104741304.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu con
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO